Tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc đang khuyến khích các nhà cung cấp vi phạm luật pháp Mỹ thông qua việc đề nghị những công ty này chuyển hoạt động ra khỏi lãnh thổ Mỹ nhằm tránh các lệnh trừng phạt của Washington.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đưa ra cáo buộc trên trong bối cảnh Mỹ-Trung Quốc đang cố gắng hướng tới một thỏa thuận thương mại cuối cùng.
[Trung Quốc tiếp tục hối thúc Canada trả tự do cho CFO Huawei]
Trong một cuộc phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 3/12, ông Ross nhận định Huawei đang công khai ủng hộ các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất của mình ra nước ngoài để né việc công ty này đã bị Washington đưa vào "danh sách đen."
Theo Bộ trưởng Ross, bất cứ công ty nào chuyển hoạt động sản xuất ra bên ngoài, đặc biệt là để tránh lệnh trừng phạt, là vi phạm luật pháp Mỹ bởi trong trường hợp này, những công ty này đã bị Huawei ảnh hưởng và có hành vi vi phạm pháp luật Mỹ.
Người phát ngôn Huawei Rob Manfredo đã từ chối bình luận về thông tin trên.
Hồi tháng Năm, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liệt Huawei vào "danh sách đen" thương mại, viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia, đồng thời buộc các nhà cung cấp của Mỹ phải xin giấy phép đặc biệt khi bán các thiệt bị công nghệ cho tập đoàn này.
Tuy nhiên, ngày 18/11 vừa qua, Washington đã một lần nữa nhất trí gia hạn việc cấp phép cho một số công ty nước này cung cấp những mặt hàng không nhạy cảm cho Huawei nhằm hỗ trợ cho một số nhà điều phối mạng lưới.
Tuy nhiên, hồi tuần trước, Chính phủ Mỹ để ngỏ khả năng mở rộng quyền hạn nhằm ngăn chặn thêm hoạt động cung cấp các sản phẩm nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ cho tập đoàn Huawei của Trung Quốc thông qua việc điều chỉnh hai quy định chủ chốt, trong đó có Quy tắc "de minimis," vốn để xác định hàm lượng công nghệ Mỹ trong một sản phẩm sản xuất cho nước ngoài có đủ lớn để Washington ngăn chặn việc xuất khẩu hay không.
Hàm lượng công nghệ Mỹ được áp dụng với các sản phẩm công nghệ sản xuất cho Trung Quốc là 25%.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ không nêu rõ thời điểm điều chỉnh những quy tắc này, song nhấn mạnh việc Huawei khuyến khích các nhà cung ứng chuyển hoạt động ra nước ngoài đã làm dấy lên một vấn đề mà Mỹ cần phải giải quyết, đó là việc áp dụng tỷ lệ 25% công nghệ Mỹ có phù hợp với Trung Quốc hay không.
Trong một diễn biến khác, sân bay Vaclav Havel ở thủ đô Praha, Cộng hòa Séc, đã loại 2 công ty Huawei và ZTE của Trung Quốc khỏi danh sách đấu thầu máy quét an ninh. Hành động này được thực hiện theo cảnh báo của Cơ quan An ninh thông tin và mạng quốc gia Séc (NUKIB).
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, ông Roman Pacvon, người phát ngôn của sân bay trên cho rằng mức độ rủi ro trong trường hợp này là không thể chấp nhận được và theo các quy định của Đạo luật An ninh mạng, Séc đã đưa ra quyết định trên.
Trước đó, NUKIB đã cảnh báo không sử dụng phần cứng và phần mềm từ Huawei và ZTE.
Trước cảnh báo này, một số cơ quan thuộc Chính phủ Séc đã hạn chế sử dụng các sản phẩm của 2 doanh nghiệp Trung Quốc, chẳng hạn Tổng cục Tài chính Séc đã loại Huawei khỏi danh sách đấu thầu trang bị cho cổng thông tin thuế./.