Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 02/2018/TT-BTC hướng dẫn cơ chế hỗ trợ tài chính đối với khu kinh tế quốc phòng, nhằm hướng dẫn chi tiết hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh tham gia hoạt động xây dựng khu kinh tế quốc phòng.
Thông tư đề cập đến kinh phí cho hoạt động nhà trẻ, mẫu giáo do doanh nghiệp quốc phòng trực tiếp quản lý tại địa bàn chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục (có xác nhận của Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương có khu kinh tế quốc phòng).
Cụ thể, kinh phí đầu tư ban đầu cho việc xây dựng trường lớp, mua sắm trang bị bàn, ghế và đồ dùng dạy học hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/lớp.
Đối với trường lớp, đồ dùng dạy học đã được đầu tư trang bị, bị hư hỏng cần được thay thế và bổ sung thì mức hỗ trợ không quá 30 triệu đồng/lớp/năm.
Kinh phí đảm bảo tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ khác cho giáo viên, cô nuôi dạy trẻ được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước đối với địa bàn đơn vị đóng quân (bao gồm cả giáo viên, cô nuôi dạy trẻ hoạt động tại các đội sản xuất theo quy định hiện hành của nhà nước tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa).
Tại các địa bàn do điều kiện đặc biệt cần phải duy trì bệnh viện, bệnh xá thì kinh phí để đầu tư, trang bị vật chất lần đầu với mức tối đa không quá 300 triệu đồng/1 bệnh xá dưới 10 giường bệnh; 400 triệu đồng/1 bệnh xá có từ 10 đến dưới 20 giường bệnh và 500 triệu đồng/1 bệnh xá từ 20 giường bệnh trở lên.
Theo Thông tư, kinh phí chi thường xuyên đối với các bệnh viện, bệnh xá đang hoạt động, đảm bảo tiền lương theo ngạch bậc, bảo hiểm y tế theo ngạch bậc và các khoản phụ cấp cho đội ngũ nhân viên y tế, căn cứ vào số thực chi năm trước của đơn vị để xác định mức đảm bảo cho năm sau (bao gồm cả nhân viên y tế hoạt động tại các đội sản xuất theo quy định hiện hành của Nhà nước tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa).
[Quân đội tham gia phát triển kinh tế là quan điểm nhất quán của Đảng]
Kinh phí mua thuốc khám chữa bệnh cho dân đối với đơn vị đóng quân tại địa bàn hiểm trở, cách xa trung tâm y tế huyện áp dụng theo mức chi thực tế nhưng tối đa không quá 70 triệu đồng/năm đối với bệnh xá dưới 10 giường bệnh, 80 triệu đồng/năm đối với bệnh xá có từ 10 đến dưới 20 giường bệnh, 100 triệu đồng/năm đối với bệnh xá, bệnh viện từ 20 giường bệnh trở lên.
Đối với bệnh viện, bệnh xá mới thành lập, mức hỗ trợ kinh phí thường xuyên căn cứ vào dự toán chi thường xuyên cho hoạt động của đơn vị và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc xác định mức hỗ trợ chi thường xuyên cho hoạt động của bệnh viện, bệnh xá có thể tham khảo, vận dụng mức chi thường xuyên của các cơ sở y tế cùng loại, cùng quy mô trên địa bàn đơn vị đóng quân. Danh sách các bệnh viện, bệnh xá trực thuộc doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được hưởng khoản hỗ trợ này do Bộ Quốc phòng phê duyệt.
Về hỗ trợ kinh phí chi cho công tác chính sách xã hội, công tác tuyên truyền vận động quần chúng bao gồm đào tạo, dạy nghề cho lao động là người dân tộc với thời gian không quá 6 tháng; xóa đói giảm nghèo, định canh, định cư mức hỗ trợ không quá 300.000 đồng/người/tháng...
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 17/2/2018 và áp dụng cho năm ngân sách 2018 trở đi. Bộ Tài chính cũng bãi bỏ Thông tư số 97/2005/TT-BTC ngày 9/11/2005 hướng dẫn cơ chế hỗ trợ tài chính đối với khu kinh tế quốc phòng và Thông tư số 126/2009/TT-BTC ngày 18/6/2009 về việc sửa đổi bổ sung một số điểm tại Thông tư 97/2005/TT-BTC./.