Ngày 6/2, Quốc hội Hungary đã thông qua bản hợp đồng cho phép Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nga Rosatom xây dựng hai lò phản ứng mới tại nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Hungary ở thị trấn Paks, cách thủ đô Budapest khoảng 100km về phía Nam.
Bất chấp sự phản đối từ các đảng đối lập, bản hợp đồng trên đã được thông qua với tỷ lệ phiếu 256/29, nhờ sự ủng hộ của đa số các nghị sỹ thuộc đảng cầm quyền Fides, vốn chiếm đa số 2/3 trong Quốc hội Hungary, và rất nhiều nghị sỹ từ đảng cực hữu Jobbik.
Ngày 14/1 vừa qua, nhân chuyến thăm Nga của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Hungary Zsuzsanna Nemeth và Tổng Giám đốc Rosatom Sergey Kiriyenko đã ký thỏa thuận hợp tác sử dụng an toàn nguồn điện nguyên tử, bao gồm kế hoạch xây dựng hai lò phản ứng mới tại Paks.
Thỏa thuận trên cho phép hai bên hợp tác thiết kế và lắp đặt các lò phản ứng mới, trong đó mỗi lò có công suất ít nhất 1.000 mêgaoát (MW) để thay thế bốn lò phản ứng tại Paks vốn sắp kết thúc thời gian hoạt động.
Theo thỏa thuận, trước mắt, Nga sẽ cấp cho Hungary 10 tỷ euro (khoảng 14 tỷ USD) tín dụng để lắp đặt các lò phản ứng mới, thời hạn thanh toán được gia hạn đến khi lò phản ứng đầu tiên đi vào hoạt động. Phía Hungary đảm nhận 80% chi phí và 40% khối lượng công việc của dự án.
Cùng ngày, Đài Tiếng nói nước Nga cho biết Nga và Iran cũng đang trong giai đoạn thảo luận xây dựng tổ máy số 2 của nhà máy điện hạt nhân tại Bushehr ở Iran. Năm ngoái, tổ máy đầu tiên của cơ sở này đã đi vào hoạt động.
Theo Phó Tổng giám đốc Rosatom, ông Nikolai Spassky, bất kỳ thỏa thuận nào đạt được sẽ đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế của Nga và phải mang lại hiệu quả về kinh tế.
Cuối năm 2013, Tổng thống Iran Hassan Rohani cho biết Iran dự định trong những năm tới sẽ sản xuất điện nhiều hơn từ các nhà máy điện hạt nhân thông qua việc xây dựng tổ máy thứ hai của nhà máy Bushehr.
Theo tính toán của các quan chức Iran, việc thi công với sự hỗ trợ của Nga có thể được bắt đầu ngay trong năm nay./.