Hướng dẫn về hội nghị giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã

Hội nghị cử tri nơi công tác để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức ở nơi người ứng cử đang công tác hoặc làm việc (nếu có)
Hướng dẫn về hội nghị giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ảnh 1(Ảnh minh họa: Đinh Tuấn/TTXVN)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung.

Thẩm quyền chủ trì và triệu tập hội nghị cử tri

Nghị quyết nêu rõ, Hội nghị cử tri nơi công tác để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức ở nơi người ứng cử đang công tác hoặc làm việc (nếu có). Trường hợp người ứng cử có nhiều nơi công tác hoặc nơi làm việc sẽ tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi người đó công tác hoặc làm việc thường xuyên.

Về thẩm quyền chủ trì và triệu tập hội nghị cử tri nơi công tác, Nghị quyết quy định: Người ứng cử đang công tác chuyên trách tại cơ quan Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn của cơ quan, tổ chức đó triệu tập và chủ trì hội nghị.

Người ứng cử đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác do Văn phòng Quốc hội tổ chức. Người ứng cử là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội, việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác do Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (nơi chưa thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân) tổ chức.

Người ứng cử đang công tác tại Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (nơi chưa thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân), việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác do Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tổ chức.

[Bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp: Đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng]

Người ứng cử đang công tác tại Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp huyện, việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác do Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức.

Người ứng cử đang là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác do Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ tổ chức.

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đang là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thì việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác do Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức. Người đứng đầu cơ quan phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.

Người ứng cử đang công tác tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan khác của Nhà nước thì người đứng đầu cơ quan phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.

Người ứng cử làm việc tại đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, người đứng đầu đơn vị, tổ chức phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn triệu tập và chủ trì hội nghị.

Người ứng cử công tác tại Đảng ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội cấp xã hoặc là công chức xã, phường, thị trấn, việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác được thực hiện tại hội nghị liên tịch giữa Đảng ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội cấp xã...

Hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố nơi người ứng cử thường trú hoặc tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú thì tổ chức hội nghị cử tri tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử đang sinh sống.

Trường hợp người ứng cử cư trú tại khu chung cư, khu đô thị chưa có tổ dân phố thì tổ chức hội nghị cử tri tại khu chung cư hoặc khu đô thị nơi người đó sinh sống để lấy ý kiến đối với người ứng cử.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì hội nghị.

Thời gian tiến hành hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung

Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 cũng quy định rõ nội dung, trình tự dự kiến người của thôn, tổ dân phố để giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

Theo đó, Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với Chi hội trưởng các đoàn thể họp với Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố để dự kiến người của thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã theo thông báo của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã về việc phân bổ số lượng và cơ cấu, thành phần.

Hướng dẫn về hội nghị giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ảnh 2(Ảnh minh họa: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Trưởng ban công tác Mặt trận triệu tập và chủ trì hội nghị gồm toàn bộ các thành viên của Ban công tác Mặt trận để thảo luận, dự kiến người của thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

Ngoài ra, Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố gửi giấy mời tham dự hội nghị cử tri giới thiệu người của thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. 

Thành phần mời dự hội nghị gồm: Cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình; toàn thể thành viên Ban công tác Mặt trận; Trưởng thôn, Phó trưởng thôn hoặc Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố; đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

Liên quan đến công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung, Nghị quyết nêu rõ: Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức và thực hiện theo quy định tại Mục 2 và Mục 3 Chương V của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn có liên quan. Riêng thời gian tiến hành hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung thực hiện theo quy định của Nghị quyết này.

Cụ thể, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử bổ sung.

Sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, tổ dân phố được phân bổ số lượng người giới thiệu ứng cử tiến hành lựa chọn, giới thiệu người ứng cử chậm nhất là 19 ngày trước ngày bầu cử bổ sung.

Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức chậm nhất là 16 ngày trước ngày bầu cử bổ sung.

Việc tổ chức hội nghị cử tri lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác (nếu có) về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện chậm nhất là 14 ngày trước ngày bầu cử bổ sung.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức chậm nhất là 12 ngày trước ngày bầu cử bổ sung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục