HSBC: Việt Nam đang trên đà chứng kiến sự bùng nổ về ngành du lịch

HSBC: Nền kinh tế Việt Nam kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ trong quý 4

Do nền kinh tế Việt Nam đã nhìn thấy một số tín hiệu phục hồi vốn đang rất cần thiết, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và du lịch. Vì vậy HSBC duy trì dự báo tăng trưởng năm 2023 ở mức 5,0%,
HSBC: Nền kinh tế Việt Nam kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ trong quý 4 ảnh 1Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang phục hồi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 12/10, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu Ngân hàng HSBC công bố báo cáo “Vietnam At A Glance” với điểm đáng chú ý khi ngân hàng này duy trì dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam ở mức 5,0%, kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ trong quý 4.

Sau giai đoạn chạm đáy

Theo nội dung của báo cáo, sau nửa đầu năm khó khăn, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cuối quý 3 khá tốt là 5,3%, vượt xa kỳ vọng của thị trường (HSBC: 4,8%; Bloomberg: 5,0%).

Bên cạnh đó là sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Mặc dù vẫn còn quá sớm để có thể coi đây là một sự phục hồi đáng kể trong chu kỳ thương mại toàn cầu, lĩnh vực thương mại của Việt Nam gần đây đã ghi nhận sự phục hồi vốn rất cần thiết. Mặc dù một phần là do hiệu ứng cơ sở thấp, xuất khẩu chứng kiến tăng trưởng lần đầu tiên sau hơn 6 tháng, giúp làm dịu tình trạng sụt giảm xuất khẩu nghiêm trọng từ mức hai con số trong 6 tháng đầu năm xuống dưới 2% so với cùng kỳ trong quý 3. Trong khi tình trạng suy yếu xuất khẩu vẫn còn duy trì ở hầu hết các ngành hàng, riêng máy tính và nông sản tăng trưởng khá tốt có thể bù đắp cho một số rủi ro.

[MPI: Nhiều thách thức để hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP từ 5-6%]

Xu hướng này cũng được phản ánh trong tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác thương mại lớn. Mặc dù xuất khẩu sang Mỹ (30% thị phần) và EU (15% thị phần) vẫn chưa thấy được sự chuyển biến nhưng cũng đã ngưng sụt giảm thêm. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc (15% thị phần) liên tục tăng trưởng ở mức hai con số, phần lớn nhờ vào mức tăng trưởng ấn tượng của các mặt hàng nông sản.

“Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, Việt Nam dường như vẫn trên đà phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn cần theo dõi sát sao rủi ro lạm phát,” chuyên gia HSBC nhận định.

Cũng theo HSBC, bất chấp những thách thức mang tính chu kỳ trong thương mại, triển vọng FDI dài hạn của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng. Mặc dù FDI đã giảm so với đỉnh năm 2017, một phần do bối cảnh tiền tệ toàn cầu thắt chặt hơn, Việt Nam vẫn là quốc gia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI, chỉ đứng sau Malaysia. Lĩnh vực sản xuất chiếm phần lớn vốn FDI, mang lại niềm hy vọng Việt Nam có thể tiến lên trong chuỗi giá trị, chuẩn bị cho một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ khi chu kỳ thương mại đổi chiều.

"Luồng FDI mới tiếp tục đổ vào lĩnh vực sản xuất, tính đến thời điểm này đã vượt mức tổng FDI mới của từng năm trong ba năm qua," chuyên gia HSBC nhấn mạnh.

Khách du lịch tăng trở lại

Ngoài sản xuất, HSBC cho biết dịch vụ vẫn là nền tảng cho sự tăng trưởng của Việt Nam. Nhìn sơ bộ, các lĩnh vực có mức tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ năm trước đều liên quan đến du lịch. Xét trên diện rộng, ASEAN đã chứng kiến lượng khách du lịch quay trở lại khoảng 60%-80% so với mức của năm 2019, trong đó tốc độ phục hồi của Việt Nam đang tiến gần đến mốc 70% trong tháng Chín. Bất chấp một số biến động hàng tháng về dữ liệu du lịch, tính đến tháng Chín, Việt Nam đã đón 8,9 triệu khách du lịch buộc các cơ quan quản lý phải nâng chỉ tiêu cả năm lên 13 triệu lượt khách, từ mức 8 triệu trước đó. Trong bối cảnh mùa Đông sắp diễn ra ở khu vực Bắc bán cầu và với quy định nới lỏng thị thực gần đây, Việt Nam có vẻ đang trên đà tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ về du lịch.

HSBC: Nền kinh tế Việt Nam kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ trong quý 4 ảnh 2Du khách quốc tế thăm quan tại Ninh Bình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, chuyên gia HSBC cũng cho rằng bức tranh du lịch khá đa chiều. Khách Hàn Quốc, Mỹ gần như đã quay trở lại bình thường nhưng lượng khách châu Âu mới chỉ phục hồi được 70% so với năm 2019. Mặc dù lượng du khách Trung Quốc giảm từ 44% trong tháng Tám xuống chỉ còn 29% trong tháng Chín, có thể phản ánh sự biến động dữ liệu hàng tháng nhưng Việt Nam vẫn đi sau so với các nước trong khu vực như Singapore (54%) và Malaysia (47%).

Cùng chứng kiến lượng khách du lịch Trung Quốc sụt giảm, Thái Lan đã công bố miễn thị thực 5 tháng kể từ cuối tháng Chín. Quyết định này đã ngay lập tức mang lại kết quả: lượng đặt chỗ du lịch đến Thái Lan đã tăng vọt với tỷ lệ đáng kinh ngạc là 6000%, theo dữ liệu của Ctrip, mặc dù vụ nổ súng gần đây làm dấy lên câu hỏi về mức độ bền vững của sự phục hồi. Trong khi Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia đi đầu khu vực trong việc thúc đẩy khôi phục các chuyến bay trực tiếp với Trung Quốc (52%), cuộc cạnh tranh để thu hút nguồn khách du lịch lớn nhất rõ ràng đã trở nên gay gắt hơn.

Kỳ vọng lãi suất không giảm

Bên cạnh những tin tức tốt về tăng trưởng, các chuyên gia của HSBC cảnh báo, các rủi ro về lạm phát cũng xuất hiện. Trong khi lạm phát tháng Chín được kiềm chế ở mức 3,7%, dưới mức trần 4,5% của Ngân hàng Nhà nước, lạm phát liên tục nhích lên làm dấy lên mối lo ngại. Một mặt, giá thực phẩm đã tăng khoảng 3% so với tháng trước trong hai tháng liên tiếp, đẩy lạm phát so với cùng kỳ năm trước vượt quá 10%.

Trong khi thương mại của Việt Nam được hưởng lợi từ giá gạo cao hơn, giá cả quốc tế đã đẩy giá hàng hóa thiết yếu trong nước tăng cao. Trong khi đó, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động gần đây trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Không chỉ chi phí vận tải lần đầu tiên trong một năm đã ngưng giảm so với cùng kỳ năm trước mà giá khí đốt trong nước cũng tăng đáng kể.

HSBC: Nền kinh tế Việt Nam kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ trong quý 4 ảnh 3chuyên gia HSBC cho biết không còn kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Mặc dù chúng tôi không kỳ vọng những diễn biến gần đây sẽ đẩy lạm phát bình quân vượt mức trần 4,5% của Ngân hàng Nhà nước nhưng tình thế "họa vô đơn chí" này gây ra rủi ro gia tăng đáng kể. Chúng tôi đã điều chỉnh dự báo lạm phát hàng quý và nâng nhẹ dự báo lạm phát bình quân lên 3,4% (trước đó 3,2%) cho năm 2023,” HSBC nhấn mạnh.

Vì vậy, chuyên gia HSBC cũng cho biết không còn kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Theo quan điểm của HSBC, các điều kiện trước đây đảm bảo cho việc cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nữa đã không còn quá trình phục hồi đang diễn ra trong khi lạm phát và áp lực ngoại tệ đang gia tăng.

“Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% cho đến cuối năm 2024, trừ khi có các cú sốc từ bên ngoài. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng không kỳ vọng chuyện tương tự tháng 10/2022 lại xảy ra, khi tỷ giá USD-VND tăng liên tục buộc Ngân hàng Nhà nước phải mạnh tay tăng lãi suất. Nguyên nhân là do các điều kiện kinh tế vĩ mô của VND đã được cải thiện,” chuyên gia HSBC khẳng định.

Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam đã nhìn thấy một số tín hiệu phục hồi vốn đang rất cần thiết, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và du lịch. Vì vậy HSBC duy trì dự báo tăng trưởng năm 2023 ở mức 5,0%, kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ trong quý 4./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục