Còn hơn 20 ngày nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tại các làng hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện Văn Giang (Hưng Yên) không khí Xuân đã cận kề.
Đây được mệnh danh là "thủ phủ" hoa, cây cảnh ở miền Bắc, những ngày cuối năm đến đây, du khách có thể cảm nhận được một bức tranh mùa Xuân đầy màu sắc.
Những ngày này, gia đình ông Đỗ Mạnh Hà, ở thị trấn Văn Giang gần như ăn ngủ tại vườn để chăm sóc hơn 500 cây bưởi và 200 cây quất thế phục thị trường Tết.
Đến thời điểm này, gần 300 cây bưởi và 150 cây quất thế của gia đình đã được khách đặt mua và thuê về để chơi Tết.
Theo ông Hà, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 nhiều nhà vườn bị thiệt hại lớn nên giá bưởi, quất cảnh tăng hơn so với mọi năm.
Ngay từ cuối tháng 11 âm lịch đã có khách đến tận vườn đặt mua. Hiện nay, nhiều cây bưởi lớn, với cách tạo thế độc lạ đã được khách hàng mua, thuê về chơi Tết, với giá bán từ 7-100 triệu đồng mỗi cây bưởi, tùy theo loại.
Là một trong những hộ trồng quất lâu năm tại xã Liên Nghĩa (Văn Giang), những năm trở lại đây, gia đình anh Nguyễn Văn Cường cũng đã thay đổi phương thức canh tác, tỉ mỉ chăm sóc và tạo dáng thế cho cây để phù hợp thị hiếu của khách hàng.
Anh Cường chia sẻ, khoảng 5 năm trở lại đây gia đình anh chuyển từ trồng quất bầu truyền thống sang trồng quất trong lu, trong chậu. Cách này sẽ giúp người trồng dễ dàng tạo thế, cây luôn giữ được độ tươi nên chơi Tết sẽ được lâu hơn.
Năm nay, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 nên hầu hết các vùng trồng quất đều bị ảnh hưởng. Vì thế, để lựa chọn được những cây quất có dáng, thế đẹp, ngay từ tháng 11, nhiều khách hàng đã xuống vườn chọn cây, đặt tiền cọc từ trước và cũng đã có nhiều khách cũng đã mua cây về chơi.
Vườn trà của gia đình ông Chử Văn Biên, ở xã Phụng Công (Văn Giang) luôn là địa chỉ tin cậy của những người yêu hoa mỗi độ Tết đến, Xuân về. Ông Biên chia sẻ, những tưởng trận mưa lũ tháng 9 vừa qua gia đình sẽ mất trắng.
Sau khi lũ rút, gia đình ông đã bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất và đến nay đã khôi phục được 70% diện tích. Điều đáng mừng là những cây trà cổ có tuổi đời hàng chục năm tuổi nở hoa vào đúng dịp Tết nên gia đình ông rất phấn khởi.
Theo ông Biên, trà là giống cây hoa "khó tính" bậc nhất trong giới hoa, cây cảnh. Nuôi cây sống khỏe mạnh, xanh tốt đã khó, để cây ra hoa đều đẹp càng khó, và ra hoa đúng dịp đón tết lại càng khó hơn.
Bông hoa trà khi nở cánh hoa mịn, cánh lồng cánh, thể hiện sự sum vầy, sung túc nên được nhiều người sưu tầm về chơi, nhất là vào dịp Tết. Hiện gia đình ông có khoảng 200 gốc trà, hầu hết đã được khách hàng đặt mua, thuê về chơi Tết.
Có niềm đam mê với những cây trà nên năm nào cũng vậy, ông Phạm Ngọc Trưởng, ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cũng tìm về xã Phụng Công để mua hoa.
Ông Trưởng cho biết trong số các loài hoa chơi Tết, hoa trà luôn là sự ưu tiên của gia đình ông. Mỗi năm gia đình lại lựa chọn 5 loại trà để chơi Tết.
Theo ông Trưởng, mỗi loại hoa trà lại có một ý nghĩa biểu tượng riêng. Trà bạch tuyết, hồng trà tượng trưng cho sự tinh khiết, thuần khiết thì trà cung đình hay trà lựu lại biểu tượng cho sự cao quý.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Văn Giang Đỗ Ngọc Tú, trên địa bàn huyện hiện có gần 1.000ha trồng hoa, cây cảnh các loại. Vùng sản xuất hoa tập trung tại các xã Xuân Quan, Phụng Công; vùng sản xuất cây cảnh thuộc các xã Liên Nghĩa, Mễ Sở, Thắng Lợi và thị trấn Văn Giang.
Các nhóm sản phẩm hoa, cây cảnh chủ lực của huyện gồm hoa trà; hoa giỏ treo; cây trang trí; cây cảnh có múi như quất cảnh, bưởi cảnh và các cây bon sai với nhiều chủng loại, kiểu dáng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hiện trên địa bàn huyện có 5 làng nghề hoa, cây cảnh được Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận: Làng nghề hoa, cây cảnh xã Xuân Quan, Phụng Công, Thắng Lợi, Liên Nghĩa, Mễ Sở.
Đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương duy trì và phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh, với doanh thu từ 800 triệu đồng-1 tỷ đồng/ha/năm.
Ông Đỗ Ngọc Tú cho rằng với độ đô thị hóa nhanh, trong khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày một thu hẹp. Do đó, huyện đã phát triển đồng bộ, nông nghiệp được sản xuất tập trung theo hướng hiện đại, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Tuy nhiên, việc sản xuất, tiêu thụ hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện còn phát triển nhỏ lẻ, tự phát, chưa tương xứng với tiềm năng của nghề trồng hoa, cây cảnh ở địa phương.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung, thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện để người dân thuê đất, chuyển đổi sản xuất để sản xuất cây giống, cây nguyên liệu phục vụ cho các vùng trồng hoa, cây cảnh; đồng thời khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác hoa, cây cảnh để hình thành những chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, giúp sản phẩm hoa, cây cảnh của huyện khẳng định thương hiệu ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các địa phương tạo điều kiện cho nhà vườn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất và thu nhập cho người dân. Qua đó, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện.
Hiện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 7 làng nghề hoa, cây cảnh tại các xã Xuân Quan, Phụng Công, Liên Nghĩa, Thắng Lợi và Mễ Sở (huyện Văn Giang); xã Đông Tảo và Bình Minh (huyện Khoái Châu), với tổng diện tích sản xuất hoa, cây cảnh khoảng 1.200ha.
Các làng nghề hoa, cây cảnh đều có vị trí địa lý thuận tiện kết nối với một số khu, điểm, tuyến du lịch sinh thái. Đây là những tiềm năng lớn để phát triển và tạo liên kết với một số cơ sở đào tạo có chuyên môn cao về hoa, cây cảnh và du lịch trong khu vực.
Tháng 3/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên cũng đã ban hành Quyết định số 589/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án "Phát triển làng nghề hoa, cây cảnh gắn với du lịch nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030."
Tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến năm 2030, tổng doanh thu các làng nghề này đạt trên 5.000 tỷ đồng; đồng thời phát triển đa dạng các hoạt động du lịch gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ tại làng nghề hoa, cây cảnh và phấn đấu đón khoảng 600.000-800.000 lượt khách du lịch./.
Đồng Tháp: Làng trồng hoa giấy Tân Dương tấp nập phục vụ thị trường Tết
Theo nhiều nông dân ở làng nghề hoa giấy Tân Dương (tỉnh Đồng Tháp), hiện tại, tình hình tiêu thụ hoa giấy tăng hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 15-20% nhưng giá bán lại giảm từ 10-15% mỗi chậu.