Hungary không tham vấn EC khi điều chỉnh hợp đồng mua khí đốt của Nga

Hungary tuyên bố nước này sẽ không cần thông báo hay tham vấn Ủy ban châu Âu (EC) nếu muốn điều chỉnh hợp đồng dài hạn mua khí đốt của Nga trong trường hợp các nước EU thông qua mức giá trần khí đốt.
Hungary không tham vấn EC khi điều chỉnh hợp đồng mua khí đốt của Nga ảnh 1Các bể chứa tại trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Barcelona, Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19/12, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố nước này sẽ không cần thông báo hay tham vấn Ủy ban châu Âu (EC) nếu muốn điều chỉnh hợp đồng dài hạn mua khí đốt của Nga trong trường hợp các nước EU thông qua mức giá trần khí đốt.

Tuần trước, ông Szijjarto cho biết nếu mức giá trần khí đốt được thông qua, Hungary sẽ cần điều chỉnh thỏa thuận trên với Nga. Ông đã thảo luận vấn đề này với Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 12/12. 

Tháng 9/2021, Hungary ký 2 hợp đồng dài hạn với tập đoàn Gazprom (Nga) để mua tổng cộng 4,5 tỷ m3 nhiên liệu mỗi năm thông qua các đường ống dẫn qua Bulgaria và Serbia.

[Châu Âu tổn thất tới 1.000 tỷ USD cho việc từ bỏ khí đốt của Nga]

Thỏa thuận có hiệu lực trong 15 năm và có thể được xem xét lại 10 năm sau khi thực hiện.

Ngoại trưởng Hungary đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh bộ trưởng năng lượng các nước EU đang tiếp tục các cuộc tranh luận gay gắt trong ngày 19/12 sau khi không đạt được đồng thuận về mức giá trần đối với khí đốt Nga trong cuộc họp tuần trước.

Hồi tháng 11 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất mức giá trần 275 euro/megawatt giờ (MWh), nhưng chỉ được kích hoạt nếu giới hạn này bị vượt qua liên tục trong vòng ít nhất 2 tuần, đồng thời giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng trên 58 euro trong 10 ngày trong cùng thời gian đó.

Một số quốc gia EU, bao gồm Pháp, Ba Lan và Tây Ban Nha, đã chỉ trích đề xuất này của EC, cho rằng không bao giờ có thể kích hoạt được việc áp giá trần.

Trong khi đó, các quốc gia EU khác bao gồm Đức, Hà Lan và Áo, coi mức giá trần này là quá cứng nhắc và là mối đe dọa đến nguồn cung, có nguy cơ khiến hoạt động giao hàng bị chuyển hướng từ châu Âu sang các thị trường sinh lời hơn ở châu Á.

Vấn đề áp giá trần khí đốt đang trở nên rất cấp bách, trong bối cảnh châu Âu đã bước vào mùa Đông lạnh giá với ít lựa chọn về năng lượng hơn do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Giá nhiên liệu tại châu Âu vẫn ở mức cao đang làm dấy lên lo ngại rằng các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh có thể phải đối mặt với tình trạng mất điện hoặc không thể thanh toán các hóa đơn năng lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục