Từ ngày 8-11/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ có chuyến thăm chính thức đến Liên bang Nga.
Chuyến thăm được dư luận tại Nga chú ý trong bối cảnh hai nước đang tích cực tìm kiếm cú hích mới trong quan hệ song phương, phấn đấu đạt các nhiệm vụ chính trị và hợp tác đã đặt ra cho xứng tầm với quan hệ chính trị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Trên trang web tờ Báo Nga số ra ngày 3/12, nhóm tác giả là luật gia nổi tiếng, lãnh đạo Quỹ quốc tế "Con đường Hòa bình" Vladimir Nikolaiev và Irina Umnova đã có bài viết nhìn lại chặng đường phát triển hợp tác, từ đó đưa ra đánh giá cho quan hệ liên nghị viện hiện nay giữa hai nước.
[Hợp tác nghị viện - xung lực mới làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam-Nga]
Theo bài viết, quan hệ Nga-Việt được thiết lập từ thế kỷ 18 và đến đầu thế kỷ 20 thì được nâng lên tầm cao mới, bao trùm lên các phương diện chính trị và xã hội.
Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam trong suốt những năm chiến tranh. Sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga - là nước kế thừa của Liên Xô - có một khoảng thời gian chững lại, song đã phát triển tích cực trở lại kể từ năm 1994. Vào năm đó, hai bên đã ký Thỏa thuận về các cơ sở cho quan hệ hữu nghị.
Kể từ đó, hai nước đã thực hiện đều đặn các chuyến thăm nhà nước cấp cao, trong đó có chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2001. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký Tuyên bố về hợp tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam.
Quan hệ song phương trở lại tầm phát triển tốt đẹp qua các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước và được hiện thực hóa qua các phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau cả trên trường quốc tế.
Trong số đó, hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp đóng vai trò quan trọng. Mối quan hệ đó đã phát triển rất đa dạng và dưới nhiều hình thức kể từ ngày đầu hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Các thỏa thận được ký giữa Quốc hội Việt Nam và hai viện Quốc hội Nga đã lập nên cơ sở pháp lý cho hợp tác đi lên giữa hai cơ quan lập pháp.
Hiện nay, quan hệ đó được thực hiện qua các trao đổi đoàn đại biểu các cấp và đều đặn, đa dạng hóa các kênh hợp tác. Trong 5 năm gần đây, lãnh đạo Quốc hội hai nước Nga và Việt Nam đều đã đi thăm lẫn nhau.
Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Nga-Việt hoạt động hiệu quả, đóng vai trò là cầu nối giữa hai cơ quan lập pháp, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tổng thể giữa Liên bang Nga và Việt Nam.
Năm 2019-2020 được chọn là năm chéo Nga-Việt. Trong năm 2020, hai nước sẽ kỷ niệm các sự kiện đáng nhớ: 25 năm ngày ký Hiệp ước về các nguyên tắc cơ sở cho quan hệ hữu nghị Nga-Việt, 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của Nga ủng hộ hợp tác nghị viện trong không gian Á-Âu, tích cực tham gia các diễn đàn phụ nữ Á-Âu theo sáng kiến của Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko, ủng hộ nâng tầm diễn đàn trở thành một trong những diễn đàn chủ chốt về phụ nữ trên thế giới.
Việt Nam cũng ủng hộ sáng kiến tổ chức Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á-Âu do Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện) Nga VyacheslavVolodin và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang đưa ra.
Quốc hội Việt Nam và Liên bang Nga đang mở rộng các tiếp xúc và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện thế giới (IPU). Hiện tại, hợp tác nghị viện giữa Việt Nam và Liên bang Nga đang bước vào giai đoạn mới.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2018 của Chủ tịch Duma quốc gia Vyacheslav Volodin, hai bên đã nhất trí về một định dạng hợp tác mới dựa trên Thỏa thuận thành lập Ủy ban liên nghị viện.
Ủy ban này sẽ họp hằng năm luân phiên tại Nga và Việt Nam nhằm đánh giá kết quả thực hiện các thỏa thuận được ký, đưa ra các giải pháp mới phát triển quan hệ song phương.
Các tác giả bài viết kết luận, trong bối cảnh đó, chuyến thăm Nga lần này của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân có ý nghĩa to lớn, mở ra giai đoạn mới trong hợp tác giữa các cơ quan lập pháp được đánh dấu bằng phiên họp lần thứ nhất Ủy ban liên nghị viện.
Quan hệ Nga-Việt sẽ được làm sâu sắc thêm, mở rộng ra nhiều diễn đàn, nhiều định dạng để đạt được hiệu quả cụ thể và thực tế./.