Họp Quốc hội: Thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Sáng 5/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Họp Quốc hội: Thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan phát biểu trong một phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 5/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Nội dung này đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại tổ vào sáng 2/11.

Nội dung tiếp theo, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Ngay sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Trong phiên họp buổi chiều, các đại biểu Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam; thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Dự thảo Luật Cảnh sát biển trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm 8 chương, 48 điều. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 25, một số nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật gồm: về vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 3); về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (Điều 14); về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam trong vùng biển Việt Nam (Điều 11); về phối hợp hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam (Chương IV).

Quy định vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam hiện còn có hai loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định trong dự thảo Luật là lực lượng vũ trang nhân dân vì đây là nội dung được kế thừa từ Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; quá trình thực hiện không có vướng mắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình hiện nay.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân vì không thống nhất với quy định của Luật Quốc phòng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục