Ngày 6/1, Ngân hàng HSBC tại Việt Nam đã công bố bản báo cáo kinh tế vĩ mô, trong đó, ngân hàng này dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016 này sẽ vẫn ở mức 6,7%. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng lưu ý Ngân hàng Nhà nước sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay.
Nhìn nhận lại nền kinh tế Việt Nam, nhóm nghiên cứu cho rằng, nền kinh tế đã đạt được thành quả tốt trong năm 2015; GDP tăng 6,7% - mức tăng nhanh nhất trong vòng tám năm qua, trong khi lạm phát đã tăng chậm lại chỉ còn 0,6%. HSBC vẫn duy trì mức dự báo tăng trưởng trong năm 2016 đạt 6,7% khi nhu cầu trong nước và xuất khẩu đều vẫn mạnh.
Tuy nhiên, với những hiệu ứng cơ bản từ việc ổn định giá dầu và lạm phát giá thực phẩm có thể quay lại, dự đoán lạm phát toàn phần sẽ tăng 3% vào nửa đầu năm so với cùng kỳ và tăng 5,1% vào nửa cuối năm 2016, vượt mức mục tiêu do Ngân hàng Nhà nước đề ra.
Các chuyên gia của HSBC nhận xét, Việt Nam còn rất lớn tiềm năng tăng trưởng và hãng lạc quan về triển vọng ngắn hạn cho nền kinh tế.
"Chúng tôi giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,7% so với cùng kỳ, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ. Chúng tôi nâng mức dự báo năm 2017 lên thêm 0,1 điểm phần trăm thành 6,8% so với cùng kỳ," báo cáo nêu.
Với mức tăng trưởng đã chuyển hẳn sang 6-7%, HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tăng trở lại trong nửa sau của năm 2016 và dự kiến vượt qua mức mục tiêu đề ra 5%. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải thực hiện chính sách thắt chặt, song về phần mình, Ngân hàng Nhà nước có vẻ khá thư giãn về vấn đề giá cả trong tương lai.
Cũng theo HSBC, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã giải thích rằng Ngân hàng Nhà nước đã dự định giữ mức lãi suất chính sách ổn định ở mức hiện tại nếu như lạm phát được giữ ở khung 3-5%. Ngân hàng Nhà nước cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm lên 18% so với cùng kỳ, mặc dù con số này có thể đạt mức cao nhất 20%.
Theo đó, HSBC nhận định: ngay cả khi tăng trưởng tín dụng được giám sát ở mức thấp hơn mục tiêu đề ra và lạm phát cơ bản được kiềm chế (do giá cả hàng hóa có mức lạm phát chậm hơn), Ngân hàng Nhà nước nên thận trọng để bắt đầu thực hiện việc thắt chặt dần dần trong nửa cuối năm nay để giảm thiểu rủi ro của những vấn đề khác. Điều này đặc biệt đúng trong việc xem xét những mất cân đối bên ngoài của Việt Nam mà dự báo trong năm nay sẽ còn mở rộng.
Các chuyên gia của HSBC lưu ý: “Trong quá khứ, Việt Nam đã chủ trương áp dụng chính sách ủng hộ tăng trưởng mà kết quả là bùng nổ tín dụng và một nền kinh tế quá nóng. Hậu quả quả là Việt Nam đã đi đến tình trạng bất ổn tiền tệ và đòi hỏi chính sách thắt chặt mạnh để xoay chuyển tình thế. Chính vì vậy, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển sang phương thức thắt chặt trong năm nay, áp dụng mức tăng đầu tiên 50 điểm trong quý 3/2016.”
Cũng theo báo cáo này, ngân hàng HSBC nhận định cùng với việc thâm hụt thương mại mở rộng, tiền đồng và dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang chịu áp lực ngày càng lớn. Cặp tỷ giá VND/USD đang được giao dịch ở ngưỡng cao của biên độ cho phép. Đồng nhân dân tệ ngày càng yếu đi đã làm tăng áp lực lên tiền đồng.
"Khi nguồn dự trữ ngày càng mỏng, tính theo giá trị nhập khẩu đã giảm còn 2,1 tháng vào quý 3/2015, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ giảm dần can thiệp và cho phép tiền đồng giảm giá thêm nữa trong những tháng tới," HSBC nhận định. Trên thực tế, chỉ trong ngày 4/1/2016, một cơ chế điều chỉnh tỷ giá mới đã được thiết lập cho phép tỷ giá được biến động linh hoạt theo thị trường.
Song, báo cáo cũng nhấn mạnh tăng trưởng Việt Nam sẽ gặp nhiều trở ngại nếu không thực hiện thành công cải cách. Tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước là cần thiết để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Cải cách khu vực tài chính phải được đào sâu thêm nữa và việc quản trị cần được củng cố để cải thiện việc phân bổ tín dụng, nếu không sẽ dẫn đến kích hoạt một chu kỳ bùng nổ và phá sản trong tương lai./.