Ngày 31/7, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cùng lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương đã làm việc với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn để tìm hiểu và giải quyết vấn đề hàng ùn ứ tại cảng Cát Lái.
Theo lãnh đạo Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, thời gian qua tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa ngõ ra vào cảng Cát Lái và ứ đọng hàng hóa trong khu vực cảng do số lượng tàu đến cảng chậm trễ nhiều so với lịch đăng ký; cơ quan hải quan áp dụng chương trình thông quan điện tử mới, việc siết chặt tải trọng trên toàn quốc…
Để tháo gỡ tình trạng trên, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã đưa ra một số giải pháp như nâng cấp hệ thống hạ tầng cầu cảng, bến bãi, điều chỉnh mốc thời gian cho phép khách hàng hạ bãi container chờ xuất trước khi tàu cập, ngưng tiếp nhận container hàng nhập được chuyển từ các cảng khác ngoài hệ thống…
Ông Võ Hoàng Giang, Phó Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn cho rằng trước mắt để giải quyết vấn đề hàng ùn ứ tại cảng Cát Lái cần thiết sự chia sẻ các nguồn hàng từ các cảng lân cận; trong đó cần khuyến khích hàng hóa về cảng Cái Mép-Thị Vải, vốn chưa khai thác hết công suất.
Tuy nhiên hiện nay, cảng Cái Mép-Thị Vải vẫn chưa thu hút nhiều chủ tàu do giao thông kết nối vào cảng Cái Mép-Thị Vải chưa thuận lợi; các chủ tàu vẫn chủ yếu tập trung vào cảng Cát Lái. Cảng Sài Gòn sẵn sàng hợp tác với cảng Cát Lái để giải phóng ùn ứ về các cảng thuộc Cảng Sài Gòn cũng như các cảng bạn. Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT) cho biết Cảng SPCT sẵn sàng chia sẽ hàng hóa từ cảng Cát Lái ở mức 8-10 tàu/tuần.
Theo ông Phan Trọng Lâm, Phó Tổng Giám đốc Cảng Container quốc tế Việt Nam, Thông tư 15/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng trong khu vực giám sát hải quan có những bất cập, ảnh hưởng đến việc giải phóng hàng ùn ứ.
Cụ thể, phải đủ 90 ngày từ khi cập cảng mà chưa ra khỏi cảng thì mới được xem là hàng tồn, tiếp đến 180 ngày sau mới thành lập hội đồng xử lý và 95 ngày sau mới xử lý hàng tồn, tổng cộng 356 ngày; như thế là quá lâu, gia tăng hàng tắc nghẽn.
Trước quan điểm một số cảng cho rằng, hàng hóa đã được “ưu ái” tại cảng Cát Lái dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh; ông Ngô Trọng Phàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn khẳng định, không có sự ưu ái nào, sự cạnh tranh là lành mạnh, cảng Cát Lái sẵn sàng chia sẻ hàng hóa với các cảng bạn.
Bà Phạm Thị Thúy Vân, Phòng Marketing Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết cảng Cát Lái đã thuyết phục khách hàng đưa hàng về các cảng lân cận tuy nhiên, khách hàng vẫn lựa chọn cảng Cát Lái vì nếu cập cảng Cái Mép-Thị Vải thì chủ hàng phải mất thêm 2-3 triệu cho 1 container loại 40 feet, chưa kể các chi phí khác. Cũng theo bà Phạm Thị Thúy Vân, nên phát triển cảng Cái Mép-Thị Vải thành cảng trung chuyển; vấn đề là phải giảm chi phí để thu hút chủ tàu đổi luồng vào khu vực.
Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng để cảng Cái Mép-Thị Vải trở thành cảng trung chuyển, thu hút chủ tàu thì phải đáp ứng nguồn hàng tại chỗ. Các chủ cảng không nên mở rộng quy mô, nâng cấp cảng vì nếu làm thế sẽ phá vỡ quy hoạch cảng biển, làm trầm trọng thêm vấn đề cảng Cái Mép-Thị Vải vì khi nâng cấp cảng thì tàu trọng tải lớn sẽ bị hút vào các cảng khác.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, hiện vấn đề ùn ứ hàng tại cảng Cát Lái đã được khắc phục, không còn nghiêm trọng. Cảng Cái Mép-Thị Vải không khai thác hết công suất là do công tác quy hoạch cảng biển chưa phù hợp với thực tiễn, công tác dự báo chưa tốt dẫn đến đầu tư hạ tầng chưa chuẩn.
Để giải quyết vấn đề hàng tồn tại các biển cần giải pháp lâu dài, trong đó chủ trương của Chính phủ phải tạo được sự đồng thuận của chủ các cảng, chủ tàu, doanh nghiệp.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối với với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và chính quyền các tỉnh, thành phía Nam cùng họp lại và thống nhất cơ chế phối hợp chặt chẽ để cùng tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn và tình trạng ùn ứ vào đầu tháng Tám./.