Huawei gây chú ý khi đưa ra ý tưởng mạng di động 5,5G

Mạng này về cơ bản là sự nâng cấp của các mạng 5G đang có, qua đó sẽ hỗ trợ sự phát triển của Internet vạn vật (IoT) và cho phép ứng dụng trong các lĩnh vực như xe tự lái.
Ông Wang trình bày ý tưởng mạng 5,5G tại diễn đàn MBB. (Nguồn: Prensalatina)

Hãng tin EPA hôm 14/11 cho biết công ty Huawei vừa đề xuất về một công nghệ di động mới được hãng gọi là “5,5G”. Mạng này về cơ bản là sự nâng cấp của các mạng 5G đang có, qua đó sẽ hỗ trợ sự phát triển của Internet vạn vật (IoT) và cho phép ứng dụng trong các lĩnh vực như xe tự lái.

Tại sự kiện Diễn đàn băng thông rộng di động toàn cầu 2020 (MBBF) tổ chức ở Thượng Hải mới đây, Giám đốc điều hành Huawei David Wang nói rằng mạng 5G sẽ là tiêu chuẩn di động của thế giới trước năm 2030 và nó sẽ tiếp tục được sử dụng cho tới tận năm 2040. “Trong vòng đời mạng 5G, chúng ta cần phải tiếp tục nâng cao khả năng của nó,” ông nói trước các đại biểu, gồm nhiều quản lý cấp cao từ các công ty viễn thông lớn của Trung Quốc, bên cạnh nhiều đối tác khác trong ngành.

Theo Wang, mục tiêu mà công ty ông và nhiều doanh nghiệp hàng đầu khác trên thế giới đặt ra khi phát triển mạng 5G là hỗ trợ Internet vạn vật. Wang nói rằng đến năm 2030, các mạng di động sẽ cung cấp hơn 100 tỷ kết nối và con số này lớn hơn rất nhiều so với 1,3 tỷ kết nối IoT mà chúng ta có ngày nay.

Tuy nhiên vẫn rất khó để đạt được mục tiêu với hệ thống mạng 5G hiện nay do sự thiếu hiệu quả ở nhiều lĩnh vực, đơn cử như tốc độ tải lên. Vì thế, Huawei đưa ra khái niệm mạng 5.5G, đề xuất việc bổ sung thêm ba kịch bản nữa vào nhóm ba kịch bản tiêu chuẩn đã tạo ra các mạng 5G hiện nay gồm eMBB (băng rộng di động nâng cao), URLLC (truyền thông thời gian trễ thấp và tin cậy cực cao) và mMTC (truyền thông máy số lượng lớn).

Ba kịch bản mới mà Huawei đang tìm kiếm sự ủng hộ từ giới trong ngành là UCBC (kết nối tải lên trung tâm băng rộng), RTBC (kết nối băng rộng theo thời gian thực) và HCS (kết hợp kết nối và giác quan).

Hai kịch bản đầu tiên hướng tới các ứng dụng trong ngành 5G, vốn cần một hệ thống mạng tin cậy có thể hỗ trợ một số lượng lớn kết nối cùng lúc và cho phép thực hiện những công việc như điều khiển máy móc từ xa theo thời gian thực.

Cụ thể, UCBC sẽ nâng băng thông và đẩy tốc độ tải lên lớn hơn 10 lần so với hiện nay còn RTBC làm giảm độ trễ của hoạt động kết nối xuống còn dưới 1 mili giây.

Trong khi đó, HCS nhắm tới mục tiêu hỗ trợ hệ thống định vị cho các phương tiện tự hành hoặc thiết bị không người lái.

Ông Wang cũng tiết lộ kế hoạch mở rộng dải tần của các mạng 5G hiện nay để tăng tốc độ tải lên và tải xuống, cũng như kết hợp các mạng di động thế hệ tiếp theo với hàng loạt công nghệ đang được phát triển như trí tuệ nhân tạo.

Do mạng 5G mới chỉ đi vào hoạt động được hơn một năm, Wang cho biết "mạng 5,5G chỉ là một cái tên gọi”. Người ta hoàn toàn có thể gọi nó là mạng 5G+ hay 5G Evo, do nó vẫn phát triển dựa trên mạng 5G hiện có.

Ông cho biết đây sẽ là sự chuyển đổi mượt mà giữa các thế hệ chuẩn di động, theo một cách thức sẽ bảo vệ các khoản đầu tư.

Tuyên bố của Huawei được đưa ra trong bối cảnh 3 công ty lớn gồm Google, Apple và LG Electronics vừa tham gia Liên minh Next G Alliance nhằm xây dựng các mạng 6G của tương lai.

Theo hãng tin Sputnik, nhóm này đã được sự ủng hộ từ nhiều công ty viễn thông Mỹ, Canada, bên cạnh các công ty Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan. Kế hoạch của nhóm là đưa khu vực Bắc Mỹ lên vị trí dẫn đầu trong công nghệ 6G.

Hàng loạt công ty khác như Cisco, Hewlett Packard, Intel, VMware đã gia nhập liên minh, nhưng Huawei không được mời do ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ-Trung.

Mobile World Live cho biết Huawei là một trong những công ty đầu tiên đã đề xuất xây dựng mạng 6G từ năm ngoái./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục