Hợp tác năng lượng là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Qatar

Theo Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp, chủ trương hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Qatar trong những năm tới chính là đạt được hợp tác sâu rộng và hiệu quả hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.

ttxvn-dai-su-viet-nam-tai-qatar-2212.jpg
Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Huy Hiệp. (Ảnh: TTXVN phát)

Năm 2024 đã chứng kiến những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Qatar, với hợp tác năng lượng và hợp tác lao động trong lĩnh vực năng lượng là điểm sáng trong quan hệ song phương.

Đây là nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Huy Hiệp khi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi về tình hình hợp tác giữa hai nước trong năm qua, cũng như những phương hướng tác trong thời gian tới.

Theo Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp, trong năm 2024, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Qatar tiếp tục được tăng cường và củng cố mạnh mẽ.

Theo thống kê của phía Qatar, kim ngạch thương mại Việt Nam-Qatar trong giai đoạn từ tháng 1-10/2024 đạt 2,7 tỷ riyal Qatar (hơn 740 triệu USD), xấp xỉ bằng kim ngạch thương mại của cả năm 2023 (752 triệu USD). Trong đó, Qatar tạm thời xuất siêu, chủ yếu nhờ xuất khẩu dầu khí và các sản phẩm hóa dầu. Trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam, bao gồm điện thoại di động, các loại máy móc... đã tăng. Nhìn chung, xu hướng trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Qatar thời gian tới sẽ tiếp tục tăng.

Để phục vụ sản xuất và tăng trưởng, phía Việt Nam có nhu cầu đối với các sản phẩm dầu khí của Qatar như khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Ở chiều ngược lại, Qatar sẽ nhập khẩu từ Việt Nam các loại máy móc công nghiệp, thiết bị điện tử, tàu thuyền và các công trình nổi...

Về hợp tác kinh tế, 'hợp tác năng lượng và lao động trong lĩnh vực năng lượng' là điểm sáng của quan hệ hai nước trong năm 2024. Hai bên không chỉ đẩy mạnh trao đổi thương mại các sản phẩm dầu khí, mà còn tiếp tục duy trì các dự án dịch vụ dầu khí, cụ thể là giữa các công ty PTSC M&C và PTSC POS của Việt Nam với các đối tác/khách hàng Qatar.

Số lượng lao động Việt Nam có chuyên môn và kỹ thuật làm việc tại Qatar phục vụ các dự án trên cũng như tại các tập đoàn liên quan là Qatar Energy, Qatar Energy LNG... có những thời điểm lên đến gần 600 người. Đây là con số rất ấn tượng và có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

thu-tuong-pham-minh-chinh-tiep-doan-doanh-nghiep-qatar-2212.jpg
Trong chuyến thăm chính thức Qatar, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn doanh nghiệp do ông Sheikh Faisal bin Qassim Al Thani, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Qatar (QBA) dẫn đầu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đặc biệt, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Qatar vào tháng 10/2024 với trọng tâm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư đã thu hút sự quan tâm lớn của của các bộ, ngành kinh tế và doanh nghiệp hai nước, và được kỳ vọng sẽ tạo đà cho hợp tác Việt Nam-Qatar phát triển lên một tầm cao mới thực chất và hiệu quả hơn.

Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp bày tỏ tin rằng triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Qatar rất tươi sáng trong năm 2025. Đặc biệt, chất xúc tác quan trọng ở đây không chỉ đến từ sự quan tâm của các Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Qatar mà từ chính cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Đại sứ cũng nêu bật một số lĩnh vực mà hai nước có thể tăng cường hợp tác.

Về lĩnh vực năng lượng và năng lượng tái tạo, với nguồn tài nguyên dầu khí phong phú và tiềm lực lớn về tài chính và công nghệ, Qatar có thể hợp tác với Việt Nam trong việc chuyển giao công nghệ và phát triển các dự án năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.

Trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, Việt Nam với nền kinh tế phát triển nhanh chóng, môi trường đầu tư hấp dẫn, cùng với các chính sách mở cửa, có thể là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư Qatar thuộc các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Việt Nam hiện nằm trong tốp 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới, tốp 20 quốc gia có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới, và là mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) liên quan đến 60 nền kinh tế lớn trong khu vực và thế giới. Việt Nam là điểm đến đầu tư được ưa thích hàng đầu trong số các nước mới nổi và đang phát triển ở châu Á. Việt Nam đã sẵn sàng và có đầy đủ tiềm năng để trở thành đối tác quan trọng của Qatar.

Liên quan hợp tác về lao động chất lượng cao, lao động lành nghề từ Việt Nam có thể sang Qatar để đáp ứng nhu cầu của Qatar trong giai đoạn phát triển mới, tập trung vào chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và đẩy mạnh đa dạng hóa nền kinh tế. Du lịch và văn hóa cũng là những lĩnh vực hợp tác rất tiềm năng, khi hai nước có sự đa dạng về văn hóa và ngày càng quan tâm tìm hiểu lẫn nhau, nhờ các hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch tại mỗi nước.

Theo Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp, chủ trương hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Qatar trong những năm tới chính là đạt được hợp tác sâu rộng và hiệu quả hơn nữa, nhất là trong những lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.

Theo Đại sứ, để làm được điều đó, trước hết Việt Nam và Qatar cần củng cố các cơ chế hợp tác sẵn có giữa hai nước, nhất là Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác Kinh tế, Thương mại và Kỹ thuật Việt Nam-Qatar; cũng như nghiên cứu, thành lập các cơ chế hợp tác mới, phù hợp với tình hình và quan tâm của hai nước hiện nay, như tiểu ban về lao động, hay cơ chế về trao đổi thương mại, nhóm làm việc về đầu tư... giữa các cơ quan liên quan của hai nước.

Trong lúc chờ các cơ chế hợp tác cũ và mới được xây dựng hoặc điều chỉnh, hai bên vẫn có thể tiến hành các dự án hợp tác chung. Đặc biệt, các doanh nghiệp hai nước cần chủ động thăm dò thị trường và tìm kiếm đối tác.

Đại sứ nhấn mạnh trong trao đổi kinh doanh và đầu tư với Qatar, Việt Nam cần hiểu rõ nhu cầu và tâm lý của nước bạn để có chiến lược phù hợp, chứng minh những lợi ích tiềm năng bằng kết quả cụ thể để từng bước thiết lập đối tác lâu dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

EU nâng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam lên 20%

Đối với sầu riêng, do không tuân thủ các quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, căn cứ Điều 5 và Điều 6 của Quy định (EU) 2019/1793, EU tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%.