Ngày 17/6, Hungary tuyên bố sẽ xây dựng hàng rào cao 4m dọc biên giới với Serbia để chặn người di cư tràn vào nước này.
Ngoại trưởng Hungary Peter Sijjarto cho biết chính phủ đã chỉ thị xây dựng hàng rào trên tuyến biên giới dài 175km với Serbia và công việc chuẩn bị phải được hoàn tất vào ngày 24/6 tới.
Ông Sijjarto khẳng định quyết định trên của Budapest không vi phạm bất kỳ hiệp ước quốc tế nào, đồng thời nhấn mạnh các nước khác cũng đã chọn giải pháp tương tự, viện dẫn các hàng rào giữa Hy Lạp với Thổ Nhĩ Kỳ, giữa Bulgaria với Thổ Nhĩ Kỳ và hàng rào quanh những vùng đệm của Tây Ban Nha trên lãnh thổ Maroc.
Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic ngay lập tức đã phát biểu trên đài truyền hình nước này, khẳng định ông ngạc nhiên và bị sốc vì kế hoạch dựng hàng rào của Budapest. Ông Vucic cho rằng dựng hàng rào không phải là giải pháp và Serbia không thể chịu trách nhiệm về vấn đề do người di cư gây ra vì quốc gia này chỉ là nước trung chuyển.
Là thành viên EU, Hungary trong năm ngoái tiếp nhận lượng người tị nạn tính theo đầu người nhiều hơn bất kỳ nước EU nào khác trừ Thụy Điển, với tổng cộng 43.000 người.
Từ đầu năm đến nay, khoảng 54.000 người đã tràn vào Hungary, tăng mạnh so với 2000 người năm 2012. Khoảng 95% người di cư vào Hungary trong năm nay đi qua Serbia, quốc gia chưa phải là thành viên EU.
Cũng trong ngày 17/6, Cơ quan biên giới EU (Frontex) đã thiết lập các điểm nóng đầu tiên ở vùng Sicily của Italy để phối hợp các nhà hành động châu Âu và quốc tế giúp Rome giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư ở Địa Trung hải.
Phát biểu với hãng tin AFP, Phó Giám đốc Frontex Gil Arias-Fernandez cho biết tổ chức này đã triển khai nhân viên để bắt đầu công việc trên mặt đất tại Catania, Sicily.
Frontex hy vọng các cơ quan khác cũng sẽ từng bước triển khai nhân viên hoặc văn phòng đại điện của mình tại đây trong những ngày hoặc những tuần tới. Ông nhấn mạnh đây là một khái niệm mới ở những nơi mà tình hình di cư bất thường diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt Địa Trung hải.
Italy đang phải đối phó với dòng người di cư tràn vào nước này, lên tới 60.000 trường hợp tính từ đầu năm đến nay. Rome dọa sẽ phản ứng mạnh nếu các nước thành viên EU không chia sẻ gánh nặng này.
Liên quan vấn đề người tị nạn, Litva ngày 17/6 thông báo chấp nhận định cư cho 250 đối tượng gồm người tị nạn đến từ Syria, người di cư và người xin cư trú do Italy và Hy Lạp chuyển giao.
Thủ tướng Litva Algirdas Butkevicius cho biết quốc gia vùng Baltic này muốn tỏ tình đoàn kết và hỗ trợ các nước khác trong EU giải quyết vấn đề người tị nạn.
Giống như các nước thành viên EU Trung Âu và Baltic khác, Litva cho đến nay vẫn phản đối bất kỳ hạn ngạch bắt buộc nào liên quan người di cư.
Litva chỉ chấp nhận 30-40 người trong khi đề xuất về hạn ngạch của EC yêu cầu nước này tiếp nhận 207 người tị nạn đến từ Syria, 302 và 201 người xin cư trú lần lượt do Italy và Hy Lạp chuyển giao./.