Hướng đi nào cho 'chủ nghĩa tư bản mới' của chính quyền Nhật Bản?

Thủ tướng Kishida đưa ra ý tưởng về “chủ nghĩa tư bản mới” lần đầu tiên vào tháng 10/2021, lần thứ hai vào tháng 12/2021 và từng đề cập đến tương đối cụ thể trên báo chí, tạp chí chuyên ngành...
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Báo Yomiuri Shimbun đăng bài phân tích chi tiết của Giáo sư Haruo Shimada, nguyên Hiệu trưởng Đại học Thương mại Chiba - Giáo sư danh dự Đại học Keio cho rằng nền tảng của chính sách kinh tế Nhật Bản dưới thời chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio là “chủ nghĩa tư bản mới” do chính ông khởi xướng.

Tuy nhiên, hiện tại đang có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng khái niệm này còn quá trừu tượng và thiếu nhiều giải pháp cụ thể, vì thế khó có thể nhận được sự đồng thuận của người dân.

Rời bỏ “chủ nghĩa tự do mới”

Thủ tướng Kishida đưa ra ý tưởng về “chủ nghĩa tư bản mới” lần đầu tiên vào tháng 10/2021, lần thứ hai vào tháng 12/2021 và từng đề cập đến tương đối cụ thể trên báo chí, tạp chí chuyên ngành và gần nhất là trình bày tại lễ khai mạc phiên họp Quốc hội thường kỳ ngày 17/1. Qua những lần đó, “chủ nghĩa tư bản mới” dần được thể hiện rõ hơn trên nhiều góc độ, trong đó chỉ trích “chủ nghĩa tự do mới” là điểm nổi bật đầu tiên.

Chủ nghĩa tư bản đã từng là cơ sở quan trọng của các nền kinh tế tiên tiến như Anh trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp ở thế kỷ 19. Đặc trưng của chủ nghĩa tư bản giai đoạn đó là các ông chủ bóc lột tận cùng đối với công nhân để tối đa hóa lợi ích, khiến cho giai cấp công nhân gần như bị kiệt quệ.

Tuy nhiên, từ những năm 1970, sự ra đời của ý tưởng “chủ nghĩa tự do mới” do Milton Friedman khởi xướng đã nhấn mạnh “lợi ích của cạnh tranh thị trường” đã thúc đẩy chủ nghĩa tư bản mạnh mẽ hơn, sau đó khái niệm này phổ biến hơn ở các các nước phát triển trên thế giới, đồng thời trở thành xu thế chủ đạo của các tư tưởng kinh tế hiện đại.

Tuy nhiên, Thủ tướng Kishida đã chỉ ra rằng mặc dù cạnh tranh giúp cho phát triển kinh tế mạnh mẽ nhưng mặt trái của nó là làm gia tăng chênh lệch giàu-nghèo, gia tăng tình trạng nghèo đói, dẫn đến sự hủy hoại môi trường toàn cầu và các vấn đề biến đổi khí hậu. Hay nói cách khác, thất bại của thị trường là những bất ổn kinh tế bề ngoài và Thủ tướng Kishida đề xuất “chủ nghĩa tư bản mới” nhằm tái cấu trúc lại và sửa chữa những bất ổn đó.

Để đạt được mục tiêu đó, “chủ nghĩa tư bản mới” tập trung vào các chính sách phân phối nhằm giảm chênh lệch giàu-nghèo. Điều này dường như tương thích với chủ trương biến các điểm yếu cố hữu của Nhật Bản như chuyển đổi số, phát triển xanh, an ninh kinh tế… thành điểm mạnh của Nhật Bản.

Tham vọng dẫn dắt thế giới về tư tưởng kinh tế mới

Trong một bài phát biểu tại Diễn đàn Hội đồng kinh tế quốc tế YIES do báo Yomiuri Shimbun tổ chức ngày 22/12/2021, Thủ tướng Kishida cho rằng từ trước đến nay, các ý tưởng chính sách kinh tế của thế giới đều do Mỹ và các nước châu Âu dẫn đầu nhưng lần này, Nhật Bản muốn dẫn dắt thế giới bằng khái niệm “chủ nghĩa tư bản mới."

Tuyên bố này dường như phù hợp với những mô tả về sự tiến hóa của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn hiện đại cùng với những mâu thuẫn nội tại, phù hợp với những chỉ trích nhằm vào chính sách kinh tế của Mỹ và phương Tây, nơi tình trạng bất bình đẳng ngày càng nghiêm trọng trong những năm gần đây.

Tại Mỹ, do cơ hội tìm việc làm bị chảy máu ra nước ngoài, các khu công nghiệp cũ trở nên hoang vắng, dẫn đến tình trạng thất nghiệp, nghèo đói gia tăng và chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump còn khiến cho sự chia rẽ trong xã hội Mỹ trở nên trầm trọng hơn.

Trong khi đó, tại Anh, sau khi nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), chủ nghĩa bài ngoại với lo ngại gia tăng tình trạng thất nghiệp ngày càng lên cao khiến cho lao động của các nước EU không thể tiếp cận thị trường Anh.

Trong hội nghị thượng đỉnh Nhật-Mỹ diễn ra ngày 21/1 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã nói với Thủ tướng Kishida rằng “tôi nghĩ nó đơn thuần chỉ là một lời hứa ở thời điểm tranh cử," nhưng thực tế, đó không phải đơn giản là như vậy.

Chính sách tái phân phối đáng lo ngại

So với thực trạng các vấn đề nghiêm trọng của chủ nghĩa tư bản như chênh lệch giàu-nghèo, thất nghiệp hay chia rẽ xã hội thì tình hình của Nhật Bản vẫn còn sáng sủa hơn nhiều. Hệ số Gini, vốn thể hiện mức độ bất bình đẳng về phân phối thu nhập, tại Nhật Bản vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước theo chủ nghĩa tư bản và ở mức trung bình trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Mặc dù có xu hướng tăng nhẹ thời gian gần đây, nhưng mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập đã giảm sau khi tiến hành tái phân phối và vẫn còn dư địa cải thiện thông qua các chính sách liên quan. Như vậy, so với Mỹ và châu Âu, khó có thể nói ưu tiên hàng đầu ở Nhật Bản hiện nay là tái phân phối, tuy nhiên Chính quyền của ông Kishida lại cho rằng chính sách tái phân phối đang ở mức cấp bách thứ hai, chỉ đứng sau chính sách ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Trước hết, là việc vội vã hỗ trợ 100.000 yen (870 USD) tiền mặt cho người dưới 18 tuổi ở thời điểm cuối năm ngoái với đối tượng thuộc hộ gia đình có thu nhập dưới 9,6 triệu yen. Rõ ràng, một phần đáng kể những gia đình có thu nhập cao đã được bao gồm trong số đó nên đó không thể gọi là một chính sách công bằng và không rõ nên gọi là gói hỗ trợ hay kích cầu tiêu dùng.

Nếu nhìn ở góc độ của một chính sách kinh tế thì đó là một chính sách thiếu hiệu quả. Lý do của sự không công bằng nằm ở sự chậm trễ trong thúc đẩy chuyển đổi số và sự yếu kém của cơ quan quản lý khi đưa ra mức trần là 9,6 triệu yen làm tiêu chuẩn để trợ cấp trẻ em.

Ngoài ra, cách thức thực hiện cũng có vấn đề khi cấp bằng tiền mặt ở thời điểm hiện tại vì không như chính sách tương tự vào màu Xuân năm 2020 là thời điểm đó kinh tế Nhật Bản đang chịu tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19, trong khi hiện nay, kinh tế Nhật Bản đang trên đà phục hồi. Điều này làm giảm tính cấp bách của các hoạt động trợ cấp bằng tiền mặt.

Ngoài ra, về chính sách tăng lương, các doanh nghiệp quyết định tăng lương cho nhân viên sẽ được giảm 30% thuế đối với doanh nghiệp lớn và 40% thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Việc giảm thuế đối với các doanh nghiệp tăng lương cho người lao động là một trong những trọng tâm của các cuộc thảo luận về cải cách thuế năm nay và là một trong những cam kết chính sách của Thủ tướng Kishida trong cuộc bầu cử Hạ viện vào cuối tháng 10/2021 nhằm xây dựng “chủ nghĩa tư bản mới” ở Nhật Bản với trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tái phân bổ của cải trong xã hội.

Thực tế, chính sách này được thực hiện từ năm 2018 dưới thời Chính quyền của ông Shinzo Abe nhưng không mấy hiệu quả. Câu hỏi đặt ra là việc tăng lương có đồng nghĩa với việc tăng nhu cầu tiêu dùng và tăng năng suất lao động hay không. Vì nếu giảm thuế được xem là khoản trợ cấp lương thì lương càng tăng thì khoản giảm thuế càng giảm mạnh hơn, nó không thể là động lực cho cạnh tranh.

Đường phố thủ đô Tokyo (Nhật Bản). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nguyên nhân sâu xa của việc tiền lương và thu nhập của người dân Nhật Bản ở mức thấp chính là sức cạnh tranh của nền kinh tế Nhật Bản đang ở giai đoạn trì trệ. Khi năng lực cạnh tranh được cải thiện thì nền kinh tế tự nhiên sẽ phát triển, kéo theo đó là thu nhập và lương của người dân cũng tăng theo. Như vậy, động lực lớn nhất của tăng lương phải là tăng trưởng chứ không phải là giảm thuế.

Chính quyền của ông Kishida cũng đang xem xét giám sát giá thầu phụ và điều chỉnh nâng lương cho các nhân viên y tế, nhân viên giữ trẻ. Đây là điều quan trọng nhưng cho đến nay Chính quyền Thủ tướng Kishida vẫn chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể về chính sách phân phối liên quan đến vấn đề này.

Bức tranh tổng thể các gói chính sách về tăng trưởng sẽ sớm được đưa ra

Ban đầu Thủ tướng Kishida đề cập đến lý luận về phân phối, nhưng đứng trước các chỉ trích cho rằng không có lý luận tăng trưởng nào tạo ra nguồn lực cho phân phối, nên ông đã thay bằng “chu kỳ tăng trưởng và phân phối."

Sau đó, chiến lược tăng trưởng “kiểu Kishida” đã được giải thích chi tiết hơn trong bài phát biểu về chính sách trước Quốc hội ngày 17/1 vừa qua.

Cụ thể là tăng cường năng lực của các địa phương thông qua thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển cơ sở hạ tầng và các tiêu chuẩn kèm theo như quy chuẩn thông tin tốc độ cao và băng thông rộng mạng viễn thông 5G, các trung tâm dữ liệu lớn; tích hợp thẻ My number với giấy phép lái xe; tăng cường chuỗi cung ứng; kết hợp công-tư trong hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến, xây dựng quỹ đại học trị giá 10.000 tỷ yen và xây dựng kế hoạch 5 năm hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp hướng tới thời kỳ khởi nghiệp mạnh mẽ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai; tái đào tạo, nâng cao khả năng sử dụng lao động, yêu cầu doanh nghiệp công khai thông tin phi tài chính liên quan đến yếu tố con người; thúc đẩy quản lý tư nhân đối với các cơ sở công cộng…

Giới chuyên gia cho rằng một bản thiết kế chi tiết về “chủ nghĩa tư bản mới” sẽ được hình thành trong mùa Xuân năm 2022, bởi vì chiến lược không thể nói chung chung về ưu tiên, trọng điểm hay tập trung mà cần những gói giải pháp cụ thể nhất có thể.

Học hỏi chiến lược tăng trưởng từ những tiền bối

Thủ tướng Kishida xuất thân và trưởng thành từ phái Kochikai, vốn được cố Thủ tướng Hayato Ikeda thành lập và hiện đang là người lãnh đạo phái này. Chính sách của Thủ tướng Kishida cho thấy sự tôn trọng và kế thừa những bậc tiền bối như Hayato Ikeda và Masayoshi Ohira với chiến lược tăng trưởng “kiểu Kishida."

Có thể kể đến các khái niệm “tăng gấp đôi thu nhập thời kỳ Reiwa," "kế hoạch quốc gia về số hóa thành thị và nông thôn”… gắn liền với tên tuổi của họ.

Cụ thể, cựu Thủ tướng Ikeda đã đề xuất chiến lược “tăng gấp đôi thu nhập” trong bối cảnh đất nước Nhật Bản chìm trong khó khăn thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai và để đáp ứng nhu cầu đặc biệt của Chiến tranh Triều Tiên. Khi đó, ông đã vạch ra chiến lược trở thành quốc gia định hướng xuất khẩu bằng cách chuyển hướng phát triển công nghiệp sang sản xuất than, thép, đóng tàu và thiết bị máy móc.

Được hỗ trợ tư vấn bởi chuyên gia cố vấn, nhà lý luận kinh tế Osamu Shimomura, cựu Thủ tướng Ikeda đã đón đầu được sự mở rộng của kinh tế thế giới được cho là kỷ nguyên thương mại vào thời điểm đó và thành công trong việc xây dựng một quốc gia hướng định hướng xuất khẩu, đạt được mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập và khởi đầu cho thời đại tăng trưởng cao của nền kinh tế Nhật Bản.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Masayoshi Ohira nắm quyền điều hành đất nước khi Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới sau giai đoạn tăng trưởng cao và bị quốc tế chỉ trích chính chiến lược kinh tế định hướng xuất khẩu.

Ở thời điểm đó, mức độ tập trung quá mức tại các đô thị như Tokyo đã làm biến dạng ngành công nghiệp và đời sống người dân. Khi đó, cựu Thủ tướng Ohira đã đề xuất “khái niệm kết hợp thành thị và nông thôn” nhằm tạo tăng trưởng cân bằng hơn.

Điểm chung của các chính sách đó là các nhà lãnh đạo Nhật Bản phải đối mặt với những vấn đề phức tạp của Nhật Bản ở thời điểm nhất định và quyết tâm giải quyết nhờ sự hỗ trợ lý luận vững chắc và phân bổ nguồn lực hợp lý.

Trong khi đó, vấn đề cấp bách mà Nhật Bản đối diện hiện nay là ngăn chặn suy thoái và vực dậy một nền kinh tế vốn ở trạng thái trì trệ kéo dài gần 40 năm kể từ năm 1980. Nếu nền kinh tế Nhật Bản trở nên cạnh tranh hơn và phát triển hơn thì vấn đề phân phối mà Thủ tướng Kishida theo đuổi cũng sẽ được giải quyết thông qua cải thiện lương và thu nhập của người dân.

Vào giữa những năm 1980, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhóm G2 (gồm Mỹ và Nhật Bản) chiếm 40% thế giới với Mỹ chiếm 25% và Nhật Bản chiếm 15% và đỉnh cao là tỷ lệ 19% vào năm 1989, nhưng ở thời điểm hiện tại chỉ còn 6%. GDP bình quân đầu người từ chỗ cạnh tranh vị trí dẫn đầu với Mỹ, nay chỉ còn xếp thứ 19 thế giới. Gần đây, Hàn Quốc đã vươn lên mạnh mẽ và dự kiến sẽ vượt qua Nhật Bản ở chỉ số GDP tính theo sức mua tương đương vào năm 2027.

Vào năm 1980, ngành sản xuất ô tô Nhật Bản đứng đầu thế giới và ngành sản xuất chất bán dẫn cũng chiếm 50% thị phần thế giới, thậm chí xét về quy mô tài sản thì Nhật Bản cũng có tới 11 ngân hàng trong nhóm đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, hiện nay không còn xuất hiện bóng dáng của Nhật Bản ngoại trừ tập đoàn Toyota Motor.

Nhìn vào thực tế để định hướng chiến lược lâu dài

Trên cương vị là một nhà lãnh đạo đất nước, đương nhiên trách nhiệm đầu tiên là khôi phục sự thịnh vượng của kinh tế Nhật Bản từng đạt được trong quá khứ từ chính tình trạng trì trệ này. Để đảo ngược đà suy thoái thì điều cần thiết phải hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến điều đó.

Nguyên nhân đầu tiên là do Hiệp định Plaza ký năm 1985 và Hiệp định về chất bán dẫn Nhật-Mỹ ký năm 1986 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Nhật Bản. Hiệp định Plaza được ký giữa các quốc gia thuộc nhóm G5 thời điểm đó là Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản để thao túng tỷ giá hối đoái bằng cách kiến cho đồng USD giảm tương đối so với đồng yen Nhật và đồng mark Đức.

Ngoài ra, việc chi tiêu ngân sách tài khóa quy mô lớn và cắt giảm lãi suất để cố gắng duy trì sự tăng giá của đồng yen theo Hiệp định Plaza đã tạo nên bong bóng lớn chưa từng có đối với nền kinh tế và làm trầm trọng hơn mức độ thiệt hại.

[Nhật Bản: Tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Kishida đạt 55,9%]

Lập trường “phòng thủ” đã ăn sâu bám rễ trong giới doanh nghiệp Nhật Bản sau khi bong bóng vỡ. Trong khi đó, sự can thiệp chính trị mạnh mẽ vào thị trường theo Hiệp định về chất bán dẫn đã làm suy yếu tiếng nói chính trị của Nhật Bản cũng như tiếng nói của doanh nghiệp nước này. Kể từ đó chính sách công nghiệp vốn được Nhật Bản áp dụng rất thành công đã trở nên vô tác dụng.

Nguyên nhân thứ hai là sự tích lũy thâm hụt ngân sách nghiêm trọng do tốc độ tăng trưởng thấp và già hóa dân số từ những năm 1990. Nếu như năm 1990, tỷ lệ nợ tích lũy của Nhật Bản là 60% thì những năm gần đây đã vượt quá 250%.

Có ý kiến cho rằng Nhật Bản đã tăng chi an sinh xã hội cho đối tượng người già làm tăng thâm hụt ngân sách nhưng yếu tố cơ bản hơn là dân số giảm do tỷ lệ sinh giảm, dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động cần thiết cho tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Mỹ, quốc gia đã quét sạch ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản vào giữa những năm 1980, đã dồn toàn lực để lật đổ Nhật Bản, thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa chính phủ-quân đội-tư nhân, phục hồi ảnh hưởng của Thung lũng Silicon. Hệ sinh thái từ Đại học Stanford cùng cuộc cách mạng thuật toán đã thay đổi lịch sử nền khoa học, mang lại sự thống trị của Mỹ trong ngành công nghệ thông tin với các “ông lớn” gồm Google, Amazon, Facebook, Apple, Microsoft.

Một nước lớn khác là Trung Quốc, quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng cao đang kể nhờ chiến lược cải cách mở cửa của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Tiếp sau đó, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nâng cấp các doanh nghiệp công nghệ thông tin bằng các chiến lược thông tin hóa quốc gia, thúc đẩy chuyển dịch tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, hướng tới xây dựng năng lực cạnh tranh có thể vượt Mỹ với tư cách là quốc gia có thế mạnh về công nghệ thông tin.

Nhìn lại lịch sử Nhật Bản, nước này đã hiện thực hóa được kỷ nguyên tăng trưởng cao nhờ các doanh nghiệp như Matsushita (hiện là Panasonic), Toyota, Honda, Sony, từ đó vươn lên từ chính đống đổ nát với các chiến lược công nghiệp và tài chính mạnh mẽ. Đó là nhờ sự lãnh đạo tài tình của cựu Thủ tướng Hayato Ikeda và những lãnh đạo khác.

Mặc dù đối diện với những thách thức đến từ chiến lược lật đổ Mỹ, vốn bị điều chỉnh bởi Chiến tranh Lạnh và nhu cầu của cuộc chiến tranh Triều Tiên, nhưng Chính phủ Nhật Bản khi đó vẫn đóng vai trò trung tâm trong việc tập trung sức mạnh của nhân dân và hiện thực hóa một bước phát triển mới với tư cách là một chiến lược quy mô quốc gia.

Sứ mệnh lịch sự hiện nay được giao lại cho Thủ tướng Kishida, nhà lãnh đạo đang đứng trước thách thức chặn đứng đà suy giảm kinh tế của 40 năm qua và đảo ngược xu hướng đó với một hướng phát triển mới mạnh mẽ hơn.

Thực tế, yếu tố lớn nhất để các doanh nghiệp tăng lương cho người lao động chính là làm tăng nhu cầu và tăng năng suất. Như ở châu Âu, cải thiện năng suất được đặt cược vào tiến độ chuyển đổi số của chính phủ, trong khi tăng nhu cầu được đặt cược vào chiến lược khử carbon.

Tuy nhiên, ở góc độ Nhật Bản, yếu tố then chốt là làm thế nào để xây dựng một nền kinh tế với sự suy giảm dân số nhanh chóng. Để cải thiện tỷ lệ sinh, Nhật Bản có thể tham khảo các giải pháp lâu dài của các nước đi trước như Pháp, Thụy Điển, Đức. Tuy nhiên, giải pháp trước mắt phải là điều chỉnh sử dụng lao động trong các ngành vận tải, phân phối, xây dựng, nông nghiệp, xử lý chất thải…, vốn sử dụng nhiều lao động sang “các ngành tiết kiệm nhân công." Đó là việc áp dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, máy bay không người lái. Nếu làm được điều đó, chắc chắn năng suất của nền kinh tế Nhật Bản sẽ được cải thiện đáng kể và khả năng cạnh tranh cũng tăng lên.

Đối mặt với thực trạng để hướng tới tương lai

Nhật Bản đã từng đuổi kịp Mỹ và các nước châu Âu vào thời kỳ Minh Trị. Tuy nhiên, Nhật Bản phải nhìn nhận một cách thực tế là vai trò lịch sử này đã kết thúc vào những năm 1980 và thời đại hiện nay là thời đại của sáng tạo. Giáo dục là một trong những động lực quan trọng để Nhật Bản đảo ngược được xu hướng suy thoái của kinh tế. Đã đến lúc phải thay đổi nền giáo dục, thành lập ngành công nghiệp với chiến lược quốc gia, kết hợp chặt chẽ công-tư để tăng sức cạnh tranh của kinh tế.

Chuyển đổi số và chống biến đổi khí hậu cũng phải được chú trọng vì đó là chiến lược mà cả thế giới đang theo đuổi. Bên cạnh đó, ngành y tế, thực phẩm cũng sẽ phải được quy hoạch trở thành ngành công nghiệp quốc gia quan trọng trong tương lai. Trong mọi trường hợp, các ngành chiến lược quốc gia cần được lựa chọn sau khi khu vực nhà nước và tư nhân cùng hợp tác đầu tư nghiên cứu và phát triển.

Điểm cốt lõi của “chủ nghĩa tư bản mới” là việc Thủ tướng Kishida đối mặt như thế nào với xu hướng suy thoái kinh tế Nhật Bản kéo dài suốt 40 năm qua và làm thế nào để vạch ra một hướng đi triển vọng trong tương lai. Nếu như công bố các chiến lược quốc gia kèm theo các gói giải pháp hợp lý, chắc chắc Thủ tướng Kishida sẽ tập hợp được sự ủng hộ của người dân, qua đó trở thành một chính quyền có thể nắm quyền lâu dài tại Nhật Bản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục