Hát trống quân là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, từ xa xưa đã trở thành nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của người dân trên mảnh đất "xứ nhãn" - Hưng Yên. Đây cũng là loại hình nghệ thuật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.
Niềm tự hào của người dân "xứ nhãn" - hát trống quân là lối hát ví von, đối đáp giao duyên phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Hồng.
Theo sử sách ghi lại, hát trống quân có quá trình hình thành và phát triển từ thời Triệu Việt Vương, gắn liền với sinh hoạt cộng đồng trong suốt chiều dài lịch sử của người dân quê nhãn Hưng Yên.
Đây là loại hình nghệ thuật độc đáo, phong phú, hấp dẫn của âm nhạc dân gian, là lối hát đối đáp giao duyên, thuộc loại hình diễn xướng, mang đậm nét dân dã, mộc mạc của làn điệu, của âm nhạc, lại vừa thể hiện sự trí tuệ, tài hoa, linh hoạt trong sử dụng ngôn từ, câu chữ.
Lời hát phong phú được chắt lọc từ chính phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian... Nội dung các câu hát trống quân chủ yếu là đố hỏi. Hát trống quân Hưng Yên thường đề cập đến những chủ đề ca ngợi non sông đất nước, cuộc sống lao động, tình yêu đôi lứa, những điển tích văn học như Truyện Kiều, Tần Cung oán, Chinh phụ ngâm, Nhị độ mai… Đây là thể loại dân ca đối đáp, giao duyên, trao đổi kinh nghiệm sống trong xã hội nông nghiệp lúa nước, thường tổ chức vào dịp nông nhàn, sau vụ mùa thu hoạch.
Hưng Yên có nhiều vùng hát trống quân, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là hát trống quân ở xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu. Không chỉ gắn liền với những sự kiện chống ngoại xâm của dân tộc, hát Trống quân ở Dạ Trạch còn gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung và Lễ hội Chử Đồng Tử.
Với nội dung bài bản đề cập đến các sự kiện lịch sử, địa danh làng xã, phong tục tập quán, sản vật quê hương, do vậy dân gian coi nội dung các câu hát là kho sử liệu quý về lịch sử làng xã, là kho tàng tri thức có tính giáo dục cao trong cách thức ứng xử, có sức tuyên truyền hiệu quả, ca ngợi cái đẹp, phê phán cái xấu trong cuộc sống cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Hẳn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ trống quân Dạ Trạch cho biết, Câu lạc bộ được thành lập năm 1993, với tên gọi ban đầu "Đội hát trống quân xã Dạ Trạch", gồm 8 người 4 nam và 4 nữ; đến năm 2012, đổi tên thành "Câu lạc bộ Trống quân Dạ Trạch". Hiện Câu lạc bộ có 34 thành viên, thành viên lớn tuổi nhất 91 tuổi, thành viên trẻ tuổi nhất 28 tuổi.
Sinh hoạt hát trống quân thể hiện sự kết nối cộng đồng rất phong phú, góp phần giải tỏa những lo toan, nhọc nhằn trong cuộc sống. Do vậy, Câu lạc bộ luôn duy trì sinh hoạt hằng tháng để lưu giữ các bài hát cổ và sáng tác những bài hát mới, phù hợp với đời sống hiện đại.
Đến nay, Câu lạc bộ có 6 thành viên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Xuyên chia sẻ, hát trống quân ở Hưng Yên khác với hát trống quân ở các nơi khác bởi tính độc đáo ở chỗ vừa hát đáp, vừa sáng tạo hát hỏi.
Giờ đây, hát trống quân không có lời bài hát cố định, đòi hỏi khả năng ứng tác nhanh, ngẫu hứng. Hỏi trong đáp tạo ra sự cuốn hút hấp dẫn nhau, nhờ đó đẩy cuộc hát đến đỉnh cao trào. Diễn tiến của một canh hát gồm có: Hát gọi, hát đáp, hát chào, hát mời, hát giao hẹn đến hát ướm, hát thách cuối cùng là hát họa, hát đối đáp.
Theo bà Xuyến, hát trống quân dễ đi vào lòng người vì nhạc điệu uyển chuyển, tùy hứng, lên bổng, xuống trầm theo không khí đêm hội. Lời hát mang đậm chất dân gian mà chủ yếu là lời từ ca dao, hát ví, hát đố, hoặc sử dụng các tích trò truyền thống. Lời hát dùng nhiều điển tích đòi hỏi người hát phải học hỏi, tìm hiểu nhiều mới ứng xử, bắt vần, đối đáp được lời hát của bạn chơi.
Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã thành lập các đội văn nghệ hay Câu lạc bộ để cùng sinh hoạt hát trống quân như: Câu lạc bộ hát trống quân thôn Tiên Kiều, xã Bãi Sậy (huyện Ân Thi); Câu lạc bộ hát trống quân thôn Kênh Cầu, xã Đồng Than (huyện Yên Mỹ); Tổ hát trống quân thôn Đồng Chung, xã Việt Hưng (huyện Văn Lâm); Câu lạc bộ hát trống quân lời cổ xã Vĩnh Khúc (huyện Văn Giang). Ở huyện Khoái Châu có đội văn nghệ thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch; Câu lạc bộ hát trống quân Hương Nhãn, xã Hàm Tử. Huyện Kim Động có đội văn nghệ thôn Phú Mỹ, xã Đức Hợp; Câu lạc bộ Nghệ thuật truyền thống xã Hùng An...
Để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản phi vật thể hát trống quân, nhiều địa phương đã đưa điệu hát này vào các trường học. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu Nguyễn Tiến Lộc chia sẻ, địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện truyền dạy hát trống quân tại các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở trên địa bàn.
Các thành viên trong Câu lạc bộ trống quân Dạ Trạch phối hợp với giáo viên âm nhạc nhà trường truyền dạy các làn điệu trống quân dễ nhớ, dễ thuộc, tính chất tươi vui, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Việc truyền dạy được tổ chức thông qua các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, trong một số tiết học âm nhạc, nội dung giáo dục địa phương cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở.
Trong những dịp lễ hội, hát trống quân được "sân khấu hóa" thành các bài biểu diễn để người nghe, người xem dễ dàng thưởng thức. Hoạt động không chỉ góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa quê hương mà còn quảng bá, lan tỏa đến du khách gần xa.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên Đỗ Hữu Nhân cho biết, để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, Sở đã chủ động tham mưu với Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành nhiều đề án, chương trình hành động cụ thể như: Kế hoạch bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể hát ca trù và hát trống quân giai đoạn 2014 – 2020; làm hồ sơ xét tặng nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú và hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo tồn không gian văn hóa làng Nôm, bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể hát ca trù, hát trống quân...
Theo ông Đỗ Hữu Nhân, cùng với ca trù, hát trống quân đã được phổ biến rộng rãi trong các lễ hội văn hóa của tỉnh. Đặc biệt, các câu lạc bộ trên địa bàn thành phố Hưng Yên và các huyện Khoái Châu, Văn Giang, Ân Thi, Yên Mỹ, Tiên Lữ thường xuyên tổ chức biểu diễn trống quân để quảng bá, phục vụ du khách theo tuyến du lịch sông Hồng, qua đó nhân rộng trong toàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, sáng tạo văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân../.