Các nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland (UQ) của Australia đã phát hiện rằng loài kiến bò Australia điều chỉnh lượng độc tiết ra dựa trên kích thước của những kẻ săn mồi.
Khám phá này có thể mở ra hướng đi mới trong việc điều trị những cơn đau kéo dài.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Australia ngày 3/3 cho thấy kiến bò Australia đã điều chỉnh lượng độc tiết ra khi bị loài thú lông nhím echidna tấn công.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sỹ Sam Robinson tại Viện Khoa học Sinh học Phân tử thuộc UQ, cho biết ông và các đồng nghiệp đã chiết xuất độc tố của kiến bò Australia và sau đó so sánh cấu trúc của độc tố với cơ sở dữ liệu phân tử động vật.
Kết quả cho thấy trong nọc độc của kiến có hàng triệu phân tử, trong đó có phân tử giống với Yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGF) - một loại protein tìm thấy trong mô và hormone của các loài động vật có vú như echidna.
Đây là bằng chứng cho thấy loài kiến bò Australia đã tạo ra một cơ chế bảo vệ để chống lại những kẻ săn mồi trong hàng triệu năm qua.
[Nghiên cứu phát hiện phương thuốc mới giúp điều trị bệnh béo phì]
Theo các nhà nghiên cứu, thụ thể mà chất độc của loài kiến bò Australia nhắm đến là rất quan trọng đối với việc điều trị các cơn đau.
Khám phá này có thể mở ra hướng đi mới trong việc phát triển phương pháp giảm đau có mục tiêu thay vì các loại thuốc giảm đau thông thường như morphine vốn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nếu lạm dụng trong thời gian dài.
Tiến sỹ Robinson cho biết các loại thuốc ức chế EGF đã được áp dụng trong liệu pháp điều trị bệnh ung thư.
Cũng theo ông, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục xem xét các chất độc khác trong tự nhiên để tìm ra các phương pháp giảm đau tiềm năng./.