Hưng Yên, Hải Dương và Thái Bình đã hết dịch tả lợn châu Phi

Theo Cục Thú y, hiện có 3 tỉnh là Hưng Yên, Hải Dương và Thái Bình đã hết dịch tả lợn châu Phi, 25 tỉnh, thành phố có trên 85% số xã đã qua 30 ngày không xuất hiện ổ dịch.
Định hướng của ngành Nông nghiệp thời gian tới là tái đàn từng bước, phát triển chăn nuôi tập trung, an toàn, có kiểm soát. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 26/12, tại hội nghị Triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi tổ chức, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hiện có 3 tỉnh là Hưng Yên, Hải Dương và Thái Bình đã hết dịch tả lợn châu Phi.

Bên cạnh đó, có 25 tỉnh, thành phố có trên 85% số xã đã qua 30 ngày không xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi gồm Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hải Phòng, An Giang, Cần Thơ, Gia Lai, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương, Hậu giang, Tây Ninh, Hà Nội, Long An, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Đồng Tháp.

Theo báo cáo của Cục Thú y, lũy kế đến ngày 24/12/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.532 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố, tổng số lợn phải tiêu hủy là hơn 5,965 triệu con với tổng trọng lượng khoảng 341.000 tấn, chiếm 9% tổng trọng lượng lợn cả nước.

Ông Phạm Văn Đông cho biết hiện tổng đàn lợn cả nước còn khoảng 25 triệu con; trong đó đàn nái là 2,7 triệu con. các doanh nghiệp tập trung nhiều nguồn lực đầu tư giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, hiện còn khoảng 109.000 con chưa bị dịch bệnh, cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn.

Cho tới thời điểm hiện tại, có một số địa phương đã chỉ đạo nuôi tán đàn có kết quả tốt như Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Giang…; dự kiến tới tháng 1 sẽ có sản phẩm tái đàn.

[Thay đổi thói quen tiêu dùng để cân bằng thị trường thịt lợn]

Trong thời gian tới, theo nhận định của Cục Thú y, bên cạnh yếu tố thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển thì việc tăng đàn vật nuôi, vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật cũng khiến nguy cơ dịch bệnh xảy ra phạm vi rộng là rất cao.

Do đó, các địa phương cần chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch; rà soát và đề xuất về cơ chế, chính sách đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng chống dịch.

Chính quyền cơ sở và các cơ quan thú y địa phương kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn, tăng cường hướng dẫn, giám sát tình hình chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh;  đồng thời, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn và phát triển đàn lợn của địa phương.

Cục Thú y cũng đề nghị các địa phương, các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn giống và sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến sâu theo quy định hiện hành.

Các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến sâu khi được vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh không phải dừng tại các trạm, chốt kiểm dịch để thực hiện việc kiểm dịch khi đáp ứng các yêu cầu như có nguồn gốc từ lợn đã được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi; được sản xuất tại cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sản phẩm thịt lợn được đóng gói kín; được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh tại nơi xuất phát thực hiện kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục