Hợp tác Quốc phòng ASEAN-Nhật Bản: Hướng tới thực chất, hiệu quả

Hội nghị Thứ trưởng Quốc phòng ASEAN-Nhật Bản lần thứ 9 có đại diện của 10 nước thành viên ASEAN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Ro Manabe, đại diện Ban thư ký ASEAN.
Hợp tác Quốc phòng ASEAN-Nhật Bản: Hướng tới thực chất, hiệu quả ảnh 1Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Cẩm Tuyến/Vietnam+)

Ngày 13/9, Hội nghị Thứ trưởng Quốc phòng ASEAN-Nhật Bản lần thứ 9 đã khai mạc tại thành phố Fukuoka, Nhật Bản.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ quốc phòng dẫn đầu đoàn biểu quốc phòng Việt Nam tham dự hội nghị.

Tham gia Hội nghị Thứ trưởng Quốc phòng ASEAN-Nhật Bản lần thứ 9 có đại diện của 10 nước thành viên ASEAN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Ro Manabe, đại diện Ban thư ký ASEAN.

Trong khuôn khổ Hội nghị diễn ra ba phiên chính với các chủ đề ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập: Những thành tựu và đoàn kết được tăng cường; Tình hình an ninh khu vực; Tài liệu Tầm nhìn Viêng Chăn: Thực trạng và triển vọng.

Phát biểu tại Phiên thứ nhất, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng trong 50 năm qua, ASEAN đã thu được những thành tựu nổi trội trên các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội.

Việt Nam đã cùng chung tay với các nước thành viên ASEAN xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết, giàu bản sắc, là trung tâm trong khu vực cũng như trên thế giới. Nhiều cơ chế hợp tác trong khuôn khổ ASEAN mang tính hiệu quả cao đã mang đậm dấu ấn đóng góp của Việt Nam như Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)...

Mặc dù vậy, không gian phát triển của ASEAN còn rất rộng. Các nước ASEAN cần tăng cường tình đoàn kết, thống nhất trên nguyên tắc đồng thuận; cơ sở của sự đồng thuận này là luật pháp quốc tế, Hiến chương ASEAN, các giá trị được cộng đồng quốc tế rộng rãi công nhận.

Thời gian qua, trong khu vực và trên thế giới đã nảy sinh những thách thức an ninh mới, đòi hỏi các nước ASEAN phải có cách tiếp cận mới và nhìn nhận một cách thấu đáo để tiếp tục phát triển.

Mỗi thành viên ASEAN đều có các vấn đề của riêng mình, muốn giải quyết cần có sự chia sẻ, không vì những lợi ích cục bộ để vượt qua sự khác biệt, đạt tới sự đồng thuận và vì lợi ích chung của toàn Cộng đồng. Cần xác định những chuẩn mực để ASEAN hướng tới trong thời gian tới mà một trong số đó là hướng tới sự hợp tác mang tính thực chất, hiệu quả.

Việt Nam không chỉ cần tới sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế và các nước ASEAN mà còn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình với các nước trong lĩnh vực rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm cứu nạn, quân y... bởi là một trong những nước phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất sau chiến tranh.


[Hợp tác quốc phòng đa phương giúp củng cố sự đoàn kết của ASEAN]

Cũng liên quan đến nội dung hợp tác thực chất, hiệu quả, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đặt vấn đề cấu trúc hợp tác ADMM+ cần sớm hợp thức hóa những vấn đề như kết nạp thành viên mới hoặc tham gia với tư cách quan sát viên, có chuyển đổi tổ chức từ hai năm một lần như hiện nay thành hội nghị hàng năm hay không, có nên thành lập cơ quan giúp việc của ADMM+ để giúp các nước tham gia cập nhật tình hình thường xuyên mọi vấn đề của ASEAN cho các nhà lãnh đạo và các cơ quan chức năng của các nước thành viên...

Trong cấu trúc này, cũng cần đặt vấn đề về trách nhiệm của các nước lớn. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh hoan nghênh những nỗ lực của nước chủ nhà Nhật Bản trong việc tổ chức Hội nghị Thứ trưởng Quốc phòng ASEAN-Nhật Bản, tích cực tham gia vào các vấn đề an ninh chung của khu vực và thế giới.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ hy vọng tới năm 2020 là kỷ niệm 10 năm cấu trúc ADMM+ ra đời, cũng là năm Việt Nam là nước chủ nhà tổ chức ADMM+, các vấn đề cơ bản sẽ được giải quyết để ADMM+ là một cấu trúc bình đẳng, có trách nhiệm, mang lại lợi ích cho mỗi nước cũng như duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Trong bài phát biểu tại phiên họp thứ hai về an ninh biển, đại biểu Nhật Bản đã bày tỏ sự lo ngại trước những thách thức an ninh biển, trong đó nổi lên là tình trạng tôn tạo, bồi đắp các công trình ở Biển Đông, đơn phương thay đổi hiện trạng, đi ngược lại luật pháp quốc tế. Phía Nhật Bản kiên trì phản đối những hành động này, hy vọng các nước ASEAN đoàn kết, có tiếng nói chung trong các vấn đề có liên quan và sớm đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả.

Trước đó, chiều 12/9, bên lề Hội nghị Thứ trưởng Quốc phòng ASEAN-Nhật Bản, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có cuộc gặp song phương với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Ro Manabe. Thứ trưởng Ro Manabe đánh giá cao mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản và các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, thời gian qua đã có những bước phát triển tốt đẹp.

Thứ trưởng Ro Manabe bày tỏ mong muốn trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) diễn ra vào tháng 10 tới, phía Nhật Bản đề xuất tổ chức cuộc gặp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN. Một cuộc gặp như vậy nếu được tổ chức sẽ giúp tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Nhật Bản với các nước ASEAN, đồng thời cũng là cơ hội để tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản làm quen với các đối tác trong ASEAN.

Thứ trưởng Ro Manabe cũng cho biết phía Nhật Bản rất quan tâm đến tiến trình đàm phán để đạt được COC giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Thứ trưởng Ro Manabe cho rằng một COC đạt được phải hiệu quả, có tính ràng buộc về pháp lý. Phía Nhật Bản mong muốn hợp tác với Việt Nam để duy trì hòa bình và ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn hảng hải ở Biển Đông.

Về đề xuất của phía Nhật Bản muốn tổ chức cuộc gặp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết sẽ báo cáo với lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, đồng thời cho rằng một cuộc gặp như vậy sẽ dựa trên cơ sở đồng thuận giữa các nước ASEAN.

Về COC giữa ASEAN với Trung Quốc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhất trí với Thứ trưởng Ro Manabe rằng cần phải có hiệu quả thực sự. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng một COC phải dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS 1982), có tính ràng buộc về pháp lý. Phía Việt Nam không chấp nhận “hiện trạng mới” ở Biển Đông do những động thái bồi đắp, tôn tạo và quân sự hóa các bãi và đá ở khu vực này.

Về tình hình Triều Tiên, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định với Thứ trưởng Ro Manabe lập trường của phía Việt Nam ủng hộ phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, giải quyết mọi vấn đề bằng đối thoại hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục