Hungary kiện lên tòa án tối cao EU về các nguyên tắc pháp quyền

Hungary tuyên bố sẽ kiện lên tòa án tối cao của EU nhằm yêu cầu bãi bỏ tuyên bố về nguyên tắc pháp quyền, vừa được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của khối.
Hungary kiện lên tòa án tối cao EU về các nguyên tắc pháp quyền ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ ngày 10/12/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 11/12, Bộ trưởng Tư pháp Hungary Judit Varga cho biết nước này sẽ kiện lên tòa án tối cao của Liên minh châu Âu (EU) nhằm yêu cầu bãi bỏ tuyên bố về nguyên tắc pháp quyền, vừa được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của khối.

Tuyên bố về nguyên tắc pháp quyền, được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trước đó một ngày, nhấn mạnh rằng điều kiện tuân thủ nguyên tắc pháp quyền được "đính kèm" với kế hoạch ngân sách dài hạn của toàn liên minh sẽ được áp dụng một cách khách quan và chỉ để bảo vệ việc sử dụng hợp lý ngân quỹ của EU, thay vì trừng phạt các quốc gia theo các cuộc điều tra về pháp quyền riêng biệt của EU.

Trong nỗ lực thỏa hiệp vào phút cuối, Ba Lan và Hungary cùng với giới lãnh đạo EU đã khai thông bế tắc khi "mở khóa" thành công kế hoạch ngân sách dài hạn cùng gói phục hồi kinh tế với tổng trị giá 1.800 tỷ euro (2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế, xã hội do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tuy nhiên, để trì hoãn việc áp dụng quy định mới về nguyên tắc pháp quyền, Ba Lan và Hungary có thể yêu cầu Tòa án Công lý châu Âu đánh giá liệu điều này có phù hợp với các hiệp ước của khối hay không và quy trình này có thể mất tới 2 năm.

Trao đổi với đài phát thanh nhà nước Hungary, Bộ trưởng Varga nêu rõ Chính phủ Hungary tin rằng có một số vấn đề về nguyên tắc pháp quyền được nêu trong chính văn bản của tuyên bố trên và "tôi chắc chắn rằng tòa án EU sẽ khắc phục điều này."

Trước đó, Ba Lan và Hungary từng sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn việc thông qua kế hoạch ngân sách dài hạn và phục hồi kinh tế của EU với lý do việc phân bổ ngân quỹ cho các nước lần đầu tiên được gắn với tiêu chí tôn trọng nguyên tắc pháp quyền của EU.

Hai quốc gia này đang bị EU điều tra về việc làm suy yếu tính độc lập của các tòa án và truyền thông và đang đứng trước nguy cơ đánh mất hàng tỷ euro được EU giải ngân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục