Hướng đi mới cho thương mại hóa công nghệ ở VN

Các chuyên gia KH-CN cùng đóng góp ý kiến cho Dự thảo Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình mẫu Thung lũng Silicon.”
Ngày 21/12, tại Hà Nội, Văn phòng phối hợp Phát triển Môi trường Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan tổ chức Hội thảo khoa học “Một hướng đi mới cho chương trình Thương mại hóa công nghệ tại Việt Nam.”

Tham dự có đại diện các Bộ, ngành, Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn của các tổ chức cùng một số doanh nghiệp trong cả nước.

Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia quản lý, các nhà khoa học cho Dự thảo Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình mẫu Thung lũng Silicon,” do Văn phòng Phối hợp Môi trường Khoa học và Công nghệ kết hợp Viện nghiên cứu công nghệ và phát triển (SENA) thực hiện từ tháng 7/2012.

Tiến sỹ Nguyễn Sơn Lộ, Chủ nhiệm đề tài cho biết Hội thảo khoa học này là cơ sở đánh giá tính khả thi và giới thiệu chương trình thương mại hóa công nghệ với quy mô quốc gia, quốc tế, đồng thời mở ra hướng đi mới, phù hợp với điều kiện phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế cho việc thương mại hóa công nghệ tại Việt Nam.

Trong mô hình nghiên cứu của Thung lũng Silicon, các nhà khoa học không chỉ được tư vấn về đề tài chuyên môn, mà còn được đào tạo về những kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh theo tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể, các nhà khoa học không còn đơn thuần là những người nghiên cứu mà sẽ trở thành những doanh nhân, kinh doanh trên chính sản phẩm nghiên cứu của mình, có thể tự quản lý công trình nghiên cứu của mình hoặc phát triển chúng một cách độc lập.

Tại Thung lũng Silicon của Việt Nam, các nhà khoa học có thể có những nguồn tài trợ khác nhau đến từ nhiều đối tượng khác nhau cùng một lúc. Hơn thế nữa, những tài trợ này được cung cấp cho các nhà khoa học ngay từ khi họ có những ý tưởng, những đề xuất nghiên cứu sơ bộ cho công nghệ cho đến khi họ hoàn thành nghiên cứu và lập được những kế hoạch kinh doanh cụ thể mang tính chiến lược.

Nói cách khác, các nhà khoa học được toàn xã hội “nuôi dưỡng” đến khi họ có thể tự phát triển được các công trình khoa học khả thi, khi đó các công trình này sẽ là “nguồn sống” của các nhà khoa học, họ cũng có thể sẽ trở thành các doanh nhân khoa học.

Giải pháp xã hội hóa việc thương mại hóa công nghệ là một hướng đi mới cho sự phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam. Đây là việc huy động đầu tư của toàn xã hội, tác động vào nhận thức và tầm quan trọng của khoa học-công nghệ ở Việt Nam, thiết lập văn hóa doanh nghiệp cho các doanh nghiệp hhoa học-công nghệ khởi nghiệp./.

Thu Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục