Tiếp nối chuỗi Hội nghị ASEAN về khoáng sản, ngày 7/10, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tiếp tục tổ chức Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về khoáng sản với ba nước đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) lần thứ 14 (14TH ASOMM+3) theo hình thức trực tuyến ở 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ban Thư ký ASEAN.
Tại điểm cầu Việt Nam, bà Nguyễn Thanh Thảo, Phó Vụ trưởng điều hành Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho biết trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, các nước trong khu vực đã chứng kiến nhiều hoạt động hợp tác về khai thác khoáng sản được triển khai.
Các hoạt động hợp tác về khoáng sản cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là sự góp mặt của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc khi đưa ra những đề xuất và hỗ trợ cụ thể cho các kế hoạch tổng thể về khai khoáng khu vực ASEAN.
Ngoài ra, các nước đã cùng nhau quan tâm, thảo luận, thống nhất và triển khai các nội dung hợp tác khác như chương trình công viên địa chất ASEAN, Chương trình giải thưởng khai thác khoáng sản trong cộng đồng ASEAN, thúc đẩy quản lý hiệu quả trong khu vực hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Về góc độ trong nước, ông Lê Quốc Hùng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết những năm qua, ngành công nghiệp khai khoáng đã thể hiện được vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước và ngày càng tiệm cận với các nước phát triển trên thế giới.
[Phú Yên đấu giá 41 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường]
Các tổ chức, cá nhân khai thác, chế biến khoáng sản tại Việt Nam cũng hoạt động hiệu quả, đổi mới sáng tạo sử dụng công nghệ cao, thiết bị khai thác tiên tiến, hiện đại nhằm sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả khoáng sản, bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững. Điều này đã thể hiện vai trò chủ động và tích cực, nâng cao vị thế của Việt Nam trong ASEAN+3 và trên thế giới.
Thông qua hội nghị lần này, đại diện phía Việt Nam mong muốn tiếp tục thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực ASEAN+3, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó trọng tâm là liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện, nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao về khai khoáng; và xây dựng môi trường xanh...
Cùng với đó, thời gian tới, các nước ASEAN+3 cũng cần hỗ trợ ngành khai khoáng khu vực phục hồi và tăng trưởng hậu đại dịch; duy trì và tăng cường kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm khoáng sản một cách bền vững và bổ trợ lẫn nhau; tăng cường hợp tác tài chính, tận dụng khoa học công nghệ, huy động đầu tư tư nhân cho hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, tài chính xanh và phát triển nguồn nhân lực ngành khai khoáng.
Tại hội nghị, đại biểu các nước ASEAN+3 cũng đã thảo luận về những vấn đề sẽ đưa ra trao đổi và xin ý kiến tại Hội nghị Bộ trưởng Khoáng sản ASEAN lần thứ 8 diễn ra vào ngày 8/10 đồng thời tổng kết hoạt động của ASOMM+ 3 lần thứ 13; đánh giá các hoạt động, xây dựng kế hoạch hợp tác và đề xuất các chương trình, dự án hợp tác về khoáng sản giữa ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Đại diện ba nước đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đưa ra các nội dung về phát triển công nghiệp khai khoáng, các chính sách, nhiệm vụ ưu tiên, bao gồm: phát triển khoáng sản bền vững, chính sách đầu tư và chiến lược thăm dò ở nước ngoài; kế hoạch phục hồi khai khoáng trong tình hình dịch COVID-19.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị hôm nay, 7/10, ông Shamsul Shahril Badliza bin Mohd Noor - Thư ký cấp cao Bộ Năng lượng và Tài nguyên Malaysia đã giới thiệu về Kế hoạch Hành động Hợp tác Khoáng sản ASEAN 2016 - 2025 (AMCAP-III) giai đoạn 2 (2021-2025) vừa được Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về khoáng sản (ASOMM) lần thứ 21 thông qua vào ngày hôm qua 6/10.
Theo đó, AMCAP-III giai đoạn 2 hướng đến thúc đẩy hợp tác khoáng sản nhằm tạo ra một ngành khoáng sản ASEAN tiên tiến và tiến bộ vì sự thịnh vượng kinh tế-xã hội và môi trường ASEAN thông qua tăng cường thương mại, tăng cường hợp tác và nâng cao năng lực để phát triển khoáng sản bền vững trong khu vực.
Các đại biểu tham gia hội nghị tin tưởng Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2022-2025 sẽ theo đuổi cải tiến chính sách trong chuỗi giá trị khoáng sản và quản trị khoáng sản bền vững, xây dựng cơ sở dữ liệu khoáng sản ASEAN hiệu quả tạo điều kiện đầu tư cần thiết vào công tác thăm dò và phát triển khoáng sản trong khu vực./.