Hợp tác ứng phó COVID-19 và thúc đẩy phục hồi vì một Cộng đồng ASEAN

Ngày 20/4, Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Cuộc họp lần 8 Nhóm Công tác liên ngành ASEAN về ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp, Hội nghị tham vấn chung ASEAN.
Hợp tác ứng phó COVID-19 và thúc đẩy phục hồi vì một Cộng đồng ASEAN ảnh 1Trưởng SOM các nước ASEAN. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 21/4, thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN Việt Nam dẫn đầu đoàn Việt Nam đã tham dự Cuộc họp lần thứ 8 Nhóm Công tác liên ngành ASEAN về ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp (ACCWG-PHE) và Hội nghị tham vấn chung ASEAN (JCM) diễn ra ngày 20/4.

Các Hội nghị được tổ chức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Campuchia, nước Chủ tịch ASEAN năm 2022, với sự tham dự của quan chức các nước ASEAN trong các kênh hợp tác chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và y tế.

Điểm lại tình hình hợp tác ứng phó COVID-19, Nhóm Công tác liên ngành ASEAN về ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh và chính sách mở cửa trở lại của đa số các nước thành viên.

Nhóm Công tác đã rà soát tiến độ triển khai Khung Phục hồi tổng thể ASEAN, nhận định đà hồi phục tiếp tục được duy trì với các ngành dẫn dắt là nông nghiệp, xây dựng, sản xuất và công nghệ thông tin. Cuộc họp hoan nghênh sáng kiến xây dựng Cổng Thông tin điện tử ASEAN về Chứng thực chứng nhận Vaccine nhằm chuẩn hóa quy trình chứng thực, tạo thuận lợi cho đi lại của người dân trong khu vực.

Các đại biểu đánh giá cao cam kết đóng góp dành cho Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 đến nay đạt 30 triệu USD, trong đó một phần đã được giải ngân để mua vaccine cho các nước thành viên. Nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục sử dụng Quỹ để mua vaccine, thiết bị y tế và bộ xét nghiệm, nghiên cứu, và nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống dịch bệnh.

Kho dự trữ vật tư y tế ASEAN đã ghi nhận danh mục vật tư cam kết đóng góp của Việt Nam, Thái Lan và Singapore và tiếp tục khuyến khích đóng góp từ các nước, đối tác. Cuộc họp đề nghị các Quan chức y tế ASEAN tiếp tục trao đổi, sớm thống nhất việc thành lập và vận hành Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế cộng cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED).

Tại Hội nghị Tham vấn chung ASEAN (JCM), các nước tập trung thảo luận tình hình xây dựng Cộng đồng ASEAN, phối hợp trong các vấn đề liên ngành, liên trụ cột, và hợp tác giữa ASEAN với các đối tác.

Với chủ đề của năm 2022 là “ASEAN Hành động-Chung tay ứng phó thách thức,” Chủ tịch Campuchia ưu tiên thúc đẩy phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới, củng cố giá trị và bản sắc ASEAN, nâng cao chất lượng y tế và bảo trợ xã hội cho người dân.

[Thái Lan xem xét nới lỏng hơn nữa các hạn chế về nhập cảnh]

Các nước hoan nghênh các sáng kiến của Chủ tịch ASEAN và cam kết tiếp tục dành ưu tiên cao cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Nhiều nội dung hợp tác quan trọng được quan tâm thảo luận như Chiến lược Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Kết nối ASEAN, Sáng kiến Lá chắn ASEAN về ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu, Kế hoạch Tổng thể về lồng ghép quyền của người khuyết tật.

Cuộc họp cũng hoan nghênh Nhóm Đặc trách cao cấp (HLTF) về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 đã bước đầu thảo luận định hướng tăng cường liên kết của ASEAN.

Chia sẻ nhận thức chung về sự gắn kết ngày càng mật thiết giữa nhiều nội dung hợp tác, các đại biểu nhấn mạnh cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, đề xuất một số vấn đề cần chú trọng thời gian tới như kinh tế tuần hoàn, trung hòa carbon, kinh tế biển xanh, an ninh biển, tội phạm mạng, tội phạm môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp...

Các nước nhất trí tăng cường phối hợp liên ngành và liên trụ cột, trong đó có việc xác định cơ quan chủ trì cho từng vấn đề. Cuộc họp đã nghe báo cáo cập nhật của Ban Thư ký ASEAN về hợp tác giữa ASEAN với các đối tác theo lĩnh vực và đối tác phát triển, gồm Na Uy, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Đức, Pháp, Italia và Chile.

Phát biểu tại các hội nghị, Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam hoan nghênh kết quả triển khai các sáng kiến ứng phó COVID-19, đề nghị sớm vận hành Cổng Thông tin điện tử ASEAN về Chứng thực Chứng nhận vắc-xin và xem xét mở rộng phạm vi áp dụng với các đối tác của ASEAN để thúc đẩy giao thương, đi lại, du lịch cả trong và ngoài khu vực.

Chia sẻ bài học của đại dịch COVID-19 về năng lực ứng phó và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, Đại sứ Vũ Hồ đề nghị nâng cao nhận thức của công chúng về phòng, chống dịch bệnh thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng và phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Đại sứ cũng đề nghị các Quan chức y tế ASEAN tích cực thảo luận và tham vấn, thúc đẩy sớm thành lập và đưa Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế cộng cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi vào hoạt động, hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực dự phòng, kiểm soát và ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp.

Về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, Đại sứ Vũ Hồ tái khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với các ưu tiên của Chủ tịch Campuchia, đánh giá cao nỗ lực của Nhóm Đặc trách cao cấp về xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025. Đại sứ đề nghị Nhóm Đặc trách cao cấp phối hợp chặt chẽ với cả ba trụ cột Cộng đồng và bám sát lộ trình công tác để bảo đảm tiến độ và hiệu quả công việc.

Tiếp nối Diễn đàn cấp cao ASEAN lần thứ nhất về hợp tác tiểu vùng do Việt Nam tổ chức tháng 10/2021, Đại sứ bày tỏ hy vọng Diễn đàn lần thứ 2 sẽ được tổ chức trong năm nay, tạo cơ hội trao đổi sâu rộng về tăng trưởng bền vững và bao trùm ở các tiểu vùng, góp phần vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục