Huy động các nguồn lực để phòng, chống dịch COVID-19

Nhằm hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, các lực lượng tuyến đầu, Hà Nôi, Quảng Nam cùng các địa phương đã huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Huy động các nguồn lực để phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương trao quà cho sinh viên tại các khu ở trọ. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Nhằm hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, các lực lượng tuyến đầu, Hà Nôi, Quảng Nam cùng các địa phương đã huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Hà Nội tích cực giúp đỡ người dân, người gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính đến cuối ngày 23/8, thành phố Hà Nội đã rà soát và quyết định hỗ trợ cho 279.665 người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo với số tiền gần 280 tỷ đồng.

Trong đó, các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chi trả cho 243.921 người, hộ gia đình với số tiền gần 244 tỷ đồng.

Đây là hoạt động triển khai thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đối với 8 nhóm đối tượng.

Chương trình nhằm đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn, đặc biệt là người có công với cách mạng, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động mất việc làm do dịch COVID-19.

[Tăng, ni, phật tử TP.HCM tích cực hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19]

Thực hiện Nghị quyết 15, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội đã triển khai nội dung đến từng địa phương, đảm bảo quyền lợi cho toàn bộ các đối tượng được thụ hưởng chính sách đặc thù. Chỉ sau 10 ngày thực hiện, đến nay, các địa phương ra quyết định hỗ trợ cho 279.625 trường hợp thuộc diện người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội (nhóm 1, 2,3).

Theo đánh giá của Sở, con số này đã đạt 93% so với số lượng dự kiến (khoảng 301.000 người) cho 3 nhóm đối tượng này.

Cụ thể, các đối tượng thuộc nhóm 1 (hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo, cận nghèo của thành phố) đã được các quận, huyện, thị xã phê duyệt hỗ trợ cho 35.931 hộ nghèo và hộ cận nghèo với số tiền gần 36 tỷ đồng, trong đó đã chi trả hỗ trợ được 33.344 hộ với số tiền hơn 33 tỷ đồng.

Tại nhóm 2 (hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và tại các Trung tâm bảo trợ xã hội nhưng đang sống tại gia đình, chưa quay trở lại trung tâm), các địa phương đã phê duyệt hỗ trợ cho 170.710 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 170  tỷ đồng, trong đó đã chi trả hỗ trợ được 147.159 đối tượng với số tiền 147 tỷ đồng.

Ở nhóm 3 (hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng), các quận, huyện, thị xã đã phê duyệt hỗ trợ cho 72.984 người với số tiền gần 73 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện chi trả hỗ trợ được 63.378 người với số tiền hơn 63 tỷ đồng.

Đối với các nhóm đối tượng khác, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã đang tiếp tục triển khai thực hiện. Trong đó, các địa phương đã phê duyệt và hỗ trợ cho 9 người với số tiền 22,5 triệu đồng đối với nhóm 6 (người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông…); hỗ trợ 18 triệu đồng cho 3 chủ cơ sở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên…

Ngoài chương trình này, với tinh thần "tương thân tương ái", Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Liên đoàn Lao động thành phố, Thành đoàn Hà Nội và một số quận, huyện, thị xã cũng đã huy động nhiều nguồn lực để cùng chung sức hỗ trợ cho các đối tượng còn khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống với tổng kinh phí trên 141 tỷ đồng.

Thành phố cũng hỗ trợ cho 3.431 hộ nghèo không có người trong hộ tham gia thị trường lao động, gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 với 3.431 suất quà là nhu yếu phẩm trị giá hơn 3,4 tỷ đồng.

Quảng Nam tiếp nhận 1,1 tỷ đồng vào Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 23/8, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Quảng Nam đã hỗ trợ Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh 1,1 tỷ đồng (gồm 1 tỷ đồng của Chi nhánh Ngân hàng và 100 triệu đồng của cán bộ, nhân viên chi nhánh đóng góp).

Huy động các nguồn lực để phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 2Đại diện Công đoàn Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam tại tỉnh Quảng Nam hỗ trợ Quỹ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Quảng Nam 100 triệu đồng. (Ảnh: Phước Tuệ/TTXVN)

Phát biểu tại lễ tiếp nhận, ông Hà Thạch, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quảng Nam, chia sẻ, trong năm 2020 ngân hàng đã ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội của tỉnh trên 24,7 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai và phòng, chống dịch bệnh.

Trong năm 2021, trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, ngân hàng đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ nông dân (khách hàng) như, cơ cấu lại nợ, giảm lãi, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, giảm 50% lãi suất. Từ ngày 15/7 đến hết năm 2021 ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với người dân.

Ông Võ Xuân Ca, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam, đã thông báo về tình hình dịch bệnh và công tác hỗ trợ nhân dân trong tỉnh cũng như người dân tại các vùng tâm dịch (gồm hơn 600 tấn lương thực, thực phẩm).

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho chốt kiểm dịch và các địa phương trên địa bàn. Ông Võ Xuân Ca cũng nêu rõ, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, tất cả mọi người phải nêu cao ý thức, thực hiện nghiêm Thông điệp 5K.

Toàn bộ sự hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm sẽ được tỉnh phân bổ kịp thời, hiệu quả.

Được biết, từ đầu năm đến nay, thực hiện lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19”của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận hơn hơn 27 tỷ đồng và hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu... do các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm gửi đến ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.

Trao gần 30 tấn nông sản tặng người dân khó khăn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai

Trong hai ngày 22-23/8, gần 30 tấn nông sản đã được kết nối trao tận tay người dân có hoàn cảnh khó khó khăn tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.

Hoạt động nằm trong chuỗi chương trình livestream "Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch" hướng về miền Nam thân yêu do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức, cùng với sự đồng hành của Hoa hậu H’Hen Niê.

Trước đó, gần 30 tấn nông sản gồm gạo, khoai lang, chanh, ngô được các cán bộ, chiến sỹ vùng 2 Hải quân vận chuyển bằng đường thủy từ Đồng Tháp về cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh).

Đây là những phần quà được mua trực tiếp của nông dân tỉnh Đồng Tháp từ kinh phí vận động thông qua các kênh livestream của hoa hậu H'Hen Niê và một số kênh khác.

Người dân trên toàn quốc đã đặt mua gần 3.000 gói quà nông sản, thực phẩm trị giá 200.000 đồng để tặng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 ở khu vực phía Nam.

Sau chương trình, Trung ương Đoàn đã kết nối trao những phần quà này cho Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đoàn Bình Dương, tỉnh Đoàn Đồng Nai để gửi tới tận tay người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Trưởng ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn Nguyễn Thị Thu Vân cho biết: Chuỗi chương trình "Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch" với sự đồng hành của các nghệ sĩ có sức ảnh hưởng đã góp phần hỗ trợ người nông dân tiêu thụ một lượng lớn nông sản, giúp họ vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh.

Tiếp nối thành công trước đó, livestream với sự đồng hành của Hoa hậu H’Hen Niê trên nền tảng mạng xã hội Facebook là chương trình lần thứ tư, trực tiếp kêu gọi cộng đồng cùng sẻ san sẻ yêu thương tới đồng bào phía Nam. 

"Chương trình có ý nghĩa rất lớn vì giúp đỡ nông dân tiêu thụ nông sản và người dân ở vùng dịch sẽ được tặng phần quà là những nông sản tươi, ngon. Sắp tới, chương trình sẽ đưa nhiều hơn đặc sản của nông dân đến với người dân vùng phong tỏa," chị Nguyễn Thị Thu Vân chia sẻ.

Các cá nhân, tập thể có thể tham gia ủng hộ chương trình theo hình thức "Gửi quà trao yêu thương" bằng cách trực tiếp đặt những phần quà thông qua sàn thương mại điện tử Vnshop, thanh toán bằng phương thức VNPAY-QR trên ứng dụng ngân hàng hoặc ứng dụng Ví VNPAY, mỗi đơn hàng sẽ được giảm thêm 10%, tối đa 100.000 đồng (mã VNSHOP100).

Đây là giải pháp thanh toán không tiền mặt tiện lợi, giảm thiểu rủi ro tiếp xúc trực tiếp trong mùa dịch. Khán giả sẽ lựa chọn gửi những suất quà về một trong ba địa điểm tỉnh, thành mà mình muốn gửi tặng./.

Tình hình dịch bệnh đến 18h ngày 23/8:

Trong nước

- Số ca nhiễm: 358.456 ca.
- Số ca tử vong: 8.666 ca. Trong đó Thành phố Hồ Chí Minh: 7.010 ca; Thủ đô Hà Nội: 36 ca
- Số ca khỏi bệnh: 154.612 ca.
- Số tiêm chủng: 17.364.569 liều. Trong đó tiêm 1 mũi là 15.530.221 liều, tiêm mũi 2 là 1.834.348 liều.

Thế giới:

Số ca nhiễm: 208.558.900
Số tử vong: 4.398.234
Số hồi phục: 187.829.140

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục