Sáng 13/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á-Thái Bình Dương về "Ứng phó với biến đổi khí hậu-Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát phát triển bền vững" tiếp tục Phiên toàn thể thứ ba với nội dung “Huy động các nguồn lực để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” thảo luận về vai trò của Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương trong kêu gọi và sử dụng nguồn lực tài chính và phi tài chính hỗ trợ cho việc thực hiện các SDGs.
Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các mục tiêu SDGs của Thụy Điển, ông Pereric Hogberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, từ nhiều năm nay, vấn đề biến đổi khí hậu đã được coi là một trong những mục tiêu quốc gia quan trọng của Thụy Điển.
Các chính sách của Thụy Điển hướng tới quan tâm thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia các hoạt động hỗ trợ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu quốc gia và toàn cầu.
Theo ông Pereric Hogberg, biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính toàn cầu và đòi hỏi tất cả các nước phải cùng nhau giải quyết, trong đó cần xây dựng hướng đi chung cho tất cả các nghị viện trong thúc đẩy các chính phủ thực hiện SDGs, thông qua việc xây dựng chính sách và huy động các nguồn lực trong và ngoài quốc gia.
[IPU công bố Bộ tiêu chí tự đánh giá thực hiện Phát triển bền vững]
Các quan điểm xóa đói giảm nghèo, quan tâm đến người nghèo, người dễ bị tổn thương phải được đưa vào trong chính sách phát triển quốc gia, thể hiện trong các chính sách bằng các chương trình hoạt động cụ thể.
Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động lập pháp, các nghị viện đảm bảo các nguồn lực quan trọng cần phải được thực hiện một cách hiệu quả, sử dụng đúng mục đích trong quá trình thực hiện chống biến đổi khí hậu.
Các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương cần xây dựng cơ chế phối hợp với nhau và với các quốc gia khác trên thế giới để huy động đa dạng các nguồn lực và chia sẻ các nguồn lực trong thực hiện mục tiêu SDGs.
Ông Oussmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, các nhà lập pháp phải nhất quán trong khả năng huy động nguồn lực ở cấp quốc gia và địa phương, phát triển cơ chế luân chuyển ngân sách giữa quốc gia với địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ và SDGs nói chung.
Đối với nguồn viện trợ phát triển ODA, đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, trước những thách thức ngày càng nâng lên, cần phải sử dụng ODA hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, có thể tận dụng huy động nguồn kiều hối để phát triển.
Tuy nhiên, cần phải có cơ chế, chính sách tốt để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực này cho mục tiêu phát triển bền vững, trong đó tập trung vào vấn đề đầu tư vào con người, nâng cao trình độ quản trị các chương trình phát triển quốc gia đảm bảo môi trường trong sự phát triển bền vững của quốc gia.
Các nghị sỹ đã nghe đại diện một số quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc... chia sẻ kinh nghiệm thực hiện vai trò Nghị viện trong việc xây dựng cơ chế, chính sách và các biện pháp thúc đẩy Chính phủ các nước triển khai các chương trình phát triển quốc gia thực hiện SDGs; đánh giá hoạt động phối hợp với các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong hỗ trợ các nguồn lực tài chính cho các quốc gia thực hiện SDGs, trong đó quan tâm đảm bảo quyền lợi của các nhóm dân cư nghèo, dễ bị tổn thương từ các hậu quả các biến đổi khí hậu.
Các nghị sỹ cho rằng Quốc hội các nước châu Á-Thái Bình Dương cần có những hành động mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa trong hoạt động lập pháp và giám sát tại các quốc gia để ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường các biện pháp khuyến khích các tổ chức quốc tế, các quốc gia, tận dụng đa dạng các nguồn lực để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thực hiện thành công các cam kết SDGs.
Kết quả Hội nghị bao gồm các nội dung thảo luận, ý kiến đóng góp của các nghị sỹ tại các Phiên toàn thể sẽ được thông tin tới Đại hội đồng IPU và các Nghị viện thành viên của IPU./.