Họp TPP tại Hà Nội: Nhật Bản theo đuổi TPP mà không có Mỹ

Giới chức Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đã bắt đầu mở đường cho việc hiện thực hóa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho dù không có sự tham gia của Mỹ.
Họp TPP tại Hà Nội: Nhật Bản theo đuổi TPP mà không có Mỹ ảnh 1Bộ trưởng Chính sách Tài chính và Kinh tế Nhật Bản Nobuteru Ishihara. (Nguồn: The Japan Times)

Theo hãng thông tấn Kyodo, giới chức Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đã bắt đầu mở đường cho việc hiện thực hóa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) theo đó thiết lập các quy định "cấp cao" về thương mại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho dù không có sự tham gia của Mỹ.

Theo nguồn tin trên, các bộ trưởng 11 nước tham gia đàm phán TPP dự kiến có cuộc họp bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sắp tới tại Việt Nam.

Trước thềm cuộc họp, Bộ trưởng Chính sách Tài chính và Kinh tế Nhật Bản Nobuteru Ishihara ngày 19/5 đã có các cuộc thảo luận song phương với các đối tác Việt Nam, Peru, Mexico để giải thích về lập trường của Tokyo thúc đẩy đạt được một sự đồng thuận nhất định giữa các nước đàm phán TPP về cách thức duy trì sự tồn tại của hiệp định.

[Bộ trưởng 11 nước tham gia TPP họp tại Hà Nội vào cuối tuần này]

Phát biểu với báo giới, ông Ishihara cho biết Nhật Bản sẽ theo đuổi việc thực thi sớm TPP mà không có sự tham gia của Mỹ, cam kết Nhật Bản sẽ đóng vai trò đi đầu trong việc đưa ra đường hướng rõ ràng cho hiệp định thương mại tự do lớn này.

Theo ông Ishihara, TPP không những mang lại lợi ích về kinh tế mà còn có tầm quan trọng chiến lược.

TPP được ký hồi tháng 2/2016 bởi 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, sau khi đạt thỏa thuận về hiệp định này vào tháng 10/2015.

Hiện hiệp định đang trong giai đoạn 2 năm chờ quốc hội các nước ký kết phê chuẩn. Tuy nhiên, quá trình này rơi vào khó khăn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định thương mại mang tính lịch sử này. Đến nay chỉ có Nhật Bản và New Zealand  phê chuẩn hiệp định.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 19/5, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed cho biết với việc Mỹ rút khỏi TPP, cần phải đàm phán lại nếu các bên tiếp tục theo đuổi hiệp định không có sự tham gia của Mỹ.

Ông cho biết hiện Chính phủ Malaysia dành ưu tiên cho việc hoàn tất các cuộc thương lượng về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục