Hướng đến mục tiêu không có người chết do tai nạn giao thông đường bộ

Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 hướng đến mục tiêu kéo giảm số vụ tai nạn và không có người chết do tai nạn đường bộ.
Hướng đến mục tiêu không có người chết do tai nạn giao thông đường bộ ảnh 1Hiện trường một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 2060/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu tổng quát nhằm giảm 5-10% hằng năm số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ bền vững, tiến tới xây dựng một xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Đồng thời, Chiến lược thể chế quản lý về an toàn giao thông phù hợp, hiệu lực và hiệu quả; kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện an toàn giao thông hiện đại, thân thiện với môi trường.

Người tham gia giao thông có kiến thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, hình thành văn hóa giao thông an toàn; có hệ thống cấp cứu, điều trị kịp thời, hiệu quả với nạn nhân tai nạn giao thông, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Đáng chú ý, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2030 là xóa bỏ kịp thời các điểm đen, tiềm ẩn tai nạn giao thông trên hệ thống đường bộ; bảo đảm 100% các tuyến đường bộ xây dựng mới, nâng cấp cải tạo và đang khai thác được thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông theo quy định.

100% xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh bị loại bỏ, không được tham gia giao thông; đồng thời kiểm soát phát khí thải định kỳ đối với xe môtô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông.

[Ngăn ngừa những hiện tượng 'phi văn hóa' khi tham gia giao thông]

Giai đoạn 2031-2045, hằng năm kéo giảm tai nạn giao thông đường bộ ở cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương, hướng đến mục tiêu sẽ không có người chết do tai nạn giao thông đường bộ.

Nhiệm vụ của Chiến lược nhằm chủ động ứng dụng và phát triển các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thực hiện đồng bộ 5 trụ cột về an toàn giao thông đường bộ.

Cụ thể, thể chế và chính sách pháp luật về an toàn giao thông được xây dựng, hoàn thiện, áp dụng kịp thời thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông địa phương và cơ quan, tổ chức thuộc bộ, ngành có liên quan để quản lý và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp về an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng giao thông phát triển và tổ chức giao thông hiện đại, an toàn, thông suốt, thân thiện; tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường địa phương trọng yếu nhằm đạt điều kiện an toàn cao cho tất cả đối tượng tham gia giao thông.

Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ về an toàn trong sản xuất, lắp ráp, kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ nhằm nâng cao điều kiện an toàn cho phương tiện khi tham gia giao thông, Chiến lược còn tập trung tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn kết hợp với công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong toàn dân.

Đồng thời, tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ để hoàn thiện, phát triển hệ thống đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe tương đương với các nước phát triển trên thế giới; xây dựng hệ thống cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế tai nạn giao thông trong phạm vi cả nước; kết hợp phát triển mạng lưới thông tin liên lạc hiện đại nhằm ứng phó kịp thời tai nạn giao thông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục