Hướng đến mục tiêu tăng trưởng 6,7%: Còn không ít thách thức

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, cho rằng vẫn còn không ít thách thức để nền kinh tế cả nước đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm như đã đề ra.
Hướng đến mục tiêu tăng trưởng 6,7%: Còn không ít thách thức ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Duy trì được đà tăng trưởng của quý 2, các chỉ số kinh tế trong tháng 7/2018 tăng "khá tích cực."

Đặc biệt, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, khu vực dịch vụ có mức tăng ấn tượng; khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có xu hướng tăng lên và xuất khẩu vẫn tiếp tục là động lực phát triển nền kinh tế…

Tuy nhiên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, cho rằng vẫn còn không ít thách thức để nền kinh tế cả nước đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm như đã đề ra.

Công nghiệp tiếp tục tạo đà cho tăng trưởng

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế-xã hội tháng 7/2018 tiếp tục chuyển biến tích cực, tăng trưởng đồng đều cả 3 khu vực, kinh tế vĩ mô ổn định; sản xuất công nghiệp, khu vực dịch vụ có xu hướng tăng cao.

Nhiều lĩnh vực tiếp tục lập những kỷ lục mới như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế, kim ngạch xuất khẩu...

Cụ thể, Tổng cục Thống kê chỉ ra chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước trong tháng 7 tăng 14,3%, là mức tăng trưởng cao nhất từ tháng 2 đến nay.

Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,9%, là mức tăng 7 tháng cao nhất kể từ năm 2012. Nổi bật, có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao 16,6%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 2 đến nay, giúp cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7 tháng tiếp tục tăng trưởng cao 13,1%.

Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao là ngành sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế. Trong 6 tháng đầu năm, ngành sản xuất này tăng 34,2% so với cùng kỳ nhưng 7 tháng của năm, tăng tới 64,1% do trong tháng 7 tăng tới 606%.

Nguyên nhân là Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) có quy mô lớn bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 6 năm nay và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi) cùng kỳ năm trước không sản xuất để bảo dưỡng định kỳ máy móc, thiết bị đã hoạt động. Cùng với đó, ngành sản xuất kim loại tăng 19,2%; ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, tăng 12,2%...

[Chỉ số sản xuất công nghiệp Hà Tĩnh dẫn đầu cả nước nhờ Formosa]

Ngành sản xuất và phân phối điện tháng 7 cũng tăng khá 12,2% nên tính chung 7 tháng tăng 10,7%. Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, tháng 7 tăng 7,6% nên tính chung 7 tháng tăng 6,6%. Riêng ngành khai khoáng, 7 tháng của năm nay giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai thác dầu thô liên tục giảm làm cho 7 tháng năm nay giảm 11,3%.

Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá. Vụ lúa Đông Xuân đã kết thúc; vụ lúa Mùa, các địa phương phía Bắc đang khẩn trương hoàn thành gieo cấy, còn các trà lúa Hè Thu đang phát triển tốt. Chăn nuôi, nhìn chung ổn định; trong đó gia cầm phát triển tốt. Nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản cũng tiếp tục xu hướng tăng tốt.

Bên cạnh đó, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 19,5 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước nhưng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng ước đạt 133,7 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 có xu hướng tăng lên, đạt mức tăng trưởng cao 13,3%, là tháng có mức tăng so với cùng kỳ năm trước cao nhất kể từ năm 2014 đến nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng của nền kinh tế, kinh tế tháng Bảy lại bộc lộ nhiều điểm khó. Đó là vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm 7 tháng đạt 18,15 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng khá, 7 tháng đạt 9,85 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Không những thế, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 7 giảm 7,8% so với tháng trước với 11.262 doanh nghiệp và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng có 75.793 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn tốc độ tăng 5,3% của 6 tháng năm nay).

CPI tháng 7 giảm 0,09% so với tháng trước, sau 3 tháng tăng liên tiếp (tháng 4 tăng 0,08%; tháng 5 tăng 0,55%; tháng 6 tăng 0,61%). Nguyên nhân giảm chủ yếu do giá gạo trong nước và xuất khẩu giảm; giá xăng dầu điều chỉnh 2 đợt và giá dịch vụ y tế điều chỉnh giảm theo Thông tư 15 của Bộ Y tế.

CPI bình quân 7 tháng năm 2018 tăng 3,45%, thấp hơn mức tăng 3,91% của cùng kỳ năm trước. CPI bình quân vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao hơn mục tiêu dưới 4% của Quốc hội.

Cần những giải pháp tích cực

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định kinh tế Việt Nam còn nhiều tồn tại, thách thức phải đối mặt trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% sẽ đạt được trong năm 2018 và tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn cần nhiều giải pháp thúc đẩy.

Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm lưu ý rằng không nên chủ quan với mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Tổng cục Thống kê yêu cầu từ nay đến cuối năm, các cấp, ngành, địa phương cần quyết liệt thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước để có ứng phó kịp thời.

"Cần bám sát kịch bản tăng trưởng của từng ngành, địa phương đã xây dựng để có giải pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh...," Tổng Cục trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm, môi trường kinh tế toàn cầu còn nhiều yếu tố khó lường; trong đó, nổi lên là chủ nghĩa bảo hộ và cọ sát thương mại gia tăng mạnh làm tăng rủi ro chiến tranh thương mại toàn cầu. Xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ làm tỷ giá VND/USD diễn biến rất phức tạp và gây nhiều khó khăn cho hoạt động điều hành tỷ giá và xuất nhập khẩu những tháng cuối năm.

Hướng đến mục tiêu tăng trưởng 6,7%: Còn không ít thách thức ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trước yếu tố này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều chỉnh tỷ giá có thể giúp tăng xuất khẩu nếu vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhìn nhận trong bối cảnh hiện nay, ưu tiên điều hành tỷ giá là cần hướng tới linh hoạt, thay vì một mục tiêu cứng nhắc.

Theo Ngân hàng Nhà nước, để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bán ngoại tệ, tăng nguồn cung để các tổ chức tín dụng đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh tỷ giá bán linh hoạt, sẵn sàng can thiệp, cũng như để tỷ giá diễn biến linh hoạt, phù hợp với tình hình cung-cầu trong nước và diễn biến thị trường quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, việc điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD cũng làm tăng nợ công, đồng thời có thể tác động mạnh tới lạm phát. Bởi lẽ khi đồng Việt Nam giảm giá thì hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào sẽ trở nên đắt đỏ khi tính ra VND sẽ làm tăng lạm phát; trong khi đó, nợ công Việt Nam chiếm gần 50% là bằng ngoại tệ.

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch năm 2018, đối với khu vực sản xuất, trong 5 tháng tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết Bộ tiếp tục bám sát thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là các ngành thép, ôtô, phân bón, hóa chất gắn liền với đổi mới cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Góp phần vào kiểm soát lạm phát, đảm bảo mục tiêu 4% như kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, Bộ tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá và việc chấp hành theo quy định của pháp luật về quản lý giá.

Tại cuộc họp Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia mới đây, các thành viên Hội đồng cho rằng kinh tế thế giới năm nay có dấu hiệu hồi phục tích cực, kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng khả quan nhưng phải phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời theo dõi sát các diễn biến tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và những vấn đề phát sinh trong việc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để có những bước đi phù hợp từ nay đến cuối năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục