Hứa hẹn tầm nhìn hợp tác công nghệ của nhóm "Bộ tứ mới"

Cuộc họp tháng trước giữa các ngoại trưởng Ấn Độ, Mỹ, Israel và UAE đã gây xôn xao về khả năng xuất hiện một "Bộ tứ mới.'' Tại cuộc họp, khía cạnh công nghệ hứa hẹn tiềm năng hợp tác lớn.
Hứa hẹn tầm nhìn hợp tác công nghệ của nhóm "Bộ tứ mới" ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp với những người đồng cấp UAE, Ấn Độ và Israel, tại Washington D.C., ngày 18/10/2021. (Nguồn: the diplomat.com)

Tờ The Indian Express đăng bài viết của nghiên cứu viên cao cấp Sameer Patil thuộc Ủy ban Ấn Độ về các vấn đề quốc tế với tựa đề “Tầm nhìn hợp tác công nghệ nhóm ‘Bộ tứ mới’ (bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất - UAE, và Israel)", với nội dung như sau:

Cuộc họp tháng trước giữa các ngoại trưởng Ấn Độ, Mỹ, Israel và UAE đã khiến giới chính sách đối ngoại Ấn Độ xôn xao về khả năng xuất hiện một "Bộ tứ mới."

Tại đó, nhóm các ngoại trưởng đã thảo luận về hợp tác công nghệ cùng các dự án hạ tầng chung trong giao thông vận tải, tăng cường hợp tác chính trị, kinh tế và các vấn đề an ninh hàng hải, bên cạnh việc thành lập một diễn đàn quốc tế để hợp tác kinh tế.

Hợp tác dựa trên công nghệ

Trong số tất cả các vấn đề được thảo luận, khía cạnh công nghệ hứa hẹn tiềm năng hợp tác lớn hơn nhiều. Quan hệ đối tác dựa trên công nghệ dường như đang là xu hướng hiện nay, với nhiều quốc gia cùng chí hướng đang thảo luận về cách thức hợp tác trong các công nghệ mới nổi.

Bốn quốc gia có vị trí đặc biệt, do đó việc hình thành mối quan hệ đối tác dựa trên đổi mới có thể kết nối các trung tâm công nghệ của Thung lũng Silicon, Dubai, Tel Aviv và Bengaluru. Sự hợp tác tiềm năng như vậy có thể được hưởng lợi từ xu hướng hợp tác mạnh mẽ hiện có giữa các quốc gia và tập trung vào các công nghệ mới nổi theo các ưu tiên quốc gia tương ứng.

Cùng ngày cũng chứng kiến lĩnh vực khởi nghiệp của Israel và UAE ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ tài chính và bảo mật kỹ thuật số. Thỏa thuận giữa Start-Up Nation Central (tổ chức phi lợi nhuận của Israel kết nối hệ sinh thái công nghệ) và Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (trung tâm tài chính của UAE) sẽ tạo nền tảng thúc đẩy các công ty khởi nghiệp và cung cấp cơ hội tiếp cận thị trường.

Việc ký kết Hiệp định Abraham năm ngoái đã dẫn đến nhiều dự án hợp tác giữa Israel và UAE. Tháng 5/2021, công ty Ecoppia có trụ sở tại Israel, chuyên về công nghệ làm sạch năng lượng Mặt Trời bằng robot, đã ký thỏa thuận sử dụng cơ sở sản xuất ở Ấn Độ cho một dự án ở UAE.

Trong khi đó, Ấn Độ và Mỹ đã hợp tác riêng với hai quốc gia này trong nhiều dự án. Israel, UAE và Mỹ đang hợp tác trong các dự án năng lượng và nước. Với những hợp lực lĩnh vực đổi mới và khởi nghiệp, điều hợp lý là “Bộ tứ mới” hoạt động theo hướng hợp tác dựa trên công nghệ.

Ý nghĩa đối với Ấn Độ

Từ quan điểm của Ấn Độ, những mối quan hệ đối tác như thế này có thể tận dụng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm của Thung lũng Silicon, mối liên kết hữu cơ chặt chẽ của Tel Aviv giữa các công ty khởi nghiệp, ngành công nghiệp và học viện cũng như nguồn tài trợ của UAE và tập trung vào đổi mới.

Với sự kết hợp này, Bengaluru - và có khả năng là Hyderabad - có thể tạo thêm cơ hội mở rộng quy mô và sản xuất vì có nền tảng công nghệ sôi động với nhiều đơn vị quốc phòng khu vực công và cơ sở nghiên cứu, các công ty khu vực tư nhân (bao gồm liên doanh với các công ty Mỹ và Israel) và một số các công ty khởi nghiệp.

[Bước tiến quan trọng trong hợp tác thực chất của nhóm "Bộ Tứ"]

Chương trình hợp tác công nghệ mới có thể bắt đầu bằng cách chọn ba công nghệ - khoa học lượng tử, chuỗi khối và in 3D. Các công nghệ biến đổi này hiện cũng là ưu tiên của bốn quốc gia vì chúng cung cấp các ứng dụng cho truyền thông mã hóa, mật mã, kỹ thuật hàng không vũ trụ và sản xuất.

Cộng đồng khởi nghiệp ở Mỹ, Israel và UAE đã bước vào giai đoạn nghiên cứu và phát triển tiên tiến. Điều này tạo cơ hội để Ấn Độ xây dựng chuyên môn và cung cấp quy mô cho việc phát triển và ứng dụng công nghệ.

Ví dụ, trong lĩnh vực in 3D, sự hợp tác hứa hẹn sẽ thay đổi hoàn toàn quy trình sản xuất, với Israel đã dẫn đầu trong việc sản xuất khoảng 40% máy in 3D trên toàn thế giới. Tương tự như vậy, Phòng thí nghiệm Công nghệ Immensa có trụ sở tại Dubai nổi lên như một công ty tiên phong trong lĩnh vực in 3D trong khu vực.

Ngược lại, Ấn Độ lại chậm chân trong việc tham gia vào lĩnh vực in 3D. Tuy nhiên, nước này chắc chắn có thể được hưởng lợi từ chuyên môn của Mỹ, Israel và UAE. Viện Đổi mới Công nghệ của Abu Dhabi đang chế tạo máy tính lượng tử đầu tiên của UAE. Israel và Mỹ cũng đã ưu tiên nghiên cứu công nghệ lượng tử bằng cách phân bổ lần lượt 91 triệu USD và 1,2 tỷ USD cho lĩnh vực này.

Những “gã khổng lồ” công nghệ IBM và Google đã đạt được những bước đột phá thông qua máy tính lượng tử. Ấn Độ cũng đang nhanh chóng bắt kịp thông qua Sứ mệnh Quốc gia về Công nghệ và Ứng dụng Lượng tử và bắt tay với các quốc gia như Pháp để nghiên cứu về công nghệ này.

Tương tự như vậy trong lĩnh vực công nghệ blockchain, Ấn Độ và UAE có thể tận dụng chuyên môn của Mỹ và Israel về không gian mạng và mật mã để tạo ra các ứng dụng tùy chỉnh và sử dụng trong ngân hàng, tài chính công nghệ và tài trợ thương mại. Điều này có thể góp phần giảm chi phí quản lý và giao dịch.

Khả năng hợp tác và tùy biến được cung cấp bởi các công nghệ này là vô tận. Hơn nữa, tính chất lưỡng dụng của chúng có thể mang lại tlợi thế công nghệ cho quân đội bốn nước. Đổi lại, điều này có thể làm tăng thêm yếu tố hợp tác bảo mật vào chương trình làm việc của nhóm.

Hứa hẹn tầm nhìn hợp tác công nghệ của nhóm "Bộ tứ mới" ảnh 2Cuộc họp trực tuyến của các ngoại trưởng của "Bộ tứ mới." (Nguồn: economictimes.indiatimes.com)

Nếu bốn quốc gia kết hợp hệ sinh thái đổi mới vào danh sách rút gọn, cấp vốn và phát triển công nghệ, thì điều đó cũng sẽ giúp mở rộng cơ sở hợp tác thay vì chỉ giới hạn trong phạm vi giữa chính phủ với chính phủ - điều mà ngay cả các Ngoại trưởng cũng nêu bật sự tương tác sau cuộc họp của nhóm.

Có thể thấy, sự thúc đẩy của chính phủ sẽ là chất xúc tác thiết yếu để mở ra không gian hợp tác thông qua tài trợ hạt giống, hợp tác học thuật, đối tác công nghiệp và Biên bản ghi nhớ (MoU). Nhưng một khi được khởi xướng, các kết nối hữu cơ giữa các hệ sinh thái đổi mới này sẽ quyết định bản chất và quỹ đạo của mối quan hệ đối tác này.

Với tốc độ chóng mặt của tiến bộ công nghệ, một nỗ lực quốc gia đơn lẻ trong việc phát triển và áp dụng những công nghệ biến đổi này sẽ không dẫn đến kết quả tối ưu. Mỹ, mặc dù là nước chi tiêu nhiều nhất thế giới cho nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ quốc phòng, không còn được hưởng lợi thế dẫn đầu về công nghệ tuyệt đối như trước đây.

Bằng cách hợp tác với Nga và các sáng kiến hàng đầu trong nước như “Made in China 2025,” Trung Quốc đã theo đuổi các công nghệ mới nổi và thành công trong việc giảm khoảng cách năng lực với Mỹ. Trong một số trường hợp, trên thực tế, Trung Quốc đã đạt được lợi thế cạnh tranh.

Do đó, những phát triển này khiến Mỹ, Israel, UAE và Ấn Độ nhất thiết phải tăng cường mối quan hệ hợp tác mới được thiết lập của họ. Mỗi quốc gia với lợi thế riêng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp có thể đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy các mục tiêu công nghệ chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục