Tôi “tìm thấy” Hương Đặng trong một status chia sẻ trên mạng xã hội. Ngày hôm đó, tôi không sao quên được những con chữ dung dị mà nghị lực đến cháy bỏng của “cô giúp việc” 13 tuổi. Và tôi nhận ra, cuộc sống này không có giới hạn nào cho những ước mơ của con người.
- Câu chuyện chị từng chia sẻ bắt đầu từ lúc 13 tuổi, với quãng thời gian bốn năm đằng đẵng sau đó làm “ôsin” ở Hà Nội. Trước mốc 13 tuổi đó, chị hẳn đã đi qua một tuổi thơ không hề dễ dàng?
Hương Đặng: Tôi nghĩ cuộc sống ở một làng quê nhỏ bé và nghèo như quê tôi khi ấy thì mọi đứa trẻ trông đều lam lũ và không có cuộc sống sung túc. Với tôi thì có thể cuộc sống khó khăn hơn vì mẹ tôi một mình nuôi ba anh em bằng đồng ruộng. Quả thật không đơn giản chút nào. Nhưng nhờ sự bao bọc và thương yêu của mẹ và họ hàng, tôi vẫn thấy mình may mắn.
Giờ lớn rồi, tôi luôn biết ơn vì được sinh ra ở vùng quê, vì đó chính là cái nôi cho tôi tình yêu thương từ mẹ và những bài học giản dị làm người.
Mọi nghị lực và nỗ lực sau này tôi có đều được khơi dậy từ mẹ, và vì thế tôi luôn biết ơn mẹ đã không bao giờ bỏ cuộc vì chúng tôi. Tôi không thích nhìn lại cuộc sống của mình và than vãn về những ngày tháng khó khăn, tôi thích nhìn lại để biết ơn chặng đường đã đi qua đã giúp mình trưởng thành và xây dựng nội lực vững vàng.
- Ngày còn làm “ôsin”, chị làm từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm với mức lương 150.000 đồng/tháng, chị tiêu số tiền này như thế nào?
Hương Đặng: Ngày ấy tôi sống cùng gia đình chủ nhà, cả ngày cũng chỉ quanh quẩn trong cái khu tập thể ấy, khoản tiền 150.000 đồng tôi gửi về cho mẹ nuôi anh trai và em gái tôi đi học. Khoảng thời gian ấy tôi gần như chẳng tiêu đồng tiền nào từ tiền lương, mà luôn nghĩ gửi về cho mẹ để mẹ trang trải cuộc sống ở quê.
- Những người chủ nhà đối xử với chị ra sao, chắc hẳn họ cũng có điểm nào đó khiến chị thấy ấm áp, dù ít dù nhiều?
Hương Đặng: Ừ, cuộc sống mà cũng có người tốt, người không tốt, khi ấy nghề giúp việc/ôsin còn không được trọng dụng như bây giờ đâu (cười). Tôi nghĩ cô chú chủ nhà đầu tiên của mình đã rất can đảm khi để cho một đứa trẻ 13 tuổi như tôi chăm sóc em bé 4 tháng tuổi của cô chú một mình suốt ngày. Cô chú khi ấy cũng thương tôi và có lẽ thông cảm với cái sự quê mùa của tôi, chứ như bây giờ thì chắc không ai dám giao con mình cho một đứa trẻ như tôi lúc đó.
Còn trong cuộc sống giữa chủ nhà và người giúp việc, đương nhiên sẽ có lúc bị đối xử không như ý nhưng tôi vẫn luôn biết ơn cô chú chủ nhà đầu tiên ấy đã cho tôi cơ hội đầu tiên ở Hà Nội.
Cách đây vài năm tôi vẫn về thăm cô chú và các em, từ hồi đi du học bận bịu quá thì tôi không qua lại nhà cô chú được. Còn phần lớn những người chủ nhà sau đó thì đối xử với tôi khá khắc nghiệt.
- Khi chị bày tỏ nguyện vọng muốn đi học, gia đình chị đang làm thuê không hài lòng và đuổi đi, chị đã làm gì để trang trải việc học. Có bao giờ chị thấy ngã lòng vì sự vất vả?
Hương Đặng: Khi gia đình chủ nhà cuối cùng không hài lòng và đuổi tôi ra khỏi nhà một cách rất đột ngột, tôi nhớ đó là một buổi chiều gần Giáng sinh, trời rất lạnh và năm đó được coi là cực kỳ lạnh của Hà Nội. Tôi đạp xe trên phố và chở một số đồ cá nhân sau xe, rét run, không một người thân ở Hà Nội.
Lúc đó, tôi nhớ ra có lần đi học tình cờ gặp một người bạn cùng quê sống trọ ở khu Trung Hòa, Nhân Chính. Tôi đi tìm bạn đó nhưng do trời tối tôi không nhớ nổi nhà bạn trọ ở chỗ nào, vậy là tôi bị lạc. Loay hoay đến tối mịt, như có người chỉ dẫn, tôi đã tìm ra và ở cùng bạn 1 tuần trước khi bạn đi lấy chồng.
Sau đó, tôi chuyển qua ở cái gầm cầu thang nhà cô chủ nhà trọ để cho chi phí rẻ đi. Có thể nói đó là khởi đầu của mọi sự nguy hiểm cũng như vất vả.
Tôi bị lừa toàn bộ số tiền tiết kiệm được cho việc đi xin việc và bị công ty môi giới lừa không cho việc. Tôi xin đi làm lau nhà thuê, rồi gia đình tôi động viên nên về quê chứ không nên ở Hà Nội nữa bởi vừa nguy hiểm, vừa mông lung.
Phải nói thêm rằng, việc đi học bổ túc lúc đó là hết sức điên rồ. Cuối cùng sau bao nhiêu công việc lung tung từ đi bán hàng thuê trong công viên, đi làm sơn, đi lau nhà thuê, tôi thức dậy mỗi 2 giờ sáng và nấu xôi, sáng ra thì bán ở cổng trường Trung học cơ sở Yên Hòa, Cầu Giấy.
Khi ấy tôi vẫn là một đứa trẻ, tôi thèm ngủ nên mỗi ngày phải dậy từ 2 giờ sáng quả thực là một cực hình, có hôm vừa nấu vừa ngủ gật. Ban đầu, không có ai chỉ tôi cách phải nấu xôi thế nào nên thời gian đầu hôm thì nát, hôm thì ngủ quên và bị cháy hết nồi xôi rồi cứ ôm cái nồi nước mắt ngắn dài vì mất hết cả gốc làm gì có lãi, có cả những ngày xôi bị ế thì tôi phải ăn cả ngày thay cơm hay những hôm trời mưa không thể ngồi ở cổng trường mà phải mon men vào vỉa hè nhà người dân ngồi ké thì họ khó chịu ra mặt. Rồi những việc như bếp than đang đun bỗng dung bị tắt không biết cách nhóm, đủ thứ khác nữa.
Lúc mới đầu tôi bán xôi, tôi là người đầu tiên bán ở khu đó nên mấy bà mấy cô bán bánh mỳ hay các mặt hàng khác rất bực mình vì tôi ra đó bán hàng lấy khách của họ, thế là tôi bị đuổi. Có lần mỗi sáng mang đồ ra bán ở cổng trường là bị một bà khác đổ đầy rác lên chỗ mình vẫn hay ngồi, rồi mình cứ im lặng chịu đựng thì bà ấy doạ cho con gái thuê đầu gấu ra đánh. Có những đêm tôi bán bánh khoai, bánh chuối trên phố tới 12 giờ khuya và bị mấy thanh niên trêu sợ lắm.
Nói chung, thời gian ấy ngày nào thức dậy cũng thấy một bầu trời xám xịt, tương lai mù mịt không biết đi về đâu, ăn bữa nay lo bữa mai, chỉ có niềm tin lớn nhất là học hết bổ túc cấp 3 rồi sẽ đi thi đại học sư phạm. Nghĩ tới đó là lại có bao nhiêu động lực bước qua khó khăn dù mỗi ngày chỉ được ngủ có 2 tới 3 tiếng và làm việc không ngừng nghỉ. Tất nhiên là có rất nhiều lần tủi thân khóc và nản chí nhưng cái phần đó nó nhỏ thôi và không chiến thắng được tình yêu đi học của mình nên tôi vẫn đi qua được.
- Chị kể rằng chị ngưỡng mộ mẹ, vì đó là người đàn bà nghị lực, nhưng chị không muốn trở thành bà - khi lấy chồng ở tuổi 17? Chị có biết duyên cớ nào đã khiến mẹ trở thành “người đàn bà thứ ba”?
Hương Đặng: Ở quê tôi khi ấy chuyện có con trai nối dõi vẫn còn khá phong kiến và được coi trọng, nên là ba tôi lấy mẹ với mong muốn có một cậu con trai. Mẹ tôi lấy chồng năm 30 tuổi cơ chứ không phải 17 đâu, nhưng quê tôi lúc ấy thì 17 là nên lấy chồng rồi.
Tôi thương mẹ và mẹ luôn là lý do để tôi cố gắng mỗi ngày vì từ khi nhỏ xíu tôi đã chứng kiến những vất vả bà đi qua, nó hằn sâu trong ký ức tôi, biến tôi thành đứa trẻ khá già dặn so với tuổi, vì thế mọi việc tôi làm hay mọi quyết định tôi thực hiện, tôi không sợ gì chỉ sợ sẽ làm mẹ mình buồn.
Mẹ tôi là người phụ nữ hiền lành, có thể nói là cục mịch quê mùa nhưng trong mọi hoàn cảnh khó khăn nhất, mẹ tôi vẫn luôn dạy chúng tôi về sự tử tế. Mẹ dạy tôi theo đúng triết lý nhà phật, vì thế mọi sự học/sống đều là để hướng đến chữ thiện và lấy đó như là kim chỉ nam cho mình.
Tôi ngưỡng mộ mẹ vì nghị lực của mẹ, chúng tôi là hai thế hệ khác nhau, tôi lại có cơ hội được đi xa và trải nghiệm nhiều nên đương nhiên tôi sẽ không cam chịu việc phải lấy chồng lập gia đình từ khi 17 tuổi hay hy sinh mọi thứ như mẹ tôi, nhưng những giá trị sống mà mẹ tôi luôn sống thì luôn là thứ tôi muốn đón nhận như “của hồi môn” vậy.
Tôi nghĩ mình cũng may mắn vì được đi ra ngoài từ nhỏ, dù cực nhưng nếu ở quê thì biết đâu 17 tuổi đó tôi đã có một con đường khác rồi.
[Giáo sư Việt 8X Vũ Ngọc Tâm và 10 bằng sáng chế Mỹ]
- Nếu cái năm 17 tuổi ấy chị gặp được người đàn ông tốt và sẵn sàng che chở, chị có quyết định khác đi không?
Hương Đặng: Câu hỏi này khó quá, vì quả thực khi 17 tuổi thì tôi chỉ yêu thích mỗi việc học, và tôi nhận thấy sau này lớn lên có lần lựa chọn giữa việc nên ở nhà lập gia đình hay đi du học, thì tôi vẫn luôn lựa chọn việc học dù lúc đó cũng 25 tuổi rồi. Đối với gia đình tôi lúc đó, việc này cũng là một quyết định điên rồ và bất bình thường. Nhiều quyết định của tôi cũng khiến mẹ tôi đau đầu và mất ngủ.
Tất nhiên giờ khi đã được thực hiện ước mơ đi học thì tôi sẽ suy nghĩ khác về cái anh chàng sẵn sàng che chở đó và có khi cua ảnh luôn (cười). Chứ khi 17 tuổi, thực sự lúc đó tôi không nghĩ sẽ gặp được ai tốt đến mức mình có quyết định khác đi cả.
- Chị nghĩ khoảnh khắc chị tìm thấy tiếng Anh đã thay đổi đời chị? Và, quãng thời gian năm năm sau ngày tìm ra 1 thứ tiếng khác đã diễn ra như thế nào?
