Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, chiều 26/5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến một số nội dung còn chưa thống nhất đối với dự án Luật này.
Nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung trong dự án Luật
Theo Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến các cơ quan của Quốc hội và Báo cáo của Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Đối với quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6), nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên phụ lục 1 (Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền), phụ lục 2 (Danh mục hóa chất cấm), phụ lục 3 (Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm I) của Luật Đầu tư. Có ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, bỏ phụ lục 1, 2 và 3 tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, giữ lại phụ lục 1, 2 và 3 tại dự thảo Luật trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung Danh mục cho phù hợp với thực tế, vì đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân, cần phải được quy định trong luật theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
Về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ." Một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ."
Về vấn đề này do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định. Theo đó, phương án 1 là xin được giữ quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Bởi lẽ, thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.
Phương án 2 là tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành. Bởi lẽ, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị cần bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để bảo đảm quản lý Nhà nước đối với loại hình kinh doanh này.
[Đòi nợ thuê: Chính phủ muốn cấm, đại biểu Quốc hội muốn quản]
Về việc bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ điều tra, thám tử tư, vật liệu nổ khác (ngoài pháo nổ), các ngành thải hóa chất độc hại ra môi trường, bào thai…, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh "bào thai" để phản ánh đầy đủ nội dung cấm của ngành, nghề “Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người” tại điểm đ khoản 1 Điều 6.
Đối với dịch vụ điều tra là một ngành trong hệ thống các ngành kinh tế Việt Nam khác với điều tra hình sự là nhiệm vụ của cơ quan công an, tư pháp; theo quy định của Bộ luật Dân sự, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; một số hoạt động (như thải hóa chất độc hại ra môi trường, xâm phạm bí mật cá nhân, buôn lậu, kinh doanh hàng giả...) không phải là ngành, nghề kinh doanh mà là hành vi vi phạm pháp luật đã được quy định xử lý theo pháp luật về hành chính, hình sự, dân sự.
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Cấm hay không?
Bày tỏ đồng tình cao với Báo cáo giải trình dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu một số ý kiến đối với Điều 6: Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Theo đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên phụ lục 1, 2 và 3 của dự án Luật, không giao cho Chính phủ quy định chi tiết; bổ sung quy định cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung.
Về việc cấm đầu tư dịch vụ đòi nợ, đại biểu thống nhất phương án 2: Không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành; đồng thời, đổi tên gọi là “kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ."
Cũng theo đại biểu, nếu thực hiện phương án 1 thì chưa thỏa đáng. “Không thể ngành nào Nhà nước quản lý khó thì cấm kinh doanh mà nên tạo điều kiện cho dân; Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật sẽ dễ dàng hơn," đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên-Huế) cho rằng thời gian qua, mặc dù đã có quy định về kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân sử dụng các băng nhóm xã hội đen, tội phạm nhằm chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, tín dụng đen…, gây mất trật tự an toàn xã hội, dẫn tới những hậu quả xấu, thậm chí đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng con người, thúc đẩy nhiều loại hình tội phạm phát triển. Vì vậy, việc đưa kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ vào quy định ngành, nghề được kinh doanh là phù hợp.
Theo đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng), Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu hầu hết các ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8. Một số nội dung được giải trình rõ ràng, thuyết phục.
Về việc cấm hay không cấm ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đại biểu nêu ý kiến trong hoạt động dân sự, kinh doanh sẽ phát sinh nợ nần, thậm chí rủi ro nợ quá hạn, khó đòi, không đòi được là bình thường, vấn đề là cách thức xử lý. Bên cạnh dịch vụ đòi nợ, pháp luật còn quy định nhiều cách thức xử lý nợ khác như: trọng tài, xét xử tại tòa, hòa giải, đối thoại, mua bán nợ, xóa nợ...
Tuy nhiên, trên thực tế, thủ tục qua trọng tài của Tòa án mất rất nhiều thời gian, qua nhiều thủ tục hành chính mà hiệu quả không cao, chỉ thu được 36% với các vụ đã xử; nếu tính trên tổng số vụ việc thì tỷ lệ xét xử rất thấp, việc thi hành án cũng rất khó khăn.
Đối với doanh nghiệp thì việc xử lý nợ khó đòi rất phức tạp, không khả thi. Đại biểu nêu ví dụ theo Luật Doanh nghiệp, khi giải thể doanh nghiệp, kể từ ngày có nghị quyết của đại hội đồng cổ đông hoặc nghị quyết của hội đồng ủy viên, hội đồng quản trị thông qua việc giải thể, trong vòng 180 ngày, doanh nghiệp đó phải giải quyết các trách nhiệm tài chính để nộp hồ sơ chính thức giải thể đến Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương.
Tuy nhiên, do phải xử lý một khoản nợ không đòi được, doanh nghiệp phải ra tòa kéo dài nhiều năm, dẫn đến quá 180 ngày mà chưa nộp được hồ sơ giải thể, không biết phải xử lý tiếp theo như thế nào. Vì thế, thực tế, doanh nghiệp vẫn phải tìm đến dịch vụ đòi nợ vì tính tiện dụng.
Đại biểu Mai Hồng Hải nhận định không nên cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ, tuy nhiên cần quan tâm các nhóm giải pháp: rà soát sửa đổi bổ sung các quy định để phát huy được các biện pháp xử lý nợ khác; tăng cường lực lượng tổ chức thi hành án, sửa đổi bổ sung Thông tư 228 năm 2009 của Bộ Tài chính về điều kiện xử lý nợ khó đòi; sớm hướng dẫn thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại tòa.
Bên cạnh đó, tăng cường, đảm bảo hiệu lực quản lý đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ bằng việc sửa đổi Nghị định 104 năm 2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ; trong đó, bổ sung điều kiện khoản nợ được thuê đòi, khoản quá hạn… đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ.
Không đồng tình với quan điểm của các đại biểu trên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) ủng hộ phương án 1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Đại biểu cho rằng trong cuộc sống, khi thuê dịch vụ là do không có thời gian tự làm công việc hoặc do công việc phức tạp, đòi hỏi người có kỹ năng thực hiện nhanh hơn, tốt hơn. Có trường hợp xét thấy khi thuê dịch vụ thì có lợi hơn là tự làm; những dịch vụ này đương nhiên phải hợp pháp.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, bản chất sâu xa của dịch vụ đòi nợ hoàn toàn khác. Gần như trong nhiều trường hợp, chủ nợ đòi doanh nghiệp trả tiền nhưng con nợ không có tiền hoặc có tiền nhưng không chịu trả. Sau đó, chủ nợ mới nhờ đến dịch vụ đòi nợ. Lúc này, điều chủ nợ nghĩ đến và hướng tới là hành vi bạo lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để đòi tiền.
Mặc dù Nghị định số 96 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có quy định cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi thực hiện đòi nợ không được sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực và không được sử dụng phương tiện làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ gồm các hoạt động đòi nợ tiền, tài sản hợp pháp cho cơ quan tổ chức hoặc cá nhân theo hợp đồng ủy quyền, dịch vụ đòi nợ nếu hiểu đúng và làm theo đúng pháp luật thì việc đòi nợ chỉ bao gồm việc liên hệ con nợ, nhắc nhở việc trả tiền; nếu không trả nợ thì khởi kiện ra tòa án; đến khi tòa án ra phán quyết thì đề nghị cơ quan thi hành án có thẩm quyền cho thi hành. Nếu có dấu hiệu phạm tội hình sự thì trình báo cơ quan điều tra. Đối với khoản nợ của doanh nghiệp thì có thể đệ đơn phá sản. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu dẫn chứng theo Báo cáo đánh giá phúc lợi của Chính phủ, tính đến hết tháng 8/2019, cả nước có 29 tỉnh, thành phố có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký trong đó tập trung chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh với 84 doanh nghiệp; Hà Nội là 62 doanh nghiệp.
Trong quá trình kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như quy định pháp luật có liên quan khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê dẫn đến phát sinh nhiều tiêu cực đối với xã hội. Những vi phạm phổ biến là bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật; có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần, gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi xuất hiện biến tướng hình thành băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, tín dụng đen gây mất trật tự an toàn xã hội.
Do đó, theo đại biểu, ở đây không là việc không quản được thì cấm mà quan hệ pháp luật được xác lập trong giao dịch đòi nợ thuê như đang diễn ra trong thực tế hiện nay thực chất là quan hệ sai trái, không đúng với bản chất của việc đòi nợ hợp pháp pháp luật đã quy định. Một quan hệ pháp luật đã bị bóp méo, biến tướng bởi những đối tượng tham gia giao dịch.
Đại biểu cũng nêu ý kiến: “Sẽ là thiết thực hơn nếu tại Kỳ họp này cơ quan soạn thảo cung cấp thêm những thông tin về việc có bao nhiêu cơ sở dịch vụ đòi nợ thuê hoạt động đúng pháp luật; mức thuế đóng góp của các cơ sở dạng này là bao nhiêu; có bao nhiêu vụ phạm tội trong hành vi đòi nợ thuê gây ra; bao nhiêu vụ tạt chất bẩn vào nhà con nợ; bao nhiêu đơn thư trình báo về việc bị đe dọa tính mạng hay tấn công liên quan đến dịch vụ đòi nợ thuê. Những số liệu như thế sẽ giúp chúng ta có thêm cơ sở để có thêm cân nhắc nên để hay nên cấm dịch vụ này."
Cơ quan soạn thảo đề nghị phương án 1
Giải trình một số nội dung còn có ý kiến tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng của Luật này, Luật đã tiếp cận theo hướng bổ sung các quy định để phân định rõ phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng giữa luật này với các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh…
Cơ quan soạn thảo thống nhất với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đa số các đại biểu đề nghị để lại phụ lục 1, 2, 3 tại dự án Luật và không là giao quyền này cho Chính phủ quyết định.
Về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trong quá trình thảo luận về vấn đề này, Chính phủ đã làm việc hết sức công phu, nghiên cứu, thảo luận, mời các chuyên gia, tổ chức các hội thảo, hội nghị và cuối cùng đi đến quyết định chọn phương án cấm loại kinh doanh dịch vụ này. Cơ quan soạn thảo cho rằng phương án Chính phủ đề ra đã có đầy đủ các cơ sở. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị với các đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án 1.
Phát biểu bế mạc phiên thảo luận trực tuyến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết các đại biểu cơ bản thống nhất với các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã đóng góp nhiều ý kiến về một số nội dung vào dự luật, như về tính thống nhất của hệ thống pháp luật và vấn đề áp dụng luật, về tính cụ thể, tính khả thi của dự án luật, về phạm vi điều chỉnh, về các khái niệm.
Về ngành, nghề cấm đầu tư, đa số thống nhất là giữ lại các phụ lục 1, 2, 3 và khi cần thiết Chính phủ có thể trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những quyết định thay đổi. Riêng về kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến các đại biểu Quốc hội thông qua điện tử./.