Đối với nhiều Việt kiều tại Nam Phi, Tết là một từ hết sức thiêng liêng, không những chỉ có ý nghĩa cổ truyền của dân tộc mà còn gợi lên hình ảnh đẹp đẽ của sự ấm cúng, sum vầy đối với người dân đất Việt.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Nam Phi, chị Huỳnh Ngọc Mai cho biết đã 5 năm kể từ khi chuyển đến sinh sống tại thủ đô Pretoria, chị đã không còn có cơ hội ăn Tết ở Việt Nam nữa.
Tuy nhiên, mỗi lần nghe thấy Tết là chị thấy xúc động và rất vui. Mỗi khi nhìn ảnh bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội, thấy hoa đào, hoa mai là chị lại thấy rộn ràng trong lòng.
Do Nam Phi thì lại không có Tết âm lịch nên chị không thể cảm nhận được không khí đó tại đây. Chị hy vọng trong năm Nhâm Dần 2022, dịch COVID-19 sẽ được khống chế để chị có thể về Việt Nam ăn Tết với gia đình.
Cùng chia sẻ nỗi nhớ Tết Việt với chị Mai, chị Đào Thị Huyền, một Việt kiều sinh sống tại thành phố Johannesburg, cũng đã có hơn 3 năm không ăn Tết quê nhà kể từ khi lấy chồng là người Nam Phi.
Trong khi đó, cộng đồng người Việt ở Nam Phi không lớn, nên cũng rất khó để thấy được không khí Tết như ở nhà. Mặc dù hai vợ chồng chị đã có kế hoạch về đón Tết tại Việt Nam, song dịch COVID-19 đã khiến kế hoạch bị trì hoãn.
Hiểu rõ mong muốn được đón Tết đoàn viên truyền thống của kiều bào tại Nam Phi, tối 27/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã tổ chức chương trình Xuân Quê hương để mang đến không khí Tết truyền thống cho các kiều bào và cán bộ đang sinh sống, học tập và làm việc ở sở tại.
Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi chia sẻ mỗi dịp Xuân về, người Việt Nam dù ở bất kỳ nơi đâu luôn mong muốn trở về quê hương để thắp nén nhang tưởng nhớ công ơn của tổ tiên và quây quần bên bữa cơm gia đình.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã khiến nhiều người không thể về đất mẹ để tận hưởng bầu không khí này. Chính vì vậy, theo Đại sứ, việc tổ chức buổi gặp mặt Xuân Quê hương tại Nam Phi cũng là để cộng đồng người Việt tại đây có cơ hội sum vầy, cùng tạo nên một đại gia đình, cùng cầu chúc nhau những điều tuyệt vời nhất cho Năm mới.
Đại sứ đã gửi lời cảm ơn cộng đồng đã chung tay và giúp đỡ Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam trong quá trình công tác tại Nam Phi, đồng thời bày tỏ mong muốn và trân trọng đề nghị mỗi Việt kiều tại Nam Phi hãy tiếp tục là một “Đại sứ” của Việt Nam, phát huy văn hóa, truyền thống vẻ vang và bản chất tốt đẹp của con người Việt Nam tại quốc gia này.
Tại buổi gặp mặt, tất cả cùng xúc động lắng nghe lời chúc Tết Nguyên đán Nhâm Dần của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dành cho kiều bào và cùng điểm lại những sự kiện nổi bật của đất nước trong năm vừa qua.
Các kiều bào cũng được thưởng thức những món ăn truyền thống mỗi độ Tết đến Xuân về của quê hương. Đặc biệt, màn trình diễn áo dài cũng nhận được sự tán thưởng từ những người nước ngoài có mặt.
Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt tại Nam Phi cũng nhìn lại những hình ảnh thân thương qua bộ sưu tập ảnh và sách báo giới thiệu về Việt Nam-đất nước-con người. Những người con đất Việt lại có cơ hội để giới thiệu cho thân nhân là người nước ngoài về quê hương, về Tết cổ truyền của dân tộc.
Nồi bánh chưng đặc biệt mùa COVID-19
Những ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022 này, tại Nam Phi đang là mùa Hè. Hoa đào đã nở từ mấy tháng trước. Nhưng không khí chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền tại đây vẫn rộn ràng và náo nhiệt.
Các cán bộ và nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi cùng các cơ quan đại diện đã bắt tay vào chuẩn bị một cái Tết cho tất cả cộng đồng người Việt sở tại cùng quây quần, sum họp từ trước đó cả nửa tháng.
Nhắc đến Tết thì những món ăn đậm đà hương vị Việt Nam truyền thống như giò chả, nem rán và đặc biệt là bánh chưng nhất định không thể thiếu.
[Pháp: Những món ăn Tết thấm tình quê hương của người Việt ở Vitré]
Để chuẩn bị cho nồi bánh chưng năm nay, các cán bộ đã bỏ công đi chọn thịt, phân chia công việc vo gạo, đãi đỗ, rửa lá dong và cùng nhau ngồi gói những cái bánh chưng vuông vắn, đậm đà hồn dân tộc.
Điều đặc biệt với nồi bánh chưng tại Nam Phi năm nay đó là đã kịp chuẩn bị lá dong và lạt mang từ Việt Nam sang.
Theo anh Trịnh Ngọc Đại, cán bộ cơ quan quân vụ tại Nam Phi, người đã có kinh nghiệm gói bánh chưng 4 năm tại đây, năm trước, do điều kiện dịch bệnh không thể có đủ nguyên vật liệu cần thiết, nồi bánh chưng ở Nam Phi phải vận dụng những nguyên liệu tại chỗ như lá chuối thay cho lá dong, dây cốttông thay cho lạt buộc.
Việc gói bánh chưng bằng lá chuối có lẽ đã không còn xa lạ với những người Việt xa xứ. Tuy nhiên, có một điều chắc ít ai biết, đó là tại thủ đô Pretoria, việc tìm được nhiều lá chuối, và tàu lá lành lặn, để gói bánh hoàn toàn không phải là một điều dễ dàng.
Anh Đại cho biết các cán bộ và người dân cộng đồng đã phải chạy xe đến 400km sang một tỉnh sát biên giới với Zimbabwe để tìm mua lá chuối về phục vụ công tác gói bánh.
Anh Đại kể: “Năm ngoái mọi người còn phải chia sẻ từng tàu lá chuối lành lặn, việc gói bánh chưng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Ai cũng phải hết sức cẩn thận vì không thể để lãng phí lá.”
Năm nay, cho dù điều kiện vận chuyển phức tạp, những chiếc bánh chưng ở Pretoria đã mang đậm màu sắc và hương vị quê nhà. Lá dong và lạt đã được Đại sứ quán chuẩn bị mang sang từ trước đó và bảo quản đông lạnh, chờ đến ngày gói bánh.
Rũ bỏ bộ quần áo đồng phục và công sở hằng ngày, các cán bộ ngoại giao, quân vụ, thương vụ và báo chí cùng ngồi xuống, chỉ nhau gói những chiếc bánh vuông vức, thấm đẫm tình nghĩa đồng bào.
Năm nay, các anh chị vẫn cố tiết kiệm từng tấm lá dong rã đông, từng thanh lạt ngâm nước. Nhưng ai cũng công nhận gói bánh chưng bằng lá dong, bằng lạt thích hơn hẳn, đúng hương vị hơn hẳn.
Đến cả khi những chiếc bánh đã vào nồi, nghe tiếng nước sôi lục bục, tiếng than củi nổ lách tách, các anh, chị lại ngồi rút kinh nghiệm cho mùa bánh chưng năm sau. Tất cả với tâm thế luôn sẵn sàng cho một ngày Tết sum họp của toàn thể cộng đồng người Việt Nam tại Nam Phi sắp tới.
Đây là dịp bà con xa nhà cùng nhau họp mặt, chia sẻ động viên, cùng chúc cho nhau những vận hội mới, những điều tốt lành khi năm mới Nhâm Dần 2022 đang về./.