Họp Quốc hội: Phân tầng chính sách giáo dục, tránh tư duy bao cấp

Góp ý về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo tính khả thi, các chính sách cần có sự phân tầng trong thực hiện, tránh tư duy bao cấp.
Họp Quốc hội: Phân tầng chính sách giáo dục, tránh tư duy bao cấp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) bổ sung 2 nhóm chính sách liên quan đến miễn giảm học phí và nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non.

Đánh giá đây là những quy định tiến bộ, ưu việt, song nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo tính khả thi, các chính sách cần có sự phân tầng trong thực hiện, tránh tư duy bao cấp.

Quy định rõ lộ trình thực hiện

Theo dự thảo Luật, Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập (hiện nay Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với giáo dục Tiểu học); hỗ trợ tiền đóng học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục.

Lý giải việc bổ sung chính sách mới này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hiện nay khung học phí Mầm non, Phổ thông quy định đối với các trường công lập khá thấp (khu vực thành thị từ 60.000-300.000 đồng; khu vực nông thôn từ 30.000-120.000 đồng; khu vực miền núi từ 8.000-60.000 đồng). Các cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí.

Tuy nhiên, đến nay, Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với giáo dục Tiểu học, còn giáo dục Trung học cơ sở, trẻ em mầm non 5 tuổi (học sinh thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới cũng đã có chính sách miễn học phí đối với các cấp học này.

Ngoài kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và chi thực hiện chính sách cho học sinh miễn, giảm học phí theo quy định hiện nay, khi thực hiện chính sách này, hàng năm tổng kinh phí ngân sách chi thêm để hỗ trợ thực hiện là 4.730 tỷ đồng. Theo dự kiến, nguồn kinh phí thực hiện cân đối được trong tổng ngân sách chi cho giáo dục đào tạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đánh giá chính sách trên đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về phổ cập, xã hội hóa giáo dục; thúc đẩy, khuyến khích các loại hình trường dân lập, tư thục phát triển để tham gia thực hiện giáo dục phổ cập; thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với người học diện phổ cập, đồng thời tạo sự bình đẳng giữa trường công lập, trường dân lập, tư thục.

Để chính sách ưu việt này được triển khai khả thi, có hiệu quả, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình đề nghị quy định rõ hơn về lộ trình thực hiện chính sách, trong đó đặt ra yêu cầu, thời điểm và điều kiện triển khai thực hiện chính sách học phí đối với người học thuộc diện phổ cập giáo dục này.

Cho ý kiến về dự thảo Luật tại Phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý đến khả năng thực hiện và cho rằng chính sách hỗ trợ đối với giáo dục nên có sự phân tầng, tránh tư duy bao cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế, ở thành phố lớn, có những trường mức đóng góp của mỗi học sinh lên đến 7-8 triệu đồng/tháng mà còn phải xếp hàng mới được tuyển vào trường; có những trường mỗi năm nhận 1.200 hồ sơ mà chỉ tuyển 260 học sinh.

Vậy “Có nên áp dụng chính sách miễn/hỗ trợ học phí đối với những trường như vậy hay không? Nên chăng, chỉ miễn học phí cho học sinh Trung học Cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn...”, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, đồng thời nhấn mạnh, mở rộng đối tượng miễn học phí như trong dự thảo Luật thì “đại trà quá,” vi phạm nguyên tắc thị trường và cần có chính sách huy động sự đóng góp của toàn dân.

[Nhiều băn khoăn quanh dự án Luật Giáo dục đại học và Công an nhân dân]

Trong điều kiện nguồn lực ngân sách hạn hẹp, khi chính sách được triển khai đại trà sẽ rất khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng chính sách học phí chưa nên mở rộng đối với khối dân lập, tư thục, mà cần có sự cân nhắc trên cơ sở đối chiếu với nguồn lực hiện nay.

Bên cạnh đó, phải có cơ chế khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia phát triển giáo dục, có cơ chế tài chính rõ ràng chứ không phải một cách “xài tiền ngân sách”.

Chú trọng chất lượng đào tạo

Một chính sách khác được bổ sung trong dự thảo Luật lần này là nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ Trung cấp Sư phạm lên Cao đẳng Sư phạm.

Theo cơ quan soạn thảo, qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và quốc tế, phần lớn các nước phát triển đều yêu cầu có trình độ đào tạo đại học hoặc sau Đại học (thạc sỹ hoặc chứng chỉ sau đại học) đối với giáo viên Mầm non.

Bên cạnh đó, hiện nay, tổng số giáo viên mầm non (bao gồm cả nhà trẻ và mẫu giáo) là 337.488 giáo viên, trong đó số lượng giáo viên đạt chuẩn trình độ Trung cấp trở lên là 332.403 giáo viên (chiếm 98,5%).

Nếu tính đạt trình độ từ Cao đẳng trở lên thì số lượng giáo viên Mầm non chưa đạt chuẩn là 107.150 (chiếm 33,8%).

Liên quan đến nguồn lực thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tổng kinh phí đào tạo nâng chuẩn là khoảng 857,2 tỷ đồng, nếu thực hiện theo lộ trình 5 năm thì mỗi năm chi khoảng 171,4 tỷ đồng và ngân sách có thể cân đối.

Họp Quốc hội: Phân tầng chính sách giáo dục, tránh tư duy bao cấp ảnh 2Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, khi nâng chuẩn giáo viên thì trường Trung cấp Sư phạm không còn nữa qua việc sáp nhập. Hiện số giáo viên được đào tạo từ các trường Cao đẳng và Đại học có khoa mầm non cũng rất nhiều. Trong 6 năm có thể nâng chuẩn từ Trung cấp lên Cao đẳng, thậm chí là Đại học. Chính phủ đã có Đề án đào tạo, bồi dưỡng để nâng chuẩn.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với việc nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên như đề xuất của Chính phủ.

Tuy nhiên, việc chuẩn hóa đội ngũ không chỉ ở tiêu chí trình độ đào tạo, mà quan trọng là chất lượng đào tạo và năng lực phù hợp với vị trí việc làm của nhà giáo. Vì thế, Ban soạn thảo cần xác định phương thức đào tạo nâng chuẩn, các nguồn lực thực hiện chính sách để bảo đảm tính khả thi; đồng thời đánh giá tác động đối với các trường Trung cấp Sư phạm và số giáo sinh Sư phạm đang theo học hệ Trung cấp khi chính sách này được thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục