Nhiều năm trở lại đây, cây trồng sầu riêng đã thể hiện được “sức mạnh” kinh tế tại tỉnh Đắk Lắk, đem lại thu nhập cao và ổn định cho người nông dân.
Tuy nhiên, hiện sản phẩm sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, dẫn đến sự bấp bênh trong sản xuất, tiềm ẩn nguy cơ giảm hiệu quả về kinh tế nếu không sớm có cách làm phù hợp để đón đầu thị trường.
Nỗi lo về đầu ra
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 6.000ha sầu riêng; trong đó, diện tích kinh doanh khoảng 3.500ha, tập trung tại các huyện Krông Pắk, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ… với các giống cho năng suất cao và chất lượng tốt như Dona, Ri 6… giá bán giao động hàng năm từ 50.000-70.000 đồng/kg, nông dân có thể thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha sầu riêng.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, những năm qua cây sầu riêng ở huyện Krông Pắk đã đem lại thu nhập cao cho người dân.
Hiện gia đình ông Anh có hơn 100 cây sầu riêng đang cho thu hoạch, bình quân mỗi năm sản lượng đạt 30 tấn. Năm nay, giá sầu riêng thấp hơn so với các năm trước từ 10.000-20.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, sở dĩ giá sầu riêng năm nay thấp hơn là do từ trước đến nay sầu riêng Đắk Lắk đa số nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch.
Tuy nhiên, năm nay Trung Quốc đóng cửa đường tiểu ngạch, dẫn đến biến động trên thị trường tiêu thụ. Các công ty và vựa sầu riêng đều gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài, nên giá sầu riêng tại nhà vườn thấp hơn so với các năm trước.
“Mặc dù với giá bán như năm nay người trồng sầu riêng vẫn thu lợi, tuy nhiên về lâu dài, sự bất ổn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ đang trở thành nỗi lo của người nông dân.
Trung Quốc vẫn là thị trường có sức tiêu thụ lớn, nếu xuất khẩu chính ngạch, sản phẩm sầu riêng phải đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
[Đắk Lắk là địa bàn chiến lược, phải trở thành thủ phủ của Tây Nguyên]
Đồng thời, phải được gắn mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, do đó người nông dân cần sớm thay đổi phương thức canh tác để thích nghi với yêu cầu của thị trường, hướng đến sự phát triển bền vững,” ông Ngọc Anh chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Anh cũng cho biết, niên vụ 2019, để đi “đi tắt đón đầu” xu thế của thị trường, gia đình anh đã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và gắn mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch.
Về phía người dân cũng kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành các thủ tục xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, giúp ổn định đầu ra và tăng giá trị kinh tế của mặt hàng nông sản sầu riêng.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn và Thương mại Truyền thông Kenit Chi nhánh Đắk Lắk, cây trồng sầu riêng tại Đắk Lắk đã đem lại nguồn lợi nhuận cao cho người nông dân, nhiều gia đình nhờ sầu riêng đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, vụ thu hoạch năm 2019 phía thị trường truyền thống của sầu riêng Đắk Lắk là Trung Quốc siết chặt hàng rào kỹ thuật, yêu cầu khắc khe về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc nông sản… dẫn đến bất ổn trên thị trường tiêu thụ, tiểm ẩn nhiều rủi ro cho cả doanh nghiệp thu mua và người trồng sầu riêng, đặc biệt khi thời gian tới diện tích sầu riêng được mở rộng và sản lượng tăng lên.
Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, để chuẩn bị các điều kiện cho xuất khẩu chính ngạch mặt hàng sầu riêng ra thị trường quốc tế, từ đầu năm 2019 phía công ty đã phối hợp với chính quyền huyện Krông Pắk triển khai chương trình gắn mã truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm sầu riêng.
Hiện nay, huyện Krông Pắk đã có 310 hộ dân tham gia truy xuất nguồn gốc cho gần 27.000 cây sầu riêng, tương đương hơn 387ha. Đồng thời, hướng dẫn người dân canh tác đảm bảo đạt các tiêu chuẩn quốc tế để chuẩn bị các điều kiện “cần” cho mặc hàng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch ra thị trường quốc tế.
Thay đổi phương thức canh tác
Có thể thấy, từ người trồng sầu riêng đến doanh nghiệp đã sẵn sàng thay đổi phương thức canh tác, đảm bảo được các điều kiện “cần” để sản phẩm sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch ra thị trường nước ngoài, đối với điều kiện “đủ” đang cần sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn và Thương mại Truyền thông Kenit Chi nhánh Đắk Lắk, để triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả cao, người trồng sầu riêng cần được tập huấn bài bản, khoa học về quy trình chăm sóc cây trồng đạt các tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện nghiêm túc việc gắn mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, điều này cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp.
“Có thể nói, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến thị trường nước ngoài là xu thế tất yếu trong tương lai. Nếu chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp kề vai sát cánh cùng nông dân, quyết tâm đưa mặt hàng sầu riêng xuất khẩu theo con đường chính ngạch, không chỉ tăng giá trị kinh tế của mặt hàng nông sản sầu riêng mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của sầu riêng Đắk Lắk nói riêng và của Việt Nam nói chung,” ông Tuấn chia sẻ.
Anh Lê Văn Trung, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện gia đình anh có 120 cây sầu riêng giống Dona đã gắn mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Để hiện thực hóa giấc mơ xuất khẩu sầu riêng theo con đường chính ngạch, bản thân anh và người trồng sầu riêng đều sẵn sàng tham gia các lớp tập huấn và thay đổi phương thức canh tác đảm bảo đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAp.
Theo anh Trung, sầu riêng trồng tại Đắk Lắk, đặc biệt tại huyện Krông Pắk có mùi vị thơm ngon, chất lượng tốt không kém mặc hàng sầu riêng của các nước Đông Nam Á, nếu sầu riêng Đắk Lắk bước vào thị trường quốc tế bằng con đường chính ngạch, giá trị kinh tế sẽ tăng cao hàng trăm triệu đồng/ha, đồng thời giải quyết được bài toán đầu ra sản phẩm khi sản lượng sầu riêng tăng cao trong những năm tới do diện tích sầu riêng đang được mở rộng.
Ông Lê Văn Thành, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc thị trường Trung Quốc đóng cửa nhập khẩu sầu riêng qua đường tiểu ngạch đã được dự báo trước, đến niên vụ 2019 Trung Quốc đã đóng của nhập khẩu bằng đường tiểu ngạch, dẫn đến khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ sầu riêng.
Trước mắt, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã tăng cường các hoạt động hội chợ, hội thảo giới thiệu, quảng bá mặt hàng sầu riêng Đắk Lắk, để đẩy mạnh sức mua của thị trường trong nước, giảm áp lực trong khâu tiêu thụ sản phẩm ra nước ngoài.
Theo ông Lê Văn Thành, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động cho bà con nông dân và doanh nghiệp trồng sầu riêng thực hiện canh tác đúng quy trình, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhằm chuẩn bị các điều kiện cơ bản cho việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng ra thị trường nước ngoài.
Ngành nông nghiệp Đắk Lắk cũng kiến nghị các bộ, ngành liên quan nhanh chóng đàm phán, hoàn thành các thủ tục xuất khẩu sản phẩm sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước khác để niên vụ tới sản phẩm sầu riêng Đắk Lắk sẽ được xuất khẩu chính ngạch, giúp ổn định thị trường tiêu thụ và tăng giá trị kinh tế của sầu riêng.
Thiết nghĩa, chính quyền các cấp, ngành nông nghiệp và các bộ, ngành liên quan cần thúc đẩy thủ tục xuất khẩu sầu riêng ra thị trường quốc tế bằng con đường chính ngạch.
Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ nông dân thay đổi phương thức canh tác, đáp ứng xu thế tất yếu của thị trường, hướng đến tăng giá trị kinh tế và phát triển bền vững của cây trồng sầu riêng./.