Hương Đặng: Tôi nghĩ có nhiều thứ cộng hưởng lại với nhau và nó có mối liên kết nhất định mà vũ trụ đã tạo nên. Với một cô bé ôsin như tôi khi 15 tuổi mà suốt ngày nghe nhạc quốc tế dù tôi chẳng hiểu gì chỉ thích giai điệu, rồi sau này ki cóp hết tiền ăn sáng mua mấy tạp chí Thế giới âm nhạc, có lẽ tôi được ngấm Tiếng Anh từ khi ấy và rất thích học Tiếng Anh, nên khi biết về KOTO cái đầu tiên gây ấn tượng mạnh mẽ nhất với tôi là “được học Tiếng Anh." Chính điều đó thôi thúc tôi phải tới gặp KOTO, vậy thì có thể nói là khoảnh khắc tôi biết tới Tiếng Anh và khoảnh khắc tôi gặp KOTO là hai điều khiến cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn. Điều này, tôi nghĩ cũng là sự sắp đặt của vũ trụ.
Năm năm sau là một câu chuyện khá dài nên tôi tóm tắt như thế này, khi tôi phát hiện ra KOTO tôi cũng không dám tin đâu, vì bị trường đời lừa quá nhiều lần rồi mà. Tôi tới KOTO chỉ vì tôi cảm giác tôi không còn nơi nào để đi nữa và có thể tôi sẽ được học tiếng Anh ở đó. Thế là tôi đến thử kiểm tra xem “nó” như thế nào.
Tôi còn nhớ như in đó là một buổi chiều mùa Đông, tôi đạp xe khá xa mới tìm được tới nơi. Tới đó rồi tôi còn lùi xe lại và hít thở thật sâu, tim đập thình thịch mặt đỏ căng. Nhưng khi vào rồi, chỉ có một điều mà khiến mọi sự hồi hộp trong tôi tan biến hết, đó là sự nhẹ nhàng của một chị nhân viên phòng nhân sự hướng dẫn tôi cách làm hồ sơ, khi ấy tôi vừa bị lỡ một đợt tuyển sinh. Trở về nhà tối hôm đó, tôi biết kiểu gì mình cũng phải tìm mọi cách vào được nơi ấy, và tất nhiên tôi gọi cho mẹ, mẹ tôi khóc ầm lên và không cho tôi nộp hồ sơ sợ tôi bị bán đi Trung Quốc.
Mấy tháng trời chờ đợi kết quả thực sự là một cực hình, gần như ngày nào tôi cũng gọi tới hỏi kết quả, khi ấy tôi đi trông quán Internet và một chị bạn tôi khi ấy ngày nào cũng hỏi tôi “nếu em không qua được thì em có tự tử không." Hôm nhận được điện thoại ở nhà báo lên là tôi được nhận, tôi đang học trong lớp học bổ túc và chạy ra ngoài sân reo hò như một đứa bị bệnh.
Năm năm sau thật ra không có gì ghê gớm, tôi tìm thấy mình, được yêu thương, được học và trang bị mọi kỹ năng sống cần thiết, tiếng Anh khi ấy lúc nào tôi cũng háo hức và luôn đặt mục tiêu phải đứng top 1. Khi ấy tôi học cả hai nơi, cả ở trung tâm và bổ túc buổi tối - cuối tuần nên là mọi việc bận rộn lắm. Ở KOTO được tiền trợ cấp thường các bạn sẽ đi ăn một món ngon hay mua một cái gì đó thì tôi dành số tiền đó đóng học bổ túc, rồi lịch làm thực hành và lịch học luôn chồng chéo, nhưng tôi không từ bỏ việc học bổ túc, người anh cả của trung tâm khi ấy luôn động viên tôi và nói sẽ hỗ trợ khi tôi muốn thi đại học và học đại học, thế là tôi say mê lao vào học.
Khi học xong ở trung tâm cũng là thời điểm tôi tốt nghiệp bổ túc cấp 3, tôi được giới thiệu cho làm trong một khách sạn lớn tại Hà Nội. Sau gần hai năm tôi về trung tâm làm, lúc đó, tôi lại ước mơ được đi du học, và tôi bắt đầu tìm hiểu học bổng, tìm hiểu về IELTS và thật may vì trung tâm đã trao cho tôi học bổng đi Australia học - phần sau là một cuộc sống đầy tươi đẹp và trải nghiệm ở xứ sở Kangaroo trong hơn năm năm sống, học tập và làm việc.
- Hiện tại, cuộc sống của chị đã thay đổi nhiều so với cái năm 13 tuổi ấy, chị đã đạt được giấc mơ của mình chưa? Cái đích tiếp theo của chị là gì?
Hương Đặng: Tôi nghĩ tôi cũng là một người bình thường thôi, nên nếu 13 tuổi tôi chỉ mong kết thúc mùa Hè này mình vẫn được tới trường, thì giờ những ước mơ của tôi đã khác.
Tôi nghĩ ước mơ của tôi thay đổi theo thời gian, và đó cũng là điều bình thường của mỗi người, trước khi sang Australia tôi nghĩ mình chỉ ở đó 18 tháng học xong một cái bằng rồi về, sau đó vì yêu Australia quá và vì thấy những gì tôi học chưa đủ, nên lại ước ở lại thêm 18 tháng nữa, lúc học gần xong chương trình cao đẳng, tôi lại mơ ước muốn ở lại học thạc sỹ, mọi ước mơ đó của tôi đều dần dần trở thành hiện thực.
Tiếp theo đó tôi muốn có được trải nghiệm làm việc cho một công ty ở Australia, tôi cũng thực hiện được và rồi tôi muốn về Việt Nam làm việc cho KOTO, tôi cũng đã đủ quyết đoán và mạnh mẽ để rời Australia (phải nói thêm rằng tôi vô cùng yêu nước Australai và luôn coi đó là ngôi nhà thứ hai của mình), tôi nghĩ mọi dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người đều sẽ phải tới, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
Một năm trở lại đây từ khi quyết định sẽ về Việt Nam làm việc, tôi để mình trong tâm thế là ở đâu có yêu thương, ở đó là nhà, và mọi đích đến đều cốt yếu là mình phải tìm được sự an lạc trong mỗi bước chân, nên tôi quyết định sẽ trở thành “công dân lông bông” một thời gian vì tôi thích đi trải nghiệm những vùng đất mới.
Công việc cho tôi cơ hội được có nhiều hơn một cái đích nhưng không dừng chân lâu ở đâu và luôn nhớ đường về nhà. Đích tiếp theo của tôi chắc chắn là châu Mỹ và và châu Âu, còn tới đó để học, sống, hay du lịch thì điều đó còn tùy vào duyên của tôi với những vùng đất mới ấy. Nhưng có một điều mà tôi luôn chắc chắn, đó là mỗi lần tôi gửi một lời nhắn tới vũ trụ và lao động hăng say, thì vũ trụ đều thương yêu tôi và giúp tôi tới được cái đích mình muốn. Cuối cùng, mọi cái đích đều để con người ta được có trải nghiệm và được an yên trong lòng. Mẹ tôi thì vẫn nghĩ cái đích lớn nhất của tôi bây giờ cần thực hiện là “lấy một anh chồng”, kỳ lạ thế chứ./.
Hương Đặng
Sinh năm: 1986
Hoàn thành chương trình thạc sỹ Quản Trị Kinh Doanh và Đổi Mới tại trường Đại Học Công Nghệ Swinburne.
Hiện tại, cô đang làm việc tại: KOTO Việt Nam.
Câu nói yêu thích: “Hãy luôn trong tâm thế sẵn sàng khi cơ hội đến, may mắn chính là khi sự chuẩn bị kỹ càng và cơ hội được gặp nhau.”
Dự án KOTO do Jimmy Pham - một thanh niên người Australia (có bố là người Hàn Quốc, mẹ là người Việt Nam), thành lập năm 1999 tại Hà Nội. Mỗi sáu tháng KOTO sẽ tuyển sinh 50 học viên. KOTO hoạt động theo mô hình một trung tâm dạy nghề kết hợp với một nhà hàng thực tập. Đây vừa là địa điểm thực tập về chuyên môn và ngoại ngữ của các học viên có hoàn cảnh khó khăn tuổi từ 16 tới 22, vừa là địa điểm kinh doanh để tăng nguồn thu. Toàn bộ chương trình học của KOTO đều miễn phí và được cấp bằng nghề Quốc Tế của Học Viện Box Hill Tafe.