Hưng Yên: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, gắn với du lịch

Nằm ở trung tâm Đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, tỉnh Hưng Yên có hệ thống Di sản Văn hóa Vật thể và Phi Vật thể phong phú và đa dạng nên có nhiều tiềm năng thu hút du khách, phát triển du lịch.
Hưng Yên: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, gắn với du lịch ảnh 1Đền Mẫu là một trong những di tích nằm trong Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Phố Hiến. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Nằm ở trung tâm Đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, tỉnh Hưng Yên có hệ thống Di sản Văn hóa Vật thể và Phi Vật thể phong phú và đa dạng, mang đậm nét bản sắc văn hóa riêng của tỉnh và Đồng bằng sông Hồng; có nhiều tiềm năng thu hút du khách, phát triển du lịch, mang lại nguồn lợi lớn cho tỉnh.

Quan tâm bảo tồn, lưu giữ các di sản, di tích

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.802 di tích, trong đó có 3 di tích, khu di tích xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt; 175 di tích, cụm di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 260 di tích, cụm di tích xếp hạng cấp tỉnh; 6 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Trong số đó, có những quần thể, cụm di tích có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử có khả năng phục vụ việc phát triển du lịch của tỉnh như Khu Di tích Phố Hiến ở thành phố Hưng Yên; làng Nôm, chùa Nôm ở xã Lạc Đạo, chùa Thái Lạc, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm; đền Đa Hòa ở xã Bình Minh, đền Dạ Trạch, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu; đền An Xá thuộc xã An Viên, huyện Tiên Lữ; đền Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi; cụm di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ; di tích đền Tống Trân thuộc xã Tống Trân, huyện Phù Cừ...

Hưng Yên cũng lưu giữ được kho tàng Văn hóa Phi Vật thể Hưng Yên phong phú với hơn 500 lễ hội truyền thống, trong đó nhiều lễ hội có quy mô lớn, đặc sắc.

Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia; trong đó, có 1 di sản là Nghệ thuật Trình diễn Dân gian Hát Trống quân và 4 di sản là lễ hội truyền thống gồm Lễ hội đền Tống Trân ở xã Tống Trân, huyện Phù Cừ; Lễ hội Cầu mưa thuộc xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm; Lễ hội đền Hóa Dạ Trạch của xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu; và Lễ hội đền Đa Hòa ở xã Bình Minh, huyện Khoái Châu và xã Mễ Sở, huyện Văn Giang.

Tỉnh cũng có 1 Di sản Văn hóa Phi Vật thể đại diện của nhân loại là thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Bên cạnh đó còn có 147 làng nghề truyền thống... Đây là những di sản quý báu, là cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc.

[Làng Nôm - Ngôi làng cổ độc đáo và hấp dẫn ở tỉnh Hưng Yên] 

Để bảo tồn, phát huy các di sản, di tích, tỉnh Hưng Yên hằng năm đã đầu tư tôn tạo, tu bổ các di sản văn hóa; đến nay, hầu hết các di tích trọng điểm của tỉnh Hưng Yên đều đã và đang được tu bổ, tôn tạo hoặc đưa vào danh mục được đầu tư, tôn tạo như trùng tu, tôn tạo các di tích thuộc Dự án Di tích Phố Hiến gồm các di tích: Văn miếu Xích Đằng, chùa Chuông, đình-chùa Hiến, đền Mẫu, đền Thiên Hậu, đền Mây, Đông Đô Quảng Hội, chùa Nễ Châu, đền Lạc Long Quân; di tích đền Đa Hòa; khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác…

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ban hành đề án đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp Quốc gia trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả rõ rệt, kịp thời tu bổ, chống xuống cấp cho các di tích bị xuống cấp nghiêm trọng.

Tổng số di tích được đầu tư chống xuống cấp di tích giai đoạn 2016-2020 là 105 di tích. Ngân sách của tỉnh đầu tư cho 74 di tích xếp hạng Quốc gia; ngân sách cấp huyện, cấp xã và từ các nguồn xã hội hóa khác đầu tư cho 31 di tích xếp hạng cấp tỉnh.

Phó Chủ tịch  tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng cho biết tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 tôn tạo, chống xuống cấp trên 100 di tích xếp hạng quốc gia, xếp hạng cấp tỉnh từ nguồn ngân sách các cấp và huy động từ nguồn xã hội hóa theo mức độ xuống cấp của di tích; công nhận 5 di tích Quốc gia; 30 di tích cấp tỉnh…

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trên cơ sở nguồn kinh phí được Nhà nước hỗ trợ, nhiều địa phương đã huy động được bằng nguồn xã hội hóa đóng góp từ nhân dân, các tổ chức kinh tế-xã hội, các nhà hảo tâm để tu bổ, chống xuống cấp cho di tích. Các nhà hảo tâm, nhân dân địa phương cũng đóng góp hàng trăm tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo, tu sửa trên 100 di tích xếp hạng quốc gia, cấp tỉnh.

Để bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa Phi vật thể, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch kiểm kê và đã hoàn thành kiểm kê Di sản Văn hóa Phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời lựa chọn những Di sản Văn hóa Phi vật thể tiêu biểu để nghiên cứu lưu trữ lâu dài như Lễ hội Đa Hòa-Dạ Trạch, Lễ hội đền Đậu An, Lễ hội đình Quan Xuyên, Lễ hội cầu mưa chùa Thái Lạc, Làng nghề hương xạ Cao Thôn, đúc đồng Lộng Thượng, chạm bạc Huệ Lai… Hát Trống quân Hưng Yên, Lễ hội đền Tống Trân đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa Quốc gia.

Hưng Yên: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, gắn với du lịch ảnh 2Những người con của làng Lộng Thượng luôn tâm niệm phải gìn giữ và phát triển nghiệp truyền thống của cha ông. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Hàng năm, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên phối hợp các địa phương, cơ sở tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật hát Ca trù, Trống quân cho hơn nghìn lượt hạt nhân văn nghệ cơ sở; tổ chức biểu diễn nhiều chương trình đặc sắc giới thiệu nghệ thuật Ca trù, Trống quân, Chầu văn để phục vụ nhân dân; tham gia các hội thi, hội diễn do trung ương tổ chức và đạt thành tích cao.

Phát huy giá trị các di sản, di tích gắn với phát triển du lịch

Để phát huy giá trị các di sản, di tích tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và những giá trị tiêu biểu hệ thống Di sản Văn hóa của tỉnh được triển khai bằng nhiều hình thức: xuất bản ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp và quảng bá qua mạng xã hội; sản xuất phim giới thiệu các di sản văn hóa tiêu biểu; tham gia hội chợ, triển lãm tại các địa phương...

Các ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực, thường xuyên rà soát việc triển khai các dự án, quy hoạch trọng điểm đã được cấp có quyền phê duyệt, hình thành không gian kiến trúc hài hòa, thống nhất là điểm đến hấp dẫn của du khách như Quyết định số 744/QĐ-TTg ngày 27/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gần với phát triển du lịch; Quyết định số 1690/QĐ-UBND ngày 14/7/2021 về Dự án giải phóng mặt bằng mở rộng Văn Miếu Xích Đăng ở phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên…

Một số di tích đã trở thành điểm đến quen thuộc đối với du khách thập phương như Khu di tích Phố Hiến; khu di tích Đa Hòa-Dạ Trạch; di tích đền An Xá (Đậu An); di tích đền Phù Ủng; di tích chùa Nôm, làng Nôm…

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 8/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chương trình Bảo tồn và Phát huy các giá trị Di sản Văn hóa, Di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Hưng Yên: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, gắn với du lịch ảnh 3Chùa Nôm, tên hiệu là “Linh Thông cổ tự.” (Ảnh: Vietnam+)

Nhiều mục tiêu đến năm 2025 đã được ngành Văn hóa và các địa phương hoàn thành như việc triển khai hồ sơ cấp có thẩm quyền xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt đối với cụm Di tích Đa Hòa-Dạ Trạch ở huyện Khoái Châu; 2 di tích Tháp nung và Bệ thờ đất nung của đền An Xá thuộc huyện Tiên Lữ được công nhận là Bảo vật Quốc gia (đạt 100% mục tiêu); 100% Di sản Văn hóa Phi vật thể của tỉnh đã được kiểm kê khoa học; 100% di tích đã được xếp hạng có người trông coi, bảo vệ thường xuyên...

Du khách đến với các di tích trên địa bàn tỉnh Hư­ng Yên có thể cảm nhận được những giá trị về mặt thẩm mỹ thông qua nghệ thuật kiến trúc truyền thống của người Việt đ­ược thể hiện qua kiến trúc của hệ thống di tích nh­ư kiến trúc thời Lý tại chùa H­ương Lãng, thời Trần tại chùa Thái Lạc, thời Lê-Mạc tại chùa Chuông, chùa Nhạn Tháp, đình Đa Ng­ưu, đình Cửu Cao, đình Quan Xuyên, đình Bình Dân, đình Duyên Yên, thời Nguyễn tại Văn Miếu Xích Đằng, chùa Mễ Sở, chùa Phố...

Với những hợp thể hài hòa tuyệt vời giữa cảnh trí thiên nhiên và hình khối kiến trúc cùng các mảng chạm khắc tinh xảo, mỗi ngôi đền, ngôi đình, ngôi chùa là một bảo tàng sống động với rất nhiều cổ vật quý hiếm, mà mỗi cổ vật lại là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Điều đặc sắc là các kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên mang tính dân gian rõ nét, khẳng định những thành tựu truyền thống cổ xư­a và tài năng sáng tạo của các nghệ nhân qua các thời kỳ lịch sử.

Tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật kết hợp phương pháp thi công truyền thống vào việc tu bổ, tôn tạo, phục dựng di tích bảo đảm nguyên tắc tu bổ, phục hồi di tích. Tiếp tục triển khai việc điều tra, sưu tầm, nghiên cứu toàn diện các Di sản Văn hóa Phi vật thể của tỉnh, nhất là những di sản tiêu biểu có nguy cơ bị thất truyền.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá như xây dựng chuyên trang, chuyên mục về Di sản Văn hóa, giới thiệu những giá trị di sản, các tour, tuyến du lịch khai thác di sản; tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quảng bá tiềm năng, giá trị của di sản.

Nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm du lịch độc đáo mang bản sắc của Hưng Yên như du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái cảnh quan đê sông Hồng, du lịch nghỉ dưỡng... Từng bước tạo dựng hình ảnh du lịch của Hưng Yên thông qua hoạt động xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư bằng những chính sách ưu đãi thu hút vốn để phát triển du lịch của tỉnh... đưa Hưng Yên trở thành một trung tâm Di sản Văn hóa Đặc sắc tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.

Với những nỗ lực, cố gắng trong việc khai thác, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể của địa phương để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, năm 2022 và 6 tháng đầu năm nay, số khách du lịch đến với Hưng Yên ước đạt gần 1 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 700 tỷ đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục