Hợp tác phát triển nông nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đối tác quốc tế thông qua Tuyên bố chung về Hợp tác phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Hợp tác phát triển nông nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh 1Thu hoạch thanh long ở Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Sáng 11/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) tổ chức Hội nghị toàn thể Chương trình Hỗ trợ quốc tế (ISG) năm 2020 với chủ đề: “Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trong bối cảnh tác động của COVID-19: Cơ hội và thách thức.”

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết ngoài tác động của đại dịch COVID-19, khu vực nông nghiệp và cư dân nông thôn còn chịu ảnh hưởng phức tạp của biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cùng với sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế triển khai quyết liệt, chủ động, đồng bộ các giải pháp rất kịp thời và hiệu quả.

Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn phát triển, đảm bảo ổn định an ninh lương thực, thực phẩm trong nước và duy trì xuất khẩu nông sản. Trong 11 tháng năm 2020, giá trị xuất khẩu nông sản ước đạt 37,42 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019.

"Trong bối cảnh trên, ngành nông nghiệp Việt Nam cần thực hiện các giải pháp tổng thể và linh hoạt hơn để ứng phó với các khó khăn, thách thức trên để đảm bảo an ninh lương thực, duy trì tăng trưởng và xuất khẩu, cải thiện sinh kế và thu nhập của cư dân nông thôn, thúc đẩy phát triển bền vững. Để đạt được các mục tiêu đề ra, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, thì sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là rất cần thiết," Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho hay.

[Nông sản Việt ra thị trường thế giới: Nâng cao năng lực thích ứng]

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tin tưởng với sự hỗ trợ nhiệt tình của cộng đồng quốc tế, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ biến “nguy” thành “cơ.” Đồng thời, linh hoạt phát huy lợi thế trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản để vừa chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất, vừa phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, đảm bảo yêu cầu là trụ đỡ của nền kinh tế những lúc khó khăn.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, đánh giá từ đầu năm nay, Việt Nam phải chịu đựng hạn hán chưa từng có rồi đến bão lũ ở miền Trung. Đây là những sự việc khiến chúng ta phải thấy tầm quan trọng của tính dễ bị tổn thương, nghèo đói do những hiện tượng như vậy.

Mặc dù, Việt Nam đã rất thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, nhưng qua khảo sát của UNDP, có tới khoảng 70% người dân bị giảm thu nhập do dịch. Qua đây cho thấy, Việt Nam cần tăng cường khả năng chống chịu cho nông dân.

Để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu, bà Caitlin Wiesen cho rằng có thể đưa ra hướng sản xuất xanh, các chiến lược, hành động xanh. UNDP đang hỗ trợ cho Việt Nam để khắc phục hậu quả do thiên tai, đại dịch COVID-19 như chuyển giao công nghệ, cải tiến sản phẩm... để phát triển thị trường.

Cùng với đó, UNDP có thể giúp nông nghiệp Việt Nam có thể giảm rủi ro qua hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã…

Để biến “nguy” thành “cơ” trong bổi cảnh này, bà Caitlin Wiesen cho rằng nông nghiệp cần tái cơ cấu các sản phẩm để đảm bảo bền vững, có khả năng chống chịu tốt vì Việt Nam không chỉ đối phó với dịch bệnh và còn biến đổi khí hậu. Do đó, Việt Nam cần tận dụng khả năng đổi mới sáng tạo, công nghệ để có được khả năng chống chịu tốt và phát triển xanh.

Theo bà Caitlin Wiesen, Việt Nam đang tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự nên cần phải có những khả năng đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt hơn.

Do đó, UNDP không chỉ hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ khắc phục hậu quả của tác động đại dịch COVID-19 mà còn cả công nghệ, phát triển thị trường.

Tại hội nghị toàn thể ISG 2020, các Tổ chức Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng một số tổ chức quốc tế khác đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu về đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến kinh tế và sản xuất của nông hộ; doanh nghiệp nông nghiệp; sự đứt gãy của các chuỗi giá trị cung ứng ngành hàng nông sản; hiểm họa về môi trường và vấn đề an ninh lương thực quốc gia cũng như toàn cầu.

Các đại biểu đã thảo luận đề xuất các khuyến nghị chính sách và giải pháp ứng phó với các tác động của COVID-19 trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; xây dựng các chương trình, dự án hợp tác quốc tế trọng tâm hướng đến phục hồi sản xuất và kinh doanh nông nghiệp, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh tác động của COVID-19.

Đặc biệt, tại Hội nghị toàn thể ISG 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đối tác quốc tế thông qua Tuyên bố chung về “Hợp tác phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19.”

Tuyên bố chung là thể hiện sự cam kết cao tiếp tục hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các đối tác phát triển cùng thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam bền vững, góp phần thực hiện tốt nhất mục tiêu “kép” của Chính phủ.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, sau hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm việc với từng đối tác để cụ thể hóa Tuyên bố chung này thành các dự án, chương trình để hỗ trợ ngành trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục