Hướng đi mới trong phát triển thủy sản của tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh sở hữu những lợi thế nổi trội để phát triển các hình thức nuôi lồng bè, giàn bè với nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, dải bờ biển dài, tỉnh Quảng Ninh sở hữu những lợi thế nổi trội để phát triển các hình thức nuôi lồng bè mà rất ít địa phương trong cả nước có được, đặc biệt là phát triển các hình thức nuôi lồng bè, giàn bè với nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao.

Trong định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Quảng Ninh xác định phấn đấu trở thành trung tâm nuôi trồng thủy sản của miền Bắc, tập trung phát triển nhanh các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi công nghệ cao, công nghệ mới.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất thủy sản toàn tỉnh ước đạt hơn 31 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng gấp hai lần so với năm 2020; tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 228.000 tấn; tổng giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 487 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất ba khu, vùng nuôi trồng thủy sản được công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Với mục tiêu đó, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách quan trọng thu hút nguồn lực phát triển nuôi biển; đặc biệt là phát triển các hình thức nuôi lồng bè, giàn bè với nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao.

Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ninh đang có 104 doanh nghiệp và hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, trên 10.300 cơ sở nuôi trồng thủy sản, trong đó có gần 2.850 cơ sở nuôi biển (chiếm 27% tổng số cơ sở nuôi toàn tỉnh); sản lượng nuôi biển hàng năm khoảng 45.000-50.000 tấn (chiếm 50-55% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản).

Nhằm khai thác và phát huy thế mạnh, tận dụng đối đa lợi thế cạnh tranh, Quảng Ninh đã hình thành những vùng nuôi biển tập trung với các đối tượng hải sản chủ lực như các loài cá biển như cá song, vược, giò, chim vây vàng; nhuyễn thể như hàu, ngao, tu hài...

Bên cạnh việc nuôi trồng, tỉnh cũng đã kết hợp mô hình tham quan trải nghiệm. Đến tham quan khu vực này, du khách được trao đổi kinh nghiệm thiết kế, vận hành mô hình, quản lý mô hình nuôi. Đồng thời, có được trải nghiệm câu cá trên bè và thưởng thức những sản phẩm do tự tay mình khai thác, chế biến.

Để đẩy mạnh phát triển, Quảng Ninh cũng đặt ra Quy chuẩn địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản. Chủ trương này nhằm khuyến khích ngư dân chuyển đổi từ vật liệu phao xốp truyền thống sang vật liệu HDPE thân thiện với môi trường. Phao nổi và lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu nhựa HDPE không những có độ nổi tốt như phao xốp mà còn có kết cấu bền vững, thích hợp với biến đổi khí hậu, tuổi thọ từ 30-50 năm. Đến thời điểm này, việc chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường đã cơ bản hoàn thành (đạt 99,5%) trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Quảng Ninh cũng đã và đang tích cực thực hiện quan trắc đánh giá môi trường nuôi, hỗ trợ các địa phương, người nuôi trồng thủy, hải sản về mức độ ô nhiễm môi trường nuôi, để có quy trình xử lý phù hợp, an toàn dịch bệnh, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm thủy, hải sản. Đặc biệt, hướng đến quản lý chặt chẽ theo quy hoạch, đẩy lùi tình trạng người dân tự phát trong nuôi trồng thủy hải sản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục