Theo trang mạng orfonline.org, sau khi Ấn Độ mạnh dạn cấm 59 ứng dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc và thúc đẩy chiến dịch kinh tế ngày càng mạnh mẽ nhằm vào Bắc Kinh, có ý kiến cho rằng giới hoạch định chính sách tại Washington nên bắt đầu để tâm đến việc liệu hai nền dân chủ hàng đầu thế giới Mỹ và Ấn Độ có thể cùng nhau đối trọng toan tính xâm lược lãnh thổ và những tham vọng chiến lược trong không gian mạng của Trung Quốc hay không.
Lệnh cấm mà New Delhi mới ban hành, hành động được cho là để đáp trả những vụ đụng độ gần đây ở Ladakh, được dư luận Ấn Độ so sánh như một “cuộc không kích số,” và nhận được sự hoan nghênh của các học giả cũng như chính trị gia địa phương.
Tuy nhiên, những nhà phân tích đã nghiên cứu về lệnh cấm và những tác động đối với doanh nghiệp Trung Quốc lại cho rằng tất cả về cơ bản chỉ là hình thức.
Dù lệnh cấm của Ấn Độ sẽ tác động đến thị phần của các doanh nghiệp Trung Quốc trong dài hạn, song thiệt hại về doanh thu sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn- ước tính nhà sở hữu TikTok là ByteDance sẽ mất khoảng 5,8 triệu USD doanh thu hàng năm trong tổng số doanh thu toàn cầu lên tới 17 tỷ USD vào năm 2019.
Hơn thế nữa, lệnh cấm cũng không mấy ảnh hưởng hay có thể đảo ngược vị thế thâu tóm của Trung Quốc trong những khu vực quan trọng của hệ sinh thái số, như điện thoại thông minh, nơi các nhãn hàng như Xiaomi, Oppo, Vivo, Oneplus và RealMe chiếm tới 80% thị phần.
[Hàn thử biểu cho mối quan hệ Mỹ-Ấn Độ]
Sự thật đáng buồn là ngay cả khi Ấn Độ quyết tâm tìm cách kiềm chế sự thao túng Trung Quốc trong không gian số thì việc đối trọng với sức ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc đối với thị trường nội địa cũng sẽ gặp phải không ít thách thức. Và đó là lý do vì sao lựa chọn tối ưu nhất cho New Delhi chính là kết thân với những đối tác đáng tin cậy.
Xét đến thực tế này, đây có thể được xem là cơ hội đối với Mỹ. Liệu Washington có thể đủ linh hoạt và đủ tầm nhìn chiến lược để ủng hộ Ấn Độ trong giai đoạn khủng hoảng cũng như thúc đẩy cuộc đối đầu với Bắc Kinh trong không gian số hay không?
Những hỗ trợ mà Mỹ dành cho Ấn Độ trước hết nên là nhằm tăng cường năng lực đối trọng cho Ấn Độ, để từ đó khiến Bắc Kinh phải trả giá cho những hành vi hung hăng hay các toan tính xâm lược lãnh thổ. Lệnh cấm mà Ấn Độ mới ban hành có thể được xem là bước khởi đầu cho những nỗ lực này.
Washington có thể cấm- và khuyến khích các đồng minh cũng như đối tác có động thái tương tự- đối với những ứng dụng của Trung Quốc mà họ cùng chia sẻ quan ngại an ninh như của Ấn Độ.
Quan trọng hơn, Mỹ có thể làm việc cùng các đối tác và đồng minh để mở rộng phạm vi lệnh cấm bên ngoài những ứng dụng này, hoặc mở rộng ra với cả các mối liên kết khác trong chuỗi giá trị số.
Những nỗ lực này có thể dựa trên nền tảng chiến dịch mà Chính quyền của Tổng thống Trump đang thực hiện nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei tiếp cận mạng lưới 5G trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, thay vì vận dụng cùng những chiến thuật gây áp lực, Washington có thể phối hợp tạo dựng bối cảnh chính trị và điều kiện để củng cố năng lực, giúp Ấn Độ cùng các đồng minh khác đủ sức đối phó với Huawei, ZTE, cũng như tự bảo vệ các lợi ích chủ quyền.
Những biện pháp cứng rắn trong không gian số của Ấn Độ nhiều khả năng sẽ kích động sự trả đũa của Trung Quốc trong những ngày tới, nhất là nếu New Delhi có thể huy động cả Mỹ và các đối tác cùng tham gia áp dụng lệnh cấm này.
Nhìn vào những gì diễn ra với Australia những tuần gần đây, Bắc Kinh ngày càng quyết đoán trong việc tận dụng năng lực an ninh mạng của mình để thể hiện quyền lực cũng như thúc đẩy các mục tiêu địa chính trị. Bởi vậy, mục tiêu thứ hai mà Mỹ cần hướng đến là củng cố các năng lực đảm bảo an ninh mạng cho Ấn Độ.
Các hoạt động tham vấn và chia sẻ thông tin tình báo thường xuyên có thể giúp Mỹ xúc tiến các hoạt động an ninh mạng phối hợp khi Ấn Độ bị Bắc Kinh tấn công, hiện thực hóa những hứa hẹn về củng cố năng lực cho Ấn Độ thay vì những cam kết sáo rỗng liên quan đến kế hoạch triển khai quân đội.
Một yếu tố quan trọng mà cả Mỹ và Ấn Độ cần tính đến là việc đề phòng và xử lý những nguy cơ trong khu vực tư nhân. Hai bên có thể tận dụng cuộc đối thoại Công nghệ Thông tin Liên lạc (ICT) Mỹ-Ấn, dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới để thảo luận về những chiến lược giảm thiểu rủi ro ngắn hạn với các doanh nghiệp và đối tác hàng đầu trong khu vực này.
Ngành công nghiệp của Mỹ có thể được xem là tài sản lớn đối với cả Washington và New Delhi trong bối cảnh cả 2 nước cùng tính đến chuyện “trừng phạt” kinh tế Trung Quốc và khôi phục sự năng động của nền kinh tế Nam Á.
Cơ hội hiện hữu trong lĩnh vực sản xuất ICT, nơi Ấn Độ đang thu hút nguồn đầu tư lớn từ nhiều quốc gia quan tâm đến việc dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong giai đoạn hậu COVID-19. Vì vậy, mục tiêu thứ ba mà Mỹ cần hướng đến là hỗ trợ và thúc đẩy Ấn Độ trở thành một trung tâm sản xuất điện tử quy mô và hiệu quả.
Những biện pháp này không đồng nghĩa với việc Mỹ phải gạt sang một bên các lợi ích của mình hay những lo ngại về thương mại song phương mà đòi hỏi Mỹ cần xây dựng chính sách thương mại với tầm nhìn chiến lược, thay vì những quan điểm cứng nhắc chỉ tập trung vào giảm thâm hụt thương mại.
Thái độ của Trung Quốc đối với các sự kiện ở Himalaya đã phản ánh khoảng cách quyền lực ngày càng gia tăng giữa New Delhi và Bắc Kinh, đặt ra những yêu cầu cấp bách đòi hỏi Mỹ và Ấn Độ phải củng cố hơn nữa các nỗ lực vốn là nền tảng xây dựng mối quan hệ song phương.
Điều quan trọng là Washington không nên bỏ lỡ cơ hội siết chặt quan hệ với New Delhi, và không để “thời cơ vàng” trong việc gâp áp lực với Bắc Kinh vụt mất.
Những hỗ trợ dành cho Ấn Độ trong không gian số giúp Washington có thể hoàn thành cả 2 mục tiêu này bằng những công cụ quản trị nhà nước hiện đại thay vì sự hiện diện trên thực địa. Đây là nỗ lực mà chính quyền Trump cũng như chính quyền kế nhiệm tại Nhà Trắng cần tính đến kể cả sau năm 2020./.