Hợp tác giáo dục xứng Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Australia

Thủ tướng tin tưởng Diễn đàn Hợp tác Giáo dục đại học Việt Nam-Australia sẽ mở ra giai đoạn mới cho sự hợp tác giáo dục hai bên, tiếp tục là điểm sáng của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao văn kiện hợp tác về giáo dục giữa một số trường đại học của Việt Nam và Đại học Australia. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Australia, sáng 8/3, (giờ địa phương), tại Canberra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm Đại học Quốc gia Australia và dự Diễn đàn Giáo dục Việt Nam-Australia.

Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và phía Australia có đồng Bộ trưởng Bộ Giáo dục Australia Anthony Chisholm, cùng lãnh đạo các trường Đại học của Việt Nam và Australia.

Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo giữa Việt Nam-Australia là lĩnh vực hợp tác truyền thống và làm một trong những điểm sáng trong quan hệ giữa Việt Nam-Australia.

Australia là điểm đến hàng đầu của du học sinh Việt Nam. Đến nay, có hơn 80.000 học sinh, sinh viên đã và đang theo học tại Australia; hơn 200 cơ sở giáo dục Việt Nam và Australia có các chương trình hợp tác. Các trường đại học hai bên đã có hơn 5.000 nghiên cứu chung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo và sinh viên Trường Đại học Quốc gia Australia (ANU). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại diễn đàn, lãnh đạo các trường đại học thảo luận, trao đổi, chia sẻ và đề xuất các kiến tạo kiến thức; khả năng thích ứng; chính sách, giải pháp và định hướng phát triển giáo dục đại học.

Các đại biểu đề cập nhiều nội dung liên quan công tác quản trị, quản lý đại học, phát triển đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, các phương pháp giáo dục mới. Đặc biệt, lãnh đạo các trường đại học đề xuất các chương trình, dự án hợp tác giáo dục giữa Việt Nam-Australia.

Phát biểu tại diễn đàn, nhân Kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ lòng biết ơn và kêu gọi tiếp tục hành động vì quyền bình đẳng cho phụ nữ; cho biết ông rất thích tác phẩm “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của tác giả người Australia Colleen McCullough - tác phẩm thể hiện khát khao giành tự do của trái tim người phụ nữ, khẳng định tình yêu chân thành không gì có thể ngăn cản, cũng như mối quan hệ Việt Nam-Australia xuất phát từ trái tim đến trái tim không gì có thể ngăn cản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau hơn nửa thế kỷ phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác bền chặt, thực chất, đạt nhiều kết quả tốt đẹp; hiện nay Việt Nam- Australia chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Trong số đó, hợp tác giáo dục Việt Nam-Australia luôn là điểm sáng với nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tạo dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển.

Australia là một trong những lựa chọn phổ biến hàng đầu của du học sinh Việt Nam. Nhiều du học sinh từng học tập tại Australia đã trở về nước và rất thành công, có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển và thúc đẩy quan hệ song phương.

Khẳng định Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, Thủ tướng cho biết Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới dựa trên 3 yếu tố nền tảng là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, nguyên tắc xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; Việt Nam coi giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu và phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá chiến lược.

Nêu rõ Việt Nam chú trọng, ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Thủ tướng cho rằng đây là lĩnh vực hợp tác quan trọng và còn nhiều dư địa cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới, tuy nhiên, thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục đào tạo tại Việt Nam còn khiêm tốn, nhất là bậc đại học.

Về quan điểm, định hướng hợp tác trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị hai bên cần tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn, đẩy mạnh hợp tác giáo dục đào tạo thiết thực, hiệu quả, toàn diện, để tiếp tục phát huy vai trò là một trụ cột quan trọng, tạo đột phá và góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, vì lợi ích của Nhân dân hai nước.

Chính phủ Việt Nam luôn cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các cơ sở giáo dục nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm “các bên cùng có lợi, cùng thắng.”

Thủ tướng đề nghị hai bên cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, với mục tiêu đề ra là tạo thuận lợi tối đa cho các cơ sở giáo dục đào tạo, nhất là các đại học uy tín tiếp tục mở rộng hợp tác, đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Hoan nghênh việc Bộ Giáo dục và Đào tạo hai nước đã thành lập Nhóm công tác chung nhằm hỗ trợ các đại học của Australia thành lập phân hiệu ở Việt Nam, Thủ tướng tin rằng Nhóm sẽ tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy hiệu quả nỗ lực tăng số lượng các trường đại học thành lập phân hiệu tại Việt Nam.

“Các cơ sở giáo dục phải thực hiện tốt phương châm: nhà trường là nền tảng, sinh viên là trung tâm, thầy cô phải là động lực,” Thủ tướng yêu cầu.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị tăng số lượng và nâng cao chất lượng các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đào tạo, đại học của hai nước, trong đó chú trọng hơn đến nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ những ngành mà Việt Nam còn thiếu, phía Australia có thế mạnh như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, năng lượng xanh, sạch, công nghệ sinh học… và trình độ đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ.

Cùng với đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, phù hợp với thế mạnh và quan tâm của Australia và nhu cầu đào tạo của Việt Nam; tăng cường trao đổi sinh viên, giảng viên và đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học của hai nước, đặc biệt là tạo điều kiện để các giáo sư sang Việt Nam hỗ trợ giảng dạy những ngày nghề mới mà Việt Nam có nhu cầu; tạo mọi điều kiện thuận lợi về chính sách visa, bảo đảm điều kiện sống, sinh hoạt, an ninh an toàn, nhất là cung cấp học bổng cho người Việt Nam sang học tập tại Australia; thúc đẩy việc học tiếng Việt tại Australia.

Thủ tướng đề nghị các cơ sở giáo dục đào tạo, các đại học của hai nước, nhất là đại diện các đại học uy tín của Australia dự diễn đàn tích cực thảo luận, tìm kiếm cơ hội hợp tác, ký kết các biên bản ghi nhớ và sớm cùng nhau triển khai thực hiện hiệu quả các dự án hợp tác, đầu tư cụ thể tại Việt Nam.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng Diễn đàn Hợp tác Giáo dục đại học Việt Nam-Australia sẽ mở ra một giai đoạn mới cho sự hợp tác giáo dục giữa hai bên tiếp tục phát triển khởi sắc, bền vững, lâu dài, tiếp tục là điểm sáng của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vừa được thiết lập giữa Việt Nam và Australia.

Đặc biệt, Thủ tướng tin tưởng trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều cơ sở giáo dục đào tạo, đại học của Australia mở phân hiệu và các hình thức hợp tác, nghiên cứu đa dạng, hiệu quả tại Việt Nam. Trong số đó, đặc biệt chú trọng xây dựng các dự án ngang tầm khu vực, mang tính biểu tượng trong hợp tác giáo dục đào tạo, xứng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước.

Tại diễn đàn, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành hai nước, các trường đại học Việt Nam và Australia đã trao 8 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực trao đổi học thuật, chương trình giảng dạy, nghiên cứu; trao đổi sinh viên, giảng viên; đào tạo các ngành mới nổi và quan trọng như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chất bán dẫn, khoa học sức khỏe, môi trường, công nghệ Số, năng lượng Xanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục