Huế ưu tiên thực hiện cấp đổi căn cước khi thay đổi sang thành phố trực thuộc TW

Đối với các loại giấy tờ khác còn lại, Ủy ban Nhân dân đơn vị hành chính mới có trách nhiệm thông báo để người dân chuyển đổi theo quy định (nếu có nhu cầu).
Người dân đạp xe ngang qua Đại Nội Huế. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Thực hiện Nghị quyết số 175/2024/QH15 của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Huế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành kế hoạch và lộ trình triển khai thực hiện nhằm đảm thông suốt các hoạt động khi chuyển sang mô hình chính quyền đô thị mới.

Nghị quyết của Quốc hội thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có diện tích tự nhiên gần 5.000 km2 và quy mô dân số hơn 1,2 triệu người của toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Thành phố có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 quận, 3 thị xã và 4 huyện), 133 đơn vị hành chính cấp xã (78 xã, 48 phường, 7 thị trấn).

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã chủ động thực hiện ngay những công việc: Chủ động khắc đổi dấu cơ quan, đơn vị; thiết kế và in ấn các mẫu hồ sơ, tài liệu, văn bản có tên Thừa Thiên-Huế sang thành phố Huế; thay đổi quy trình hồ sơ thủ tục hành chính, biểu mẫu, đặc biệt là hồ sơ một cửa, phần mềm… tương ứng tên gọi thành phố Huế; gấp rút thực hiện thủ tục thanh quyết toán, hoàn tất hồ sơ giải ngân dự án đầu tư công, ngân sách theo quy định. Các địa phương, đơn vị cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, chuẩn bị phương án về nhân sự, tổ chức bộ máy đảm bảo bố trí kịp thời cho đơn vị, địa phương mới hình thành để đưa vào hoạt động ngay, không để tình trạng bỏ trống, gián đoạn.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật, Ủy ban Nhân dân cấp huyện chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức. Đồng thời chỉ đạo đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phối hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu phí, lệ phí chuyển đổi.

Ưu tiên tiếp nhận, giải quyết thủ tục hồ sơ cấp đổi thẻ căn cước theo yêu cầu của người dân khi thông tin trên thẻ thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính. Đối với các loại giấy tờ khác còn lại, Ủy ban Nhân dân đơn vị hành chính mới có trách nhiệm thông báo để người dân chuyển đổi theo quy định (nếu có nhu cầu).

Trường hợp tổ chức, cá nhân chưa chuyển đổi, các loại giấy tờ cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng…

Tỉnh quy định cụ thể việc bố trí trụ sở làm việc, thống kê, kiểm kê, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác bàn giao, tiếp nhận giữa các đơn vị hành chính cũ và mới hình thành sau sắp xếp.

Quy định việc sắp xếp, bố trí chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với trường hợp dôi dư. Sau khi sắp xếp, địa phương có kế hoạch, lộ trình giải quyết hợp lý số lượng cán bộ, công chức dôi dư, hoàn thành trước ngày 31/12/2029…

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả các Nghị quyết trên, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Việc tổ chức thực hiện phải đảm bảo cho sự hoạt động thống nhất, liên tục của hệ thống chính trị các cấp; không có sự gián đoạn trong hoạt động giữa đơn vị hành chính trước và sau khi được thành lập, không làm ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục