Ngày 12/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo chia sẻ về những phát hiện của nghiên cứu "Rào cản giới trong tiếp cận dịch vụ với người khuyết tật."
Đây là hoạt động được Dự án “Hỗ trợ an sinh xã hội tại Việt Nam” thuộc khuôn khổ Hợp tác Phát triển Đức-Việt hỗ trợ.
Hội thảo chia sẻ những phát hiện của nghiên cứu để tăng cường nhận thức về những rào cản mà nam-nữ khuyết tật gặp phải trong quá trình tiếp cận các dịch vụ xã hội; mang thông điệp gửi tới các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị tổ chức cung cấp các dịch vụ, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực người khuyết tật và các tổ chức của người khuyết tật.
Các đại biểu dự Hội thảo cho rằng người khuyết tật được coi là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng xã hội.
Trong thực tế, nhận thức đối với người khuyết tật không mang sắc thái giới tính. Những nhận thức này dẫn đến các quan niệm khác nhau ở người nam-nữ khuyết tật, thường gây thiệt hại cho phụ nữ khuyết tật.
Giới tính là một khái niệm để xác định vai trò của nam-nữ và được công nhận rộng rãi như một vấn đề xuyên suốt trong công tác phát triển.
Lồng ghép giới đã được thực hiện để đảm bảo lợi ích của cả phụ nữ-nam giới trong toàn bộ tiến trình phát triển kinh tế, xã hội thông qua các công tác phát triển. Tuy nhiên trong lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam, đây là một chủ đề ít được nhìn thấy.
Nghiên cứu của nhiều nước đã chỉ ra rằng phụ nữ khuyết tật thường chịu nhiều bất lợi hơn so với nam giới khuyết tật. Thực tế này là do nhận thức chung về vai trò của nam-nữ trong xã hội, kể cả nam-nữ khuyết tật.
Những nhận thức này ảnh hưởng đến suy nghĩ của chính bản thân người khuyết tật về vai trò và khả năng của họ, tác động đến thiết kế các chính sách, chương trình và các dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật.
Nghiên cứu tập trung đánh giá những rào cản giới đối với người khuyết tật trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề tạo việc làm.
Tại cơ sở hạ tầng trường học, thái độ kỳ thị tạo ra khó khăn cho các em gái khuyết tật trước khi đến trường và khi học tập ở trường. Ví dụ như học sinh nam khuyết tật thường có xu hướng kết bạn với các bạn nam không khuyết tật trong lớp, trong khi đó học sinh nữ khuyết tật thường thu mình, ít tiếp xúc với các bạn không khuyết tật khác.
Trong công tác đào tạo nghề và tạo việc làm, các cán bộ tư vấn thiếu kỹ năng tư vấn nghề cho người khuyết tật đặc biệt là tư vấn nghề cho nữ khuyết tật.
Hội thảo đã đề xuất một số khuyến nghị nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ dạy nghề, tạo việc làm đảm bảo để nam và nữ khuyết tật dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng như tuyên truyền để người khuyết tật, gia đình của họ hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tham gia học nghề đến cuộc sống hiện tại, tương lai của người khuyết tật; xây dựng danh mục nghề đào tạo phù hợp với khả năng, điều kiện của người khuyết tật cho người khuyết tật; xây dựng đội ngũ tư vấn dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tạo mối liên kết giữa trường dạy nghề và doanh nghiệp trên địa bàn để đảm bảo người khuyết tật có thể tìm được việc làm ổn định; tổ chức các sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm lưu động để người khuyết tật có cơ hội tìm kiếm việc làm, kết nối các doanh nghiệp và người khuyết tật...
Dự án “Hỗ trợ an sinh xã hội tại Việt Nam” nằm trong khuôn khổ Hợp tác Phát triển Đức-Việt do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ) tài trợ nhằm mục tiêu cải thiện điều kiện sống của những hộ gia đình nghèo tại những vùng thí điểm của dự án; đưa ra các phương pháp tiếp cận “có hiệu quả thực tiễn” để áp dụng trong các chương trình giảm nghèo quốc gia trên phạm vi cả nước.
Dự án tập trung vào hai mảng chính an sinh xã hội; hiện đại hóa việc quản lý và cung cấp trợ giúp xã hội nhằm hướng đến vận động chính sách cấp quốc gia, cũng như việc thực thi tại các tỉnh lựa chọn.
Các kết quả thử nghiệm sẽ giúp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan điều chỉnh chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội cấp quốc gia; thúc đẩy hiệu quả thực hiện Chương trình cũng như nhân rộng các phương pháp tiếp cận thí điểm thành công ở các địa phương khác./.