Trong khi đa số các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi suy thoái thương mại toàn cầu trong năm nay, xuất khẩu nông sản mặc dù chỉ chiếm 10% nhưng đã bất ngờ vươn lên bất chấp nghịch cảnh, trở thành điểm sáng duy nhất trong bức tranh xuất khẩu chung.
Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo nghiên cứu “Vietnam at a glance: Xuất khẩu nông sản vững vàng "giữ thành".”
Nhu cầu hàng hóa từ các nước phương Tây sụt giảm dẫn tới các mặt hàng chủ đạo của Việt Nam xuất đi, từ điện tử tiêu dùng và may mặc/da giày đến đồ nội thất gỗ và máy móc, đều rơi vào tình trạng ảm đạm. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu nông sản vẫn giữ được đà tăng trưởng bất chấp bối cảnh sụt giảm thương mại.
[Nhiều "điểm sáng," xuất khẩu nông nghiệp hướng tới mục tiêu 55 tỷ USD]
Đặc biệt, có tới 1/3 lao động của Việt Nam vẫn tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp nên mặc dù chỉ chiếm khoảng 10% tổng GDP nhưng vai trò của lĩnh vực này không thể xem nhẹ.
Các chuyên gia của HSBC cho rằng Việt Nam đã được hưởng lợi đáng kể từ cơ cấu đa dạng trong danh mục xuất khẩu nông sản. Với nguồn tài nguyên dồi dào, Việt Nam tận hưởng một nền tảng nông nghiệp đa dạng. Thủy sản chiếm gần 40% trong cơ cấu xuất khẩu nông nghiệp, sau đó là tới cà phê Robusta (14%), gạo (12%) và trái cây/rau củ (11%).
Đặc biệt, Việt Nam có chiến lược đa dạng hóa xuất khẩu. Thay vào chỉ tập trung vào gạo, Việt Nam đã chủ động canh tác trái cây và rau củ để xuất khẩu, điều này đã giúp xuất khẩu nông sản vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt.
Theo các chuyên gia của HSBC, Trung Quốc là một quốc gia nhập khẩu quan trọng đối với mặt hàng gạo và thủy sản của Việt Nam, quốc gia này chiếm tỷ trọng chính lên đến 65% thị phần trái cây, rau củ của Việt Nam, điều này lý giải vì sao thị phần đã tăng gấp ba lần trong thập kỷ qua.
Sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, xuất khẩu trái cây nhiệt đới của Việt Nam đã tăng đáng kể, một phần để hưởng ứng nghị định thư ký kết giữa hai nước trong năm 2022. Hiện nay, 80% thanh long và 90% vải thiều của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đặc biệt, niềm yêu thích mới của người tiêu dùng Trung Quốc dành cho sầu riêng đã mang lại lợi ích đáng kể cho hoạt động xuất khẩu sầu riêng ở ASEAN. Việt Nam đã đạt mức xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc cao kỷ lục (tăng 1.400% so với cùng kỳ năm trước) tính đến quý 3/2023, kết quả này đảm bảo cho sầu riêng vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Việt Nam với tỷ trọng lên đến gần 40%.
Không chỉ xuất khẩu trái cây đang bùng nổ. Là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Ấn Độ (40%) và Thái Lan (15%), Việt Nam (13%) đã được hưởng lợi đáng kể từ cuộc chạy đua giá gạo gần đây trên thị trường gạo toàn cầu. Kể từ tháng 7/2023, giá xuất khẩu tiêu chuẩn của gạo Thái Lan đã tăng 40% so với cùng kỳ năm trước lên mức cao nhất trong vòng 15 năm, một phần do lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ đối với một số sản phẩm gạo và gián đoạn thời tiết. Những diễn biến này dẫn đến xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù cơ hội mở ra, Việt Nam vẫn đang phải tìm cách cân bằng nhu cầu an ninh lương thực trong nước với nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng. Việt Nam giữ mức dự báo cẩn trọng có thể xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo trong năm nay, nghĩa là tăng tối đa cũng chỉ là 14% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia của HSBC nhận định trong một năm đầy thách thức như năm 2023, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã vươn lên bất chấp nghịch cảnh. Mặc dù tỷ trọng dưới 10% trong tổng danh mục xuất khẩu không bù đắp được hết cho tất cả những trở ngại thương mại nhưng xuất khẩu nông sản chắc chắn giúp làm dịu bớt tình hình.
Trong thời gian tới, điều quan trọng là Việt Nam phải tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) và tập trung đưa sản phẩm xuất khẩu đạt các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao hơn nữa tiềm năng thị trường./.