Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Singapore sẵn sàng cho sân chơi lớn

Được coi là một hải cảng tự do, là trung tâm vận chuyển, trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới, đất nước Singapore xinh đẹp đã sẵn sàng đón đợi những cơ hội mới từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Singapore sẵn sàng cho sân chơi lớn ảnh 1Quang cảnh phía trước tòa nhà Iron trên đường Orchard. (Ảnh: Lê Hải/TTXVN)

Được coi là một hải cảng tự do, là trung tâm vận chuyển, trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới, đất nước Singapore xinh đẹp đã sẵn sàng đón đợi những cơ hội mới từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Theo nhận định của giới phân tích tại Singapore, việc AEC được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 31/12 chắc chắn sẽ tạo động lực lớn cho nền kinh tế "đảo quốc Sư tử."

Giám đốc điều hành HSBC Singapore Guy Harvey-Samuel cho rằng nếu AEC được triển khai tốt, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore sẽ tăng 9,5% vào năm 2030 so với việc nếu cộng đồng này không được thành lập.

Singapore hầu như không có tài nguyên. Phần lớn nguyên, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm đều phải nhập khẩu. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào thương mại và dịch vụ: du lịch, cảng biển (chiếm 40% thu nhập quốc dân).

Từ xa xưa, Singapore luôn đóng vai trò là trung tâm dành cho du khách và thương nhân đến từ phương Đông và phương Tây.

Trải qua 50 năm kể từ ngày độc lập, Singapore đã phát triển nhanh chóng nhờ sự ổn định chính trị, các kế hoạch dài hạn và quan điểm minh bạch, cởi mở với đầu tư.

Từ một thuộc địa nhỏ tại Đông Nam Á, quốc đảo này đã phát triển toàn diện với cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu châu Á và thế giới như cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến và lắp ráp máy móc tinh vi.

Singapore có 12 khu công nghiệp lớn, trong đó lớn nhất là Khu công nghiệp Jurong. Singapore cũng là nước hàng đầu về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và thiết bị bán dẫn, là trung tâm lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu châu Á.

Hiện Singapore là nước đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức và đang đặt mục tiêu đến năm 2018 sẽ trở thành đầu mối của mạng lưới mới trong nền kinh tế châu Á và toàn cầu.

Theo dự báo của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI), tăng trưởng GDP của "đảo quốc Sư tử" trong năm 2015 sẽ duy trì ở mức từ 2-4%.

Với một nền tảng vững mạnh như vậy, Singapore được đánh giá là một trong những thành viên ASEAN đã hoàn toàn sẵn sàng cho việc hội nhập AEC.

Đến nay, Singapore là nước có tỷ lệ cao nhất trong ASEAN về thực hiện các biện pháp ưu tiên có tác động lớn đến thương mại và đầu tư của khu vực, đạt 94,5%.

Là quốc gia tiên tiến nhất ASEAN về khoa học, công nghệ, giáo dục và hạ tầng, Singapore được dự đoán sẽ là đầu tàu của ASEAN trong cạnh tranh toàn cầu khi AEC ra đời.

Tuy nhiên, lợi ích của AEC đối với các doanh nghiệp Singapore nhiều khả năng sẽ chưa thể thấy rõ. Giải thích về vấn đề này, ông Glenn Maguire, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Nam Á, ASEAN và Thái Bình Dương của ANZ Research, cho rằng nguyên nhân là bởi các nhà lãnh đạo ASEAN đặt mục tiêu AEC sẽ chỉ hoạt động đầy đủ vào năm 2025.

Theo ông Maguire, lợi ích ngắn hạn của AEC là thúc đẩy các doanh nghiệp Singapore chuyển sản xuất hàng hóa giá trị thấp sang những nước có nhân công giá rẻ.

Việc thành lập AEC sẽ giúp nâng cao nhận thức về cơ hội mở rộng doanh nghiệp ra nước ngoài, cũng như mang lại tiêu chuẩn hóa về thủ tục hải quan, giúp hàng hóa luân chuyển dễ dàng hơn cũng như khuyến khích thúc đẩy quá trình sản xuất thuê ngoài (outsource) sang các nước khác.

Ngoài ra, với môi trường tăng trưởng thấp hiện tại, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm cách tăng tỉ suất lợi nhuận như phương tiện để bảo vệ kết quả kinh doanh sau thuế của mình, qua đó sẽ thúc đẩy họ tận dụng AEC.

Một số doanh nghiệp dệt may tại Singapore nhiều khả năng sẽ chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước khác trong khu vực như Việt Nam và Thái Lan do giá lao động rẻ hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử sẽ chuyển hoạt động sang Malaysia.

Ông Guy Harvey-Samuel cho rằng việc thành lập AEC cũng sẽ giúp tăng cường hoạt động lưu chuyển dịch vụ và đầu tư qua biên giới, qua đó mở rộng sản phẩm tài chính và dịch vụ trong khu vực, củng cố hơn nữa vị thế trung tâm tài chính của Singapore.

Theo ông Maguire, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giá trị cao như dược phẩm và máy tính ở Singapore sẽ ít chịu tác động từ AEC do chất lượng lực lượng lao động và việc bảo vệ tài sản trí tuệ của nước này tốt hơn.

Theo đánh giá chung, tốc độ doanh nghiệp Singapore chuyển hoạt động ra nước ngoài sẽ tăng nhẹ trong hai năm tiếp theo và tăng tốc vào năm 2018.

Với việc có thêm nhiều chính sách về tự do lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ, các doanh nghiệp Singapore sẽ có thêm động lực để mở rộng hoạt động ra nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục