Hưng Yên: Tưng bừng khai mạc Lễ hội truyền thống đền Mẫu

Lễ hội truyền thống đền Mẫu diễn ra từ 18/4-23/4 (từ mùng 10-15/3 âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như dâng hương, tế lễ, hát cửa đền, rước kiệu truyền thống và một số trò chơi dân gian.

Khai mạc lễ hội truyền thống Đền Mẫu năm 2024. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)
Khai mạc lễ hội truyền thống Đền Mẫu năm 2024. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

Ngày 18/4 (tức ngày 10/3 âm lịch), Ban quản lý khu Di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống đền Mẫu năm 2024.

Đền Mẫu tọa lạc tại đường Bãi Sậy, phường Quang Trung (thành phố Hưng Yên) được xây dựng vào cuối thế kỷ 13.

Đền thờ Dương Quý Phi, được tôn xưng là Dương Thiên Hậu. Trong Đền lưu giữ nhiều di vật quý như kiệu võng, long đình, long sàng, long kỷ và 15 đạo sắc phong từ triều Lê đến triều Nguyễn, cùng nhiều bức hoành phi, câu đối, đại tự ca ngợi tấm gương trung trinh tiết liệt của Dương Quý Phi.

Đền Mẫu được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 1990 và là di tích thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến.

Đền Mẫu hiện là điểm du lịch văn hóa tâm linh không chỉ của người dân Hưng Yên mà còn thu hút đông đảo du khách thập phương đến dâng hương, chiêm bái cầu phúc, cầu tài, cầu bình an.

ttxvn_1804_pho hien (2).jpg
Nhân dân và du khách thập phương dâng hương tại Đền Mẫu. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

Lễ hội truyền thống đền Mẫu diễn ra trong 6 ngày từ 18/4-23/4 (từ mùng 10-15/3 âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như dâng hương, tế lễ, hát cửa đền, rước kiệu truyền thống và một số trò chơi dân gian.

Thành phố Hưng Yên hiện lưu giữ, bảo tồn khoảng 200 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, trong đó có một Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, 20 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 30 di tích xếp hạng cấp tỉnh, trên 100 bia ký và hàng nghìn cổ vật có giá trị với nhiều phong cách kiến trúc độc đáo đan xen giữa văn hóa thuần Việt với phương Đông và phương Tây.

Trong số đó, nổi bật nhất là khu Di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến - đây là quần thể các công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, mang những dấu ấn riêng, thể hiện những giá trị độc đáo trong hệ thống đô thị cổ Việt Nam, nổi tiếng với câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến.”

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến gồm 16 di tích có giá trị tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật… thuộc các phường Hiến Nam, Lam Sơn, Quang Trung, Hồng Châu, Lê Lợi, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Đây là quần thể các công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, mang những dấu ấn riêng, thể hiện những giá trị độc đáo trong hệ thống đô thị cổ Việt Nam và được công nhận là khu Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2014.

Trưởng Ban quản lý khu Di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến Nguyễn Thị Hòa cho biết: Khu di tích Phố Hiến là quần thể các công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu mang những dấu ấn riêng, thể hiện những giá trị độc đáo trong hệ thống đô thị cổ Việt Nam.

Phố Hiến khởi nguồn trong thời kỳ hưng thịnh được dân bản địa và thương nhân nước ngoài xây dựng nên các công trình kiến trúc tuyệt vời như bến cảng, thương điếm, đền đình chùa. Trong đó, nhiều công trình mang vẻ đẹp đặc trưng văn hóa Việt, một số công trình có sự kết hợp hài hòa tinh xảo với kiến trúc phương Tây, nhưng vẫn mang đậm hồn Việt.

Theo bà Nguyễn Thị Hòa, Phố Hiến ngày nay vẫn còn nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, minh chứng cho thời kỳ phát triển rực rỡ của một "Tiểu Tràng An" xưa, là di sản vô giá của kho tàng văn hóa dân tộc và nhân loại.

Nổi bật trong đó là những công trình kiến trúc thuần Việt như Chùa Chuông, chùa Nễ Châu, đình chùa Hiến, đền Mẫu, đền Mây, đền Kim Đằng, Văn Miếu Xích Đằng...

Bên cạnh đó, Phố Hiến còn có những công trình kiến trúc của người Việt kết hợp với kiến trúc Trung Hoa và phương Tây như: Đông đô Quảng Hội, đền Thiên Hậu, chùa Phố, Võ Miếu...

Cùng với kiến trúc độc đáo, đến Phố Hiến du khách còn được đắm chìm vào không gian của chùa Chuông với phong cảnh tuyệt mỹ được ví là thắng cảnh "đẹp nhất Sơn Nam," là đền Mây thấp thoáng bên bờ sông Hồng được coi là đẹp hơn cả "trăm cảnh nghìn cảnh," hay là đền Mẫu cổ kính ẩn mình dưới bóng cây cổ thụ 3 gốc bên Hồ Bán nguyệt thơ mộng. Điều này đã giúp Hưng Yên níu chân du khách, khiến ai đi xa cũng nhớ về./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục