Họp Quốc hội: Loại bỏ tình trạng thi nhau đi học lấy các chứng chỉ

Hàng loạt vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành nội vụ mà các đại biểu Quốc hội chất vấn đã được Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải đáp trong phiên trả lời chất vấn ngày 9/11.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Hàng loạt vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành nội vụ mà các đại biểu Quốc hội chất vấn đã được Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải đáp trong phiên trả lời chất vấn ngày 9/11.

Giảm bớt chứng chỉ trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng

Cho biết những kỳ họp trước Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã đề cập sẽ sớm bỏ những chứng chỉ các viên chức phải thi, cụ thể như chứng chỉ ngoại ngữ, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đặt câu hỏi: Cử tri quan tâm là đến bao giờ loại bỏ tình trạng thi nhau đi học các chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thành chứng chỉ viên chức.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, trong quá trình tổ chức triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, các Nghị định của Thủ tướng Chính phủ tập trung vào vấn đề xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ.

[Không để cán bộ, công chức 'ngồi chơi mà vẫn nhận lương']

Về vấn đề tuyển dụng, theo Bộ trưởng, nghị định của Chính phủ đã quy định, đối với những trường hợp khi tốt nghiệp, các bằng chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, như ngoại ngữ đạt trình độ bậc 3, thì không cần yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ.

Tương tự, những người thi nâng ngạch, nếu được miễn thi tin học, ngoại ngữ thì không cần phải nộp văn bằng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Để thực hiện việc này, nghị định của Chính phủ đã giao cho các bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có quy định về trình độ tin học, ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chiến chất vấn thành viên Chính phủ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Có vị trí không cần trình độ cao thì không quy định, vị trí cần có trình độ ngoại ngữ bậc cao hơn sẽ quy định trong từng vị trí việc làm.

"Để tiến tới bỏ các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức. Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học, thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra trên máy vi tính," Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho biết thêm thời gian qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư sửa đổi về chuẩn của chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Theo đó, không quy định vấn đề chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Riêng về công tác bổ nhiệm cán bộ, hiện nay, khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải có 7 văn bằng chứng chỉ, tập trung chủ yếu là có trình độ về chuyên môn, lý luận chính trị và trình độ quản lý nhà nước. Đây là 3 chứng chỉ cơ bản để đề bạt, bổ nhiệm, còn những văn bằng, chứng chỉ khác chỉ phục vụ trong quá trình đào tạo tiếp theo.

Xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm

“Quét nhà thì phải quét nhà mình trước rồi mới quét nhà người khác,” dẫn câu nói của chính Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, đại biểu Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) chất vấn người đứng đầu ngành Nội vụ về việc Bộ tổ chức thanh tra, kiểm tra, quản lý công chức, viên chức các bộ, ngành Trung ương và địa phương rất nhiều, đã có bao nhiêu trường hợp vi phạm tại Bộ Nội vụ và các bộ, ngành trung ương và địa phương bị xử lý. Giải pháp của Bộ trong thời gian tới để nâng cao chất lượng công tác cán bộ, công chức, viên chức?

Giải đáp, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị quyết số 280-NQ/BCSĐ về tăng cường thực hiện các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ và kỷ cương, kỷ luật hành chính trong nội bộ; thành lập một tổ công tác của Ban Cán sự Đảng để giải quyết về vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Võ Thị Như Hoa đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Thời gian qua, Bộ đã rà soát lại tất cả những đơn vị trực thuộc có những vấn đề liên quan và các trường hợp này đều được xem xét, xử lý một cách công khai, minh bạch.

Bộ Nội vụ đã tiến hành kỷ luật một số cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, điều chuyển, bố trí lại những vị trí không phù hợp và củng cố, xây dựng đoàn kết nội bộ.

“Năm 2017, Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ được Ban Bí thư gợi ý kiểm điểm 8 đơn vị có liên quan về vấn đề này. Đến nay, cơ bản đã xử lý, giải quyết xong,” Bộ trưởng nói.

Liên quan đến vấn đề sử dụng biên chế và tinh giản biên chế, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định, Bộ thực hiện ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn các đơn vị khác. Đối với những việc quan hệ với bên ngoài, Bộ Nội vụ là một trong những cơ quan đầu tiên xây dựng về xây dựng mô hình một cửa cấp bộ.

Ông đề nghị đại biểu nếu phát hiện cán bộ, công chức của ngành nội vụ vi phạm đạo đức công vụ hoặc gây khó khăn trong thực hiện công vụ đối với các bộ, ngành, địa phương thì cung cấp thông tin cho Bộ trưởng, Bộ sẽ cương quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chưa đặt vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh

Chất vấn Bộ trưởng Nội vụ, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đặt vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thời gian vừa qua được đánh giá là rất hiệu quả và thiết thực. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn trong việc giải quyết cán bộ dôi dư, giải quyết các trụ sở, trường học, trạm xá... Bộ có giải pháp gì để hạn chế những khó khăn này khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính thời gian sắp tới? Bộ có tính đến việc tham mưu để sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hay không?

Còn đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng việc sáp nhập, tổ chức bộ máy một cách khiên cưỡng để tinh giản biên chế và hệ lụy được dự báo trước là sẽ lớn hơn nhiều hiệu quả mang lại của sự tinh giản. Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến có nên tinh giản tổ chức bằng cách sáp nhập khiên cưỡng trong thời gian tới?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ quy định sắp xếp đối với những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có dưới 50% diện tích tự nhiên và quy mô dân số, đối tượng còn lại Nghị quyết 653 chưa đặt vấn đề. Trong Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 cũng chưa đặt vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Thời gian qua, việc thực hiệp sắp xếp có những vấn đề khó khăn, đặc biệt là thực hiện các chế độ, chính sách. “Lúc đầu, các địa phương nghĩ rằng đây là việc thuận lợi, dễ, nên hầu hết các phương án của địa phương đều đề nghị sắp xếp cán bộ, công chức đến 31/12/2022 là kết thúc. Nhưng thực tế, Nghị quyết 653 cho phép không quá 5 năm, do đó, tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép các địa phương sắp xếp về tổ chức biên chế là không quá 5 năm từ khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực đối với từng địa phương, không thực hiện theo đề nghị của địa phương,” Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Ông cũng nêu ra một số giải pháp Bộ Nội vụ đã hướng dẫn địa phương sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư, như: tinh giản biên chế, thực hiện chế độ thôi việc một lần, chuyển được từ công chức xã lên công chức huyện nếu đủ điều kiện...

Về cơ sở vật chất, Bộ trưởng Nội vụ đề nghị các địa phương nên nghiên cứu và xem xét địa điểm đặt trụ sở để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Rà soát lại toàn bộ hiện trạng giáo dục, sắp xếp cho phù hợp

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) về giải quyết vấn đề dồn ghép cơ học các điểm trường lẻ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay trong những lần chất vấn trước ông đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có phương án bố trí, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp trong từng vùng, miền khác nhau.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trước tiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải rà soát lại toàn bộ hiện trạng giáo dục từ mầm non đến phổ thông ở các địa phương và có kế hoạch sắp xếp lại cho phù hợp theo đúng tinh thần giảm 10% đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ hai là nghiên cứu xây dựng lại các định mức phải phù hợp với từng cấp học, từng vùng miền. Các đô thị, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, số lượng học sinh quá đông, trong khi khu vực nông thôn, miền núi lại thấp, định mức không thể tính bình quân cào bằng chung cả nước, kể cả các vùng miền, phải xây dựng lại định mức phù hợp để xác định biên chế giao.

“Vấn đề thứ ba, đó là phải xử lý tình trạng thừa, thiếu cục bộ hiện nay của ngành giáo dục, y tế, không để mỗi năm lại xử lý một lần mà phải giải quyết căn cơ,” Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành nội vụ cũng đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo sớm có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương và cùng với Bộ Nội vụ để giải quyết vấn đề nêu trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục