Hướng tới mục tiêu không còn thương vong do tai nạn bom mìn vào 2025

Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, đặc biệt là những bước tiến đáng kể tiến tới mục tiêu tham vọng không còn thương vong do bom mìn, vật nổ vào năm 2025.
Các chiến sỹ Binh Đoàn 16 xử lý quả bom. (Ảnh: TTXVN phát)

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cam kết hỗ trợ Chính phủ hiện thực mục tiêu giải quyết vấn đề ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ trên cả nước.

Trên đây là lời khẳng định của của ông Han-Deog Cho, Giám đốc Quốc gia KOICA tại Việt Nam, và bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam trong bài viết nhân Ngày Quốc tế nhận thức bom mìn (4/4), với chủ đề "Đất an toàn, bước chân an toàn, nơi cư trú an toàn."

[Để đất nước không còn ảnh hưởng nặng nề của bom mìn sau chiến tranh]

VietnamPlus trân trọng giới thiệu nội dung bài viết của Giám đốc Quốc gia KOICA tại Việt Nam và Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam:

Trên những con phố nhộn nhịp của các thành phố hiện đại ở Việt Nam, dường như chiến tranh đã lùi xa đến mức hầu như không còn lại một dấu vết nào, ngay cả một ký ức.

Hiện nay, khi các biện pháp hạn chế COVID-19 đã được nới lỏng, những quán càphê lại vang lên tiếng cười nói, những con phố ồn ào với rất nhiều ôtô và xe máy hào nhoáng. 50 năm trước, đó là một đất nước hoàn toàn khác.

Nhưng nếu chúng ta di chuyển vài trăm km, đến một vài tỉnh miền Trung, dường như thời gian đã không trôi qua nhanh như thế.

Chiến tranh đã kết thúc từ lâu nhưng vẫn tiếp tục gây ra nhiều thiệt hại và những vết sẹo vẫn còn hiện hữu trên những đường làng nhỏ hẹp ở đây. Bom mìn và vật liệu chưa nổ vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến cuộc sống và sinh kế tại nhiều cộng đồng, một thực tế đau buồn đối với người dân sinh sống ở các vùng nông thôn Việt Nam.

Không những thế, sự tồn tại của bom mìn và vật liệu chưa nổ còn làm kìm hãm đáng kể cơ hội phát triển của nhiều khu vực nông thôn tại nhiều tỉnh Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam ước tính vẫn còn gần 18% diện tích đất đai trên cả nước bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Tai nạn bom mìn vẫn là một thực tế hiện hữu ở các vùng nông thôn cho dù các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn đã được tiến hành hàng thập kỷ nay.

Quả bom còn sót lại sau chiến tranh. (Ảnh: TTXVN phát)

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng cam kết hiện thực các Mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau, và gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu mục tiêu phấn đấu không còn tai nạn bom mìn và vật liệu nổ đến năm 2025. Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt thương vong do hậu quả của chiến tranh và đất đai ô nhiễm bởi bom mìn, vật nổ sẽ được rà phá sạch để sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tham vọng của chúng tôi là sẽ tiếp tục tập trung xử lý những công việc còn lại và "dồn sức để loại bỏ tác động của bom mìn và vật liệu chưa nổ, chấm dứt hoàn toàn thương vong cho người dân, vào năm 2030."

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ trên cả nước, kế hoạch hành động quốc gia - Chương trình 504, đã được thực hiện từ năm 2010.

Tại sự kiện sơ kết chương trình ngày 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương những kết quả Chương trình 504 đạt được và nêu rõ kế hoạch sáu điểm cho giai đoạn cuối của chương trình từ năm 2021-2025.

KOICA và UNDP cam kết hỗ trợ Chính phủ hiện thực mục tiêu này. Mối quan hệ đối tác ba bên đặc biệt đã đưa đến những kết quả đáng kể cho giai đoạn 1 của dự án "Việt Nam-Hàn Quốc khắc phục hậu quả sau chiến tranh" (KVMAP). Đó là khảo sát và rà phá được 17.000ha đất, tạo điều kiện cho người dân xây dựng sinh kế bền vững ở các tỉnh Quảng Bình và Bình Định; hỗ trợ nâng cao nhận thức cho 450.000 người thông qua các chương trình giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ; và hỗ trợ phục hồi và sinh kế cho 1.000 nạn nhân bị tai nạn bom mìn, vật nổ.

Mối quan hệ đối tác đặc biệt này đem lại ba bài học kinh nghiệm có thể giúp Việt Nam tiếp tục triển khai Chương trình 504.

Thứ nhất, quản lý thông tin là chìa khóa thành công giúp cho công tác khảo sát và rà phá đạt hiệu quả tốt hơn.

Thứ hai, số hóa việc đăng ký thông tin là yếu tố tiên quyết nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của nạn nhân tai nạn bom mìn, vật nổ.

Thứ ba là tuy được sinh ra sau chiến tranh, nhưng chính thanh, thiếu niên là những người đã có nhiều ý tưởng sáng tạo trong nỗ lực truyền tải các thông điệp về nguy cơ bom mìn, vật nổ, để bảo vệ bản thân họ, gia đình họ, và các bạn cùng trang lứa.

Chương trình khắc phục hậu quả bom mìn của Việt Nam đang trong quá trình phát triển chính sách quan trọng, sau khi Nghị định số 18/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh và Thông tư số 195/2019/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 18/2019/NĐ-CP được thông qua.

Trên thực tế, việc thông qua các văn kiện này đã xác định rõ ràng nhiệm vụ, vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong hành động bom mìn và thiết lập nền tảng pháp lý cho việc sửa đổi các quy định và tiêu chuẩn quốc gia liên quan.

Phát huy thành công của dự án giai đoạn 1, KOICA thông qua UNDP sẽ hỗ trợ 3 tỉnh miền Trung: Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi và Bình Định, bảo vệ người dân khỏi những nguy cơ do bom mìn, vật nổ, khí hậu thất thường và dịch bệnh gây ra.

Vào tháng 3/2022, KOICA và UNDP đã ký kết thỏa thuận tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án, cung cấp nguồn vốn 25 triệu USD trong thời gian 5 năm đến năm 2026 để tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu không có thương vong do bom mìn, vật nổ và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở các cộng đồng nông thôn tại 3 tỉnh.

KOICA và UNDP mong muốn hợp tác hiệu quả với Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia (VNMAC) và ba tỉnh để đạt được các mục tiêu quan trọng và đầy tham vọng của dự án: Khảo sát và rà phá 15.000ha đất tại ba tỉnh; dựa trên dữ liệu của hệ thống đăng ký thông tin nạn nhân được xây dựng trong giai đoạn đầu, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên biệt hơn sẽ được cung cấp cho nạn nhân bom mìn trong giai đoạn hai; người dân tại các khu vực mục tiêu được hướng dẫn ứng phó một cách toàn diện hơn với các nguy cơ không chỉ do bom mìn, vật nổ, mà cả do biến đổi khí hậu và thiên tai gây ra.

Ngoài ra, 10.500 nông dân ở các vùng mục tiêu sẽ được hỗ trợ áp dụng nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu và sinh kế bền vững; 400 ngôi nhà và 50 trạm y tế xã an toàn chống bão lũ sẽ được xây dựng hoặc nâng cấp cho người dân trong giai đoạn 2.

Những kết quả này sẽ giúp đảm bảo người dân và cộng đồng tại 3 tỉnh được bảo vệ và có sức chống chịu tốt hơn khi phải đối mặt với những rủi ro về bom mìn, khí hậu thất thường và sức khỏe.

Hôm nay là ngày Quốc tế Nhận thức về bom mìn và hỗ trợ hành động bom mìn với chủ đề của năm 2022 là "Đất an toàn, bước chân an toàn, nơi cư trú an toàn."

Trong lễ khai mạc tuần lễ tăng cường nhận thức và hỗ trợ hành động bom mìn được tổ chức tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc sẽ có bài phát biểu, sau đó một video sẽ được trình chiếu tóm tắt những thành quả Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, đặc biệt là những bước tiến đáng kể tiến tới mục tiêu tham vọng không còn thương vong do bom mìn, vật nổ vào năm 2025.

Năm 2022 cũng đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc, thông qua tổ chức phát triển; đồng thời cũng là 45 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc.

Mối quan hệ đối tác ba bên giữa Chính phủ Việt Nam, KOICA và UNDP đang có những đóng góp đáng kể trong nỗ lực xây dựng các làng xã an toàn hơn, xanh hơn, thịnh vượng và thích ứng hơn trên đất nước này.

Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là dọn sạch bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, mà còn tiếp tục triển khai trên những mảnh đất được làm sạch các hoạt động hỗ trợ phát triển nông thôn - thúc đẩy cộng đồng hòa bình, bền vững, an toàn và nhiều cơ hội phát triển hơn nữa cho người dân./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục