Canada đã có 43 năm hợp tác với ASEAN trong nhiều vấn đề và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Canada vừa qua là cơ hội để ASEAN và Canada cùng nhìn lại các kết quả hợp tác và làm mới các cam kết nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác trong tương lai, qua đó đóng góp thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cũng như thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Trả lời phỏng vấn với phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Canada tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Diedrah Kelly cho biết sự hỗ trợ của Canada đối với ASEAN tập trung vào các mục tiêu của Khối trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái; tăng cường vốn con người; xây dựng khả năng thích ứng với thiên tai; thúc đẩy hòa bình và an ninh.
Xuất phát từ điều này, tại hội nghị trên, Ngoại trưởng Canada François-Philippe Champagne đã công bố gói tài trợ mới có tổng trị giá hơn 9,1 triệu USD dành cho ASEAN với trọng tâm là các ưu tiên khu vực, bao gồm thúc đẩy cải cách dân chủ; tăng cường an ninh biên giới; chống buôn người; và an ninh mạng.
[Chuyên gia Canada đánh giá cao Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN]
Ngoài ra, các bộ trưởng Ngoại giao cũng đã thông qua Kế hoạch hành động ASEAN-Canada giai đoạn 2021-2025, tạo khuôn khổ vững chắc nhằm mở rộng hợp tác song phương.
Đại sứ Diedrah khẳng định Canada cũng mong muốn mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư với các nước thành viên ASEAN (AMS), đồng thời tin tưởng rằng việc ký Hiệp định tự do thương mại (FTA) sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho ASEAN và Canada, trong đó có việc tạo nền tảng cho các AMS tiếp cận thị trường Bắc Mỹ.
Bà Diedrah cho rằng đối mặt với nhiều thách thức với tư cách là một cộng đồng toàn cầu, điều quan trọng là cần nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN với tư cách là đối tác đa phương chủ chốt và chưa bao giờ quan trọng hơn thế.
Do đó, trong thời gian tới, Canada sẽ tiếp tục là một đối tác mang tính xây dựng và gắn bó với ASEAN bất chấp dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19; tiếp tục quản lý các thách thức tài chính; hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất.
Bà Diedrah bày tỏ: “Tôi tin tưởng rằng ASEAN và Canada sẽ tiếp tục cùng nhau hợp tác một cách hiệu quả.”
Cũng theo Đại sứ Diedrah, với tư cách là thành viên sáng lập Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Ngoại trưởng Canada Champagne cũng đã tham dự Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27.
Hội nghị này là cơ hội quan trọng để trao đổi quan điểm về các mối quan ngại trước tình hình an ninh khu vực như căng thẳng liên quan đến trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, tác động gây suy yếu của dịch COVID-19, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và vấn đề Biển Đông.
Bà Diedrah nêu rõ diễn đàn trên không chỉ nhằm đưa ra các tuyên bố mà còn là cơ hội để xem xét các biện pháp ngoại giao phòng ngừa và xây dựng lòng tin vốn đã được triển khai thực hiện, đồng thời đặt nền tảng cho các hoạt động trong năm tiếp theo.
Vẫn theo nhà ngoại giao trên, các nỗ lực trong lĩnh vực an ninh của Canada tại Đông Nam Á nhằm mục đích thúc đẩy hòa bình và ổn định, đồng thời chống lại các mối đe dọa về phổ biến vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân, tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố.
Trong thập kỷ qua, Canada đã hỗ trợ hơn 80 triệu USD cho các nỗ lực an ninh này.
Ngoài các thông điệp, cam kết và sáng kiến nói trên, tại các hội nghị vừa qua, Canada còn đề cập đến cuộc chiến chống COVID-19 và sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch vốn là mặt trận và là trung tâm của mọi quốc gia hiện nay.
COVID-19 đang thực sự đặt ra thách thức toàn cầu chưa từng thấy và không có giới hạn, và lợi ích chung của ASEAN và Canada là phải cùng nhau hợp tác nhằm "đánh bại" dịch bệnh này.
Đại sứ Diedrah đánh giá chủ đề “gắn kết và chủ động thích ứng” của Năm Chủ tịch ASEAN Việt Nam 2020 phù hợp với bối cảnh COVID-19, theo đó cộng đồng toàn cầu cần gắn kết và chủ động thích ứng nhằm đảm bảo sức khỏe, sự thịnh vượng và an ninh chung.
Chính trong thời điểm khủng hoảng này, ASEAN và Canada mới thực sự hiểu được tầm quan trọng của các mối quan hệ đối tác thân thiết nhất.
Canada lấy làm tự hào vì đã tăng cường và hỗ trợ mạnh mẽ cho ASEAN nhằm giúp giải quyết các thách thức do dịch bệnh trên gây ra.
Đánh giá về vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN từ đầu năm đến nay, Đại sứ Diedrah cho rằng chính nhờ sự lãnh đạo của Việt Nam, các Bộ trưởng Ngoại giao đã cùng có mặt để thảo luận về các vấn đề quan trọng, đồng thời nói thêm rằng chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN Việt Nam “gắn kết và chủ động thích ứng” đã được chứng minh là “phù hợp hơn bao giờ hết” trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát khi các nước thành viên ASEAN và các đối tác phải cùng nhau hợp tác để vượt qua các thách thức và ứng phó với các tác động về y tế, kinh tế và những tác động khác của dịch bệnh.
Cuối cùng, Đại sứ Diedrah cho rằng phạm vi và quy mô của dịch COVID-19 là phép thử đối với mọi cộng đồng, mọi quốc gia và mọi thể chế. Chính nhờ sự lãnh đạo của Việt Nam mà ASEAN vẫn tiếp tục thúc đẩy Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 bất chấp những thách thức mà môi trường mới đang đặt ra.
Sự lãnh đạo này đã đảm bảo rằng ASEAN vẫn "tham vọng" trong các nỗ lực của mình và Canada vẫn là một đối tác đáng tự hào bên cạnh ASEAN./.