Phê duyệt quy hoạch phân khu Khu đại học Phố Hiến

Hưng Yên phê duyệt quy hoạch phân khu Khu đại học Phố Hiến

Tỉnh Hưng Yên vừa phê duyệt quy hoạch phân khu Khu Đại học Phố Hiến tỷ lệ 1/2000, nhằm cụ thể hóa Đề án xây dựng Khu Đại học Phố Hiến.
Hình minh họa. (Ảnh: TTXVN)

Tỉnh Hưng Yên vừa phê duyệt quy hoạch phân khu Khu Đại học Phố Hiến tỷ lệ 1/2000, nhằm cụ thể hóa Đề án xây dựng Khu Đại học Phố Hiến đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hưng Yên và vùng phụ cận.

Theo đó, phạm vi ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu Đại học Phố Hiến bao gồm địa phận quản lý của thành phố Hưng Yên và huyện Tiên Lữ có tổng diện tích là hơn 1.700ha, đáp ứng nhu cầu đào tạo cho khoảng 80.000 sinh viên, số lượng cán bộ nghiên cứu và phục vụ khoảng từ 1.000 đến 8.000 người.

Không gian Khu Đại học Phố Hiến được quy hoạch theo ý tưởng phát triển các tuyến vành đai với khu trung tâm Khu Đại học, hình dáng bông sen trên mặt hồ là điểm nhấn kiến trúc, mang tính biểu tượng của Khu Đại học.

Khu trung tâm là nơi tổ chức các hoạt động nghi lễ của Khu Đại học và các hoạt động quan trọng khác với hệ thống không gian mở, quảng trường và các trục đi bộ hướng ra mặt hồ. Hệ thống vành đai xanh tượng trưng cho lá sen xuyên suốt, liên kết toàn bộ các khu chức năng.

Các khu chức năng trong Khu Đại học bao gồm khu trung tâm, khu các trường đại học, khu trung tâm nghiên cứu và ứng dụng, khu ký túc xá, khu nhà ở công vụ, khu liên hợp thể dục thể thao, khu đô thị mới, khu dân cư hiện trạng.

Các hạng mục này được bố trí hợp lý, thuận tiện, phát huy hiệu quả sử dụng đất và đóng góp cho không gian đô thị.

Ông Đặng Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên cho biết mục tiêu của đồ án quy hoạch phân khu Khu đại học Phố Hiến là xác lập mô hình mới về tổ chức xây dựng, đầu tư các cơ sở giáo dục, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo hướng tập trung gắn với hiện đại hóa các cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; đồng thời đáp ứng nhu cầu đào tạo, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và xu hướng hội nhập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục