Với thương hiệu “Một điểm đến của 5 di sản,” Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) mang trong mình những lợi thế riêng có về di sản vật thể, phi vật thể, giá trị nổi bật toàn cầu.
Sự hợp tác quốc tế trong công tác bảo tồn, trùng tu, quảng bá đã góp phần lan tỏa giá trị di sản văn hóa Huế, tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước.
Hoạt động hợp tác với UNESCO cho công cuộc bảo tồn, trùng tu di tích Huế đã diễn ra từ những năm 80 của thế kỷ XX, khi tổ chức này phát động chiến dịch cứu vãn di tích Huế và vận động sự hỗ trợ quốc tế nhằm giúp Quần thể di tích Huế thoát khỏi sự xuống cấp nguy hiểm do chiến tranh, thời gian, sự thiếu ý thức của con người.
Với sự hỗ trợ và kết nối của UNESCO, hơn 10 chính phủ, 30 tổ chức phi chính phủ, 10 tổ chức quốc tế… đã triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu bảo tồn di sản, giao lưu văn hóa và hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho di tích Huế với tổng kinh phí gần 10 triệu USD.
Một số dự án tiêu biểu có sự đồng hành của UNESCO như Dự án trùng tu di tích Ngọ Môn, Dự án thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia nhằm bảo vệ Nhã nhạc Huế, Chương trình “Nâng cao năng lực quản lý khu di sản Huế,” Dự án tu bổ mái Khải Tường Lâu thuộc Cung An Định…
[Thừa Thiên-Huế: Trùng tu Điện Thái Hòa thận trọng và khoa học]
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hợp tác chặt chẽ với UNESCO tổ chức nhiều cuộc triển lãm ảnh về di sản Huế; tuyên truyền, quảng bá nhằm giới thiệu cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn giá trị nội dung, ý nghĩa của các di sản thế giới mà Thừa Thiên-Huế đang sở hữu.
Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa tại Cố đô Huế luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị di sản và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, nhất là lĩnh vực kinh tế du lịch, dịch vụ.
Việc được UNESCO vinh danh 5 di sản, gồm Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế, góp phần tạo nên thương hiệu du lịch có giá trị rất lớn. Từ đó, Thừa Thiên- Huế xây dựng nhiều loại hình và sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách.
"Gần 30 năm kể từ khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được vinh danh thành Di sản Văn hóa thế giới, nơi đây đã thu hút đông đảo du khách cũng như sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức, chuyên gia đến từ các nước như: Nhật, Pháp, Hàn Quốc... Bên cạnh đó là sự cam kết ở mức độ cao của Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo tồn đối với Quần thể Di tích Cố đô Huế trong bối cảnh phải đối mặt với điều kiện khí hậu, mưa bão, lũ lụt hàng năm và nhiều vấn đề phức tạp khác. Hiện nay, nhiều di sản đã được phục hồi tốt," Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart nhận định.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, từ năm 1993, khi UNESCO công nhận Quần thể Di tích Cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam, đến nay, khoảng 170 hạng mục công trình thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế đã được bảo tồn, trùng tu và tu bổ với kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng.
Tiêu biểu là các di tích Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang, lăng Đồng Khánh, Thiên Định Cung (lăng Khải Định), điện Minh Thành, điện Gia Thành (lăng Gia Long).
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang tiếp tục trùng tu nhiều công trình quan trọng khác như điện Thái Hòa, điện Kiến Trung, tổng thể cảnh quan lăng Gia Long... thời gian tới là điện Cần Chánh, Đại Cung môn.
Quy trình tu bổ di tích được tiến hành chuyên nghiệp, tuân thủ nghiêm túc Công ước quốc tế về bảo tồn di tích, Luật Di sản văn hóa, các Quy chế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa - danh lam, thắng cảnh, đảm bảo sự chuẩn mực về bảo tồn, tính chân xác của các công trình, được nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao.
“Chúng tôi không chắc tất cả công trình thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế đã bị phá hủy bởi chiến tranh trước đây có thể được khôi phục lại hay không nhưng hiện nay có nhiều dự án trùng tu được Chính phủ thông qua để triển khai trong thời gian tới, đó là tín hiệu rất đáng mừng. Điều quan trọng là duy trì được sự ổn định thành quả của 30 năm qua mà chúng ta đã phải mất nhiều tâm huyết và kinh phí để trùng tu các di tích trước những diễn biến khó đoán định của điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt cùng biến đổi khí hậu. Do vậy, trùng tu tôn tạo là công việc cần được duy trì thường xuyên, lâu dài. Tôi muốn chia sẻ rằng, UNESCO sẵn lòng hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên - Huế trong công tác trùng tu, phục hồi, bảo tồn các di tích Cố đô Huế,” ông Christian Manhart chia sẻ.
Quá trình phát triển đô thị hóa hiện nay đặt ra những cách tiếp cận mới trong công tác khoanh vùng bảo tồn di sản, đặc biệt Cố đô Huế nơi có mật độ di tích dày đặc. Tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định, để giữ gìn, phát triển bền vững di sản văn hóa cần khuyến khích người dân, cộng đồng xã hội tham gia trực tiếp vào công tác bảo tồn trên cơ sở đảm bảo quyền lợi và cuộc sống của người dân. Đó chính là mục tiêu, quan điểm của UNESCO hướng tới "Di sản của cộng đồng."
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, bước sang giai đoạn mới hiện nay, cần nhận diện đầy đủ những giá trị di sản văn hóa Huế dưới góc nhìn đương đại. Qua đó có cách tiếp cận phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế riêng có của Quần thể Di tích Cố đô Huế, trong đó vai trò của hợp tác quốc tế rất quan trọng.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang lập Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định rõ vai trò “hạt nhân” của Quần thể Di tích Cố đô Huế trong quá trình phát triển đưa tỉnh Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một đô thị di sản đặc thù, một trung văn hóa, du lịch lớn của Việt Nam cũng như mang tầm khu vực./.