Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh cần tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại xã, phường, thị trấn; khi tổ chức thực hiện xã, phường, thị trấn phải thật sự là “pháo đài;” người dân phải thật sự là “chiến sỹ," là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.
Kết luận trên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sáng 11/9, đã được nêu lại trong Thông báo 241/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 14/9.
Bài 1: Lấy xã, phường làm điểm tựa
Việc phân cấp hành chính địa phương ở Việt Nam hiện nay căn cứ theo Điều 110 Hiến pháp 2013 và Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, gồm 3 cấp: Cấp tỉnh là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cấp huyện là các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; cấp xã là các xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, còn có đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
Vai trò của xã, phường trong hệ thống hành chính
Xã, phường, thị trấn là đơn vị hành chính thuộc cấp thấp nhất. Dưới xã có làng (thôn, bản, buôn, sóc, ấp...), dưới phường (thị trấn) có khu dân cư, khu phố, khu vực, khóm, ấp.
Khi lượng dân cư đông thì thôn, làng dưới có thể chia ra các xóm, còn khu dân cư ở phường và thị trấn thì chia ra tổ dân phố, dưới tổ dân phố còn chia ra cụm dân cư. Đây là cấp cơ sở không pháp nhân, phục vụ cho việc quản lý dân cư nhưng không được xem là cấp hành chính. Những người tham gia quản lý hoạt động ở cấp này chỉ được hưởng phụ cấp công tác mà không được coi là công chức.
Đến nay, Việt Nam có 9.043 đơn vị hành chính cấp xã (gồm cả các phường, thị trấn). Tuy là đơn vị hành chính cấp thấp nhất nhưng có một số xã ở các tỉnh miền núi có diện tích “khổng lồ." Xã có diện tích lớn nhất nước hiện nay là Krông Na (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) với 1.113,79km2 (để so sánh: tỉnh Bắc Ninh có diện tích 823,1km2, tỉnh Hà Nam: 852,2km2, tỉnh Ninh Bình: 1.384km2).
Chính quyền cấp xã (phường, thị trấn) có vai trò quan trọng trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trên địa bàn là do nhiều yếu tố: Thứ nhất, là ở số lượng - 9.043 đơn vị. Thứ hai, đây là cấp hành chính gần dân nhất trong hệ thống hành chính địa phương 3 cấp ở nước ta, có chức năng chủ yếu là triển khai thực hiện chủ trương, biện pháp phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trên địa bàn.
Chính quyền cấp xã không chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo luật định mà còn phải chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn; tham gia cùng với chính quyền các cấp tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án của các chương trình này nhằm phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trên địa bàn.
Trên địa bàn các đơn vị hành chính cấp xã có các cộng đồng dân cư gắn bó chặt chẽ với nhau trên nhiều phương diện, như kinh tế, văn hóa, xã hội, dòng họ, huyết thống, phong tục, tập quán, ngành nghề và nhiều sinh hoạt chung khác, gắn liền với văn hóa làng xã lâu đời của người Việt.
Do vậy, chính quyền xã có nhiệm vụ hướng dẫn và giám sát các hoạt động tự quản của nhân dân, tạo điều kiện trực tiếp để nhân dân phát huy mọi khả năng phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời có vai trò rất quan trọng trong việc gắn kết các thành viên trong gia đình, cộng đồng dân cư, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển các giá trị con người-giá trị văn hóa-giá trị xã hội, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn.
Vị trí của xã, phường trong chống dịch
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định “xã, phường là pháo đài chống dịch” thực chất là ghi nhận vị trí, vai trò rất quan trọng của địa bàn cơ sở; đề cao vị trí, tầm mức ảnh hưởng của đội ngũ cán bộ cơ sở đối với cuộc chiến đấu gian nan của Việt Nam - "chống dịch COVID-19 như chống giặc."
Phương châm chống dịch “Lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sỹ, là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch” được Thủ tướng nhắc đến không chỉ trong Công điện số 1099/CĐ- TTg mà liên tục được nhấn mạnh trong các cuộc làm việc của người đứng đầu Chính phủ với lãnh đạo các địa phương, cơ sở.
Sự chỉ đạo thống nhất, quyết liệt của Ban Chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự kết hợp giữa tập trung, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo với phân công, phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện đến tận cấp cơ sở; sự chuyển hướng kịp thời trong quan điểm phòng, chống dịch đã mang lại những chuyển biến tích cực, khi vùng xanh được mở rộng, vùng đỏ thu hẹp, số ca mắc mới giảm từng ngày...
Nếu pháo đài trong thuật ngữ quân sự là công trình kiên cố được xây dựng ở nơi xung yếu thì việc coi phường, xã như những “pháo đài chống dịch” là nhằm khẳng định vị trí quan trọng của người dân, chính quyền, cán bộ cơ sở trong việc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Chủ trương lấy xã, phường làm pháo đài phòng, chống dịch là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với hệ thống chính trị và mô hình quản trị ở Việt Nam. Xã, phường là nơi cư trú của các tầng lớp nhân dân. Hệ thống chính trị ở xã, phường là nơi gần dân nhất, cán bộ cơ sở là những người hiểu dân nhất và là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương.
Xã, phường chỉ trở thành “pháo đài” vững chắc để có thể chặn đứng mọi cuộc tấn công của dịch bệnh khi chính quyền, cán bộ địa phương xây dựng được các phương án chống dịch khoa học, phù hợp với đặc điểm dân cư, địa lý, kinh tế, xã hội, phong tục văn hóa và tình hình dịch tễ ở địa phương; bố trí, sử dụng hợp lý lực lượng tại chỗ để chống dịch một cách hiệu quả nhất.
Từ phương châm đến hành động
Việc chuyển hướng về cơ sở trong phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ là phương châm mà đã trở thành hành động thiết thực từ phía Chính phủ.
Trong thời gian qua, tại các cuộc họp với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, với lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, trong các lần đi kiểm tra công tác chống dịch ở địa phương, người đứng đầu Chính phủ luôn yêu cầu có sự kết nối trực tuyến với lãnh đạo các phường, xã, thị trấn.
Ngày 27/8, không lâu sau khi có Công điện số 1099/CĐ-TTg, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tình hình phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng không chỉ làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh mà còn làm việc trực tuyến với cán bộ lãnh đạo 171 xã, phường, thị trấn của tỉnh.
Thủ tướng coi 171 xã, phường là các pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ trong pháo đài chống dịch đó.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Đây là chủ trương chuyển hướng lấy xã, phường làm pháo đài, người dân làm chiến sỹ để cùng nhau chống dịch COVID-19. Do đó, làm việc trực tiếp với các xã, phường là hết sức quan trọng. Tôi mong các đồng chí ở xã, phường lắng nghe các ý kiến chỉ đạo của các thành viên đoàn công tác Chính phủ, từ đó chắt lọc, thực hiện thật tốt nhiệm vụ khống chế dịch bệnh COVID-19."
[Người dân phải thật sự là chủ thể trong phòng, chống dịch COVID-19]
Tiếp đó, chiều 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với các địa phương trên cả nước về công tác ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong tình hình hiện nay.
Cuộc họp được truyền trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố; 705 quận, huyện và tất cả 9.043 đơn vị hành chính cấp xã.
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ngoài các điểm cầu trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố, cuộc họp có điểm mới là còn được truyền trực tuyến đến 705 quận, huyện, thị xã và 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước. Mấy ngày qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, các tập đoàn viễn thông đã hỗ trợ để thiết lập việc chỉ huy từ phòng làm việc Thủ tướng Chính phủ đến tận xã, phường nhằm thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát, đôn đốc các xã, phường, thị trấn.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Chúng ta vừa qua đã chuyển hướng, lấy xã phường làm pháo đài, người dân là chiến sỹ trong phòng chống dịch. Người sống ở xã, phường; xã, phường hiểu dân nhất, gần dân nhất, xã, đến với dân nhanh nhất, cho nên điều này rất phù hợp hệ thống chính trị của chúng ta."
Xã, phường là nơi trực tiếp gắn với dân, cũng là một hệ thống chính trị tương đối đầy đủ như ở Trung ương: có Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch. Việc phân định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy là như vậy, từ đây chúng ta rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội dưới sự điều hành, quản lý theo Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ: "Vận động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra, quyết liệt thực hiện và nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ."
Tại cuộc họp vào chiều 5/9, Bộ Y tế cho biết, Trung tâm Chỉ huy và kiểm tra trực tuyến về phòng, chống dịch đã được thiết lập và kết nối đến hơn 5.500 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn trên cả nước (hơn 50% số xã, phương, thị trấn); 19 tỉnh, thành phố phía Nam kết nối với 2.594 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn (đạt 100% số xã, phường, thị trấn).
Các địa phương đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và khẩn trương rà soát, củng cố và kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, thành lập các Trung tâm/Sở chỉ huy phòng, chống dịch, đồng thời ban hành các quy chế, kế hoạch hoạt động, phân công nhiệm vụ, lịch phân công trực trong thời gian thực hiện công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Ngày 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc, kiểm tra trực tuyến công tác phòng chống dịch với hai tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang. Cuộc họp cũng được kết nối trực tuyến tới 26 huyện, thành phố, thị xã và 317 xã, phường, thị trấn thuộc hai tỉnh.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các cuộc làm việc trực tuyến với các địa phương, kiểm tra đột xuất các xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Nhờ đó, trên phạm vi cả nước, công tác phòng, chống dịch đã có chuyển biến tích cực, tình hình dịch cơ bản đang từng bước được kiểm soát.
Để “pháo đài” vững chắc
Bến Tre là 1 trong 8 địa phương chống dịch COVID-19 có hiệu quả trong số 23 tỉnh, thành phố áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, đã đề xuất 6 phương thức để củng cố các pháo đài chống dịch ở cơ sở.
Thứ nhất, phương thức trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện “pháo đài” là cấp ủy lãnh đạo, định hướng (thông qua việc ban hành nghị quyết, chỉ đạo của cấp ủy); chính quyền cụ thể hóa và tổ chức thực hiện (xây dựng kế hoạch, phương án triển khai thực hiện); Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội (xây dựng kế hoạch thực hiện và tuyên tuyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân) hưởng ứng, tham gia thực hiện, đồng thời, giám sát việc tổ chức thực hiện; người dân hưởng ứng, tham gia thực hiện tích cực.
“Pháo đài” là đơn vị điều phối lực lượng kiểm soát chặt chẽ người vào, ra địa phương mình; triển khai các giải pháp quản lý cách ly triệt để giữa người với người; gia đình với gia đình, xã (phường, thị trấn) với xã (phường, thị trấn); đồng thời, phải quản lý và kiểm soát tốt hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh an toàn, bảo vệ sức khỏe cho công nhân và người lao động.
Thứ hai, các “pháo đài” phải đặc biệt coi trọng và tổ chức hoạt động có hiệu quả của các Tổ COVID cộng đồng.
Thứ ba, thường xuyên theo dõi, thăm hỏi, động viên không để ai thiếu ăn, thiếu mặc trên tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau; kịp thời báo cáo các trường hợp khó khăn cần giúp đỡ; tiếp tục duy trì mô hình đi chợ thay từ chính người dân, Tổ nhân dân tự quản, Tổ COVID cộng đồng, để hỗ trợ người dân mua hàng hóa trong thời gian thực hiện quy định giãn cách.
Thứ tư, tổ chức hoạt động có hiệu quả hệ thống y tế, nhất là tuyến cơ sở, các trạm y tế xã, phường, thị trấn; bảo đảm điều kiện cho việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát, tiêm vắc xin tại địa phương đạt yêu cầu; nắm bắt kịp thời, linh hoạt giải quyết, hỗ trợ cho người dân.
Thứ năm, cấp ủy, chi ủy ấp, khu phố trực tiếp lãnh đạo (có thể xây dựng nghị quyết hoặc kế hoạch để lãnh đạo); đề cao vai trò của trưởng ấp, khu phố trong việc phối hợp và phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giám sát, kêu gọi, giải thích để người dân hiểu rõ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm thiết thực của mỗi người dân.
Thứ sáu, các cơ quan chức năng, các địa phương cung cấp những thông tin, hướng dẫn cần thiết, ứng dụng công nghệ và phương thức thông tin liên lạc thích hợp trong việc chăm sóc sức khỏe, quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ người dân đến từng hộ gia đình./